Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Trẻ đổ bệnh vì thời tiết TP.HCM sáng nắng, chiều mưa

02/06/2023 (16:43:28)

TP.HCM bước vào mùa mưa, nhiều phụ huynh phải đưa con đến bệnh viện khám. Trong đó, số lượng trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng.

Trẻ cùng phụ huynh chờ khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chị Phương Phúc (28 tuổi, huyện Bình Chánh) vừa mệt nhoài ôm con gái, vừa chăm chú nhìn bảng điện tử trên quầy nhận thuốc. Nhiều ngày qua, con gái chị Phúc bị ho, sốt kéo dài không khỏi.

Tranh thủ qua giờ nghỉ trưa, lúc trời vừa hạ nắng gắt, chị Phương vội đưa con gái đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Vừa khám xong, trời cũng xám xịt, bắt đầu chuyển mưa.

Mệt mỏi vì con liên tục đổ bệnh

Sau vài giờ xếp hàng, chờ lượt khám, con gái chị Phương thiu thiu nằm gối đầu trên đùi mẹ, ngủ thiếp. Trong khi đó, bà mẹ 28 tuổi mắt không rời bảng điện tử chờ lượt nhận thuốc để tranh thủ về nhà trước khi trời đổ cơn mưa chiều.

“Tuần trước, con tôi dính mưa khi đi học về. Tối cùng ngày, bé sốt nhẹ, sổ mũi, mệt mỏi, sau đó sốt tái đi tái lại không thuyên giảm”, chị Phúc chia sẻ.

Dù đã được uống thuốc điều trị nhiều ngày, con gái chị Phúc vẫn lừ đừ, không thích vui đùa, thỉnh thoảng lại quấy khóc khiến gia đình không khỏi mệt mỏi.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ chẩn đoán bé bị cảm lạnh thông thường do dính nước mưa, không cần kiêng cữ hay uống quá nhiều thuốc.

Chị Phúc cho hay con gái chị không phải là trường hợp mắc bệnh vì dính mưa trong lớp học. “Cứ vào mùa mưa, thể nào các bé cũng ốm liên miên. Tuần gần sát nghỉ hè, lớp cháu cũng có vài bạn xin nghỉ học vì ốm”, chị kể.

tre nhap vien mua nong anh 1

Phụ huynh dỗ con trong lúc chờ khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Linh Thùy.

Trao đổi với Tri thức trực tuyến, bác sĩ chuyên khoa II Lê Minh Lan Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết những ngày gần đây, đơn vị này tiếp nhận số lượng bệnh nhi đến khám chữa bệnh tăng vọt, trung bình 3.500 lượt/ngày.

Ngày cao điểm thường rơi vào đầu tuần, số bệnh nhân có thể lên tới 4.500-4.600 lượt/ngày. Trong khi trước đó, số lượng trẻ đến khám chỉ ở mức trung bình 3.000 lượt/ngày và 3.500 lượt đối với ngày cao điểm.

“Mùa mưa về, số bệnh nhân mắc các bệnh lý đường hô hấp tăng cao. Các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng có dấu hiệu trở lại, bắt đầu xuất hiện các ca sốt xuất huyết, tay chân miệng nặng”, bác sĩ Phương cho hay.

Nhiều bệnh truyền nhiễm vào mùa

Bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho hay thời tiết “sáng nắng chiều mưa” thuận lợi cho các siêu vi phát triển và tấn công trẻ em, đặc biệt những bé có sức đề kháng yếu.

Một số bệnh thường gặp ở trẻ mùa này là tay chân miệng, sốt xuất huyết, sốt siêu vi, quai bị.

“Tay chân miệng đang vào mùa cao điểm, từ tháng 4 đến tháng 6, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Nếu xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi, bệnh càng dễ gây nguy hiểm. Phụ huynh cần cẩn trọng theo dõi, tránh để trẻ bị biến chứng. Ngoài ra, sốt xuất huyết cũng đang vào mùa bệnh”, bác sĩ Quy cảnh báo.

Ngoài ra, thời điểm mùa mưa, nhiều trẻ mắc quai bị, bệnh phổ biến ở trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ. Bác sĩ Quy cho hay khoa Nhiễm - Thần kinh đang điều trị vài ca quai bị. May mắn, tình trạng các bé không nặng do đa số phụ huynh có ý thức phòng ngừa bằng vaccine.

Quai bị có thể gây biến chứng như viêm tinh hoàn ở bé trai và viêm buồng trứng ở bé gái. Ở thể nặng, bệnh nhi sốt, co giật kéo dài, có thể dẫn đến viêm não. Tuy nhiên, hiện tượng này hầu như không gặp ở những trường hợp trẻ đã chích ngừa quai bị.

Nếu phát hiện trẻ có hiện tượng sưng tinh hoàn, phụ huynh cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị biến chứng kịp thời.

Cẩn trọng với bệnh ngoài da, tiêu hóa

Ngoài bệnh truyền nhiễm, một số căn bệnh về da, tiêu hóa cũng dễ gặp trong thời tiết sáng nắng nóng, chiều mưa lạnh như ở TP.HCM hiện nay.

Thời tiết nắng nóng rất dễ khiến trẻ bị rôm sảy, dị ứng ngoài da với dấu hiệu nổi mụn nước, ngứa trên cơ thể. Trong trường hợp này, phụ huynh nên cho trẻ uống nhiều nước, sữa, bổ sung thêm vitamin và cho bé mặc đồ thoáng.

Người thân cũng có thể tắm cho trẻ với nước có pha thuốc tím hoặc nước trái khổ qua, tuyệt đối không thoa corticoid để giảm ngứa cho bé.

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng rất khiến đồ ăn dễ ôi thiu nếu để bên ngoài môi trường tự nhiên. Trẻ thường bị tiêu chảy nếu ăn phải thức ăn này.

“Trẻ bị tiêu chảy cần được bù nước càng nhiều càng tốt. Nếu tình trạng tiêu chảy tệ hơn như không ăn được, nôn ói, đi vệ sinh ra máu... phụ huynh cần đưa bé đi cơ sở y tế khám để điều trị kịp thời”, bác sĩ Quy khuyến cáo.

Ngoài ra, mỗi khi ra đường vào thời gian này, phụ huynh nên chuẩn bị đầy đủ áo mưa cũng như đồ chống nắng cho trẻ vì thời tiết có thể thay đổi bất cứ lúc nào.

Nếu không may dính mưa, bé cần được lau khô và thay quần áo ngay khi trở về nhà. Phụ huynh cũng không nên cho trẻ nằm, ngồi trực tiếp dưới quạt hay máy lạnh để tránh bị cảm lạnh.

Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.

Linh Thùy

Theo: ZINGNEWS.VN


Sức khỏe (Tin trước)