Phát hiện bản thân là con trai sau nhiều năm sống trong tâm thế là nữ, thiếu niên này phải đối mặt và cố gắng vượt qua biến cố lớn trong cuộc đời.
|
Dị tật cơ quan sinh dục khiến trẻ lầm tưởng về giới tính, điều này khiến trẻ gặp khó khăn trong phẫu thuật lẫn tâm lý. Ảnh: Freepik. |
Trường hợp này được TS.BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM), chia sẻ với Tri thức trực tuyến.
Từ khi chào đời đến nay, T. luôn sống trong tâm thế là một cô gái. Em sống với cái tên Nguyễn Thị T., các mối quan hệ bạn bè, quần áo, sở thích cũng là của cô gái đang tuổi dậy thì.
Tuy nhiên, nhận thấy cơ thể của bản thân ngày càng khác lạ, T. cùng gia đình đến khám tại bệnh viện ở TP.HCM. Biến cố lúc này cũng đến với T. khi em được kết luận mang giới tính nam.
Thay đổi cuộc đời
T. đã qua độ tuổi dậy thì của bé gái nhưng không có các đặc điểm sinh học của giới tính nữ như bạn bè cùng lứa.
Khi đến khám tại một bệnh viện sản phụ khoa ở TP.HCM, T. bàng hoàng khi được các bác sĩ kết luận mắc bất thường liên quan dị dạng cơ quan sinh dục nam và đề nghị em đến khám tại Bệnh viện Bình Dân.
“Bệnh nhân có cơ quan sinh dục có đặc điểm giống nữ giới. Bìu úp lại giống hai môi lớn, phía dưới có một cái lỗ nhỏ giống lỗ âm đạo. Sự nhầm lẫn này đã khiến gia đình lẫn bản thân bệnh nhân lầm tưởng là giới tính nữ. Tuy nhiên, bệnh nhân mắc bệnh lý niệu đạo đóng thấp”, TS Mai Bá Tiến Dũng kể lại.
Theo chia sẻ của bác sĩ Dũng, đơn vị này vẫn tiếp nhận khá nhiều trường hợp mắc dị tật sinh dục niệu đạo đóng thấp tương tự. Việc chẩn đoán dị tật này không khó khăn đối với bác sĩ, tuy nhiên, để giúp bệnh nhân tìm lại giới tính đúng và đối mặt với sự thay đổi cuộc đời lớn như vậy là hành trình gian nan.
“Phải mất 2 năm, bác sĩ và gia đình mới giúp bé trở về lại giới tính sinh học đúng”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Đầu tiên, bác sĩ đã hướng dẫn cho bệnh nhân T. xác định về các thủ tục hành chính, xác định lại bộ nhiễm sắc thể và đánh giá lại để bệnh nhân biết là con trai hay con gái về mặt sắc giới.
Sau đó, bác sĩ cùng người nhà bệnh nhân xin cấp phép chuyển giới. “Việc chuyển giới này không phải chuyển giới tính từ nam sang nữ hay nữ sang nam mà là chuyển về đúng với giới tính thật của bệnh nhân”, bác sĩ nói thêm.
“Ba vấn đề khó khăn nhất đối với những trường hợp này là làm sao để người nhà phát hiện sớm, giúp trẻ không bị mặc cảm, thứ hai là kỹ thuật mổ khá là phức tạp và cuối cùng là về tài chính”, vị chuyên gia chia sẻ.
Về kỹ thuật mổ, TS.BS Mai Bá Tiến Dũng cho biết bước đầu tiên là chuyển dương vật và gốc dương vật về đúng vị trí, tiếp theo tạo hình niệu đạo cho trẻ. Khi tạo hình niệu đạo, mục tiêu cần đạt là hiệu quả, thẩm mỹ, đảm bảo chức năng và thời gian. Điều này đòi hỏi bác sĩ có chuyên môn, trang thiết bị đầy đủ.
Bệnh nhân T. đã trải qua 3 lần phẫu thuật. May mắn, em có gia đình hỗ trợ tài chính.
“Một tuần, tôi phẫu thuật cho 2-3 trường hợp bệnh nhân dị tật sinh dục, đa số là bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên, việc mổ cho trẻ trên 12 tuổi có những khó khăn khác. Thứ nhất, dương vật đang độ tuổi phát triển, thứ hai là độ cương của dương vật vào buổi sáng, thứ ba là hướng vệ sinh của bệnh nhân. Những yếu tố này làm cho việc phẫu thuật khó khăn hơn”, TS Dũng cho biết.
Đối mặt
Từ khi chào đời đến lúc trở thành học sinh THPT, em vẫn luôn nghĩ mình là một đứa trẻ giới tính nữ, sống trong cộng đồng phụ nữ, thay quần áo và tắm trong phòng tắm nữ.
Với T., sự thay đổi này là cú sốc rất lớn đối với đứa trẻ đang độ tuổi thành niên. Em tập bắt đầu cuộc sống mới trong giới tính nam, để tóc ngắn, mặc quần short thay vì đầm váy, tham gia nghĩa vụ quân sự…
|
Dị tật niệu đạo đóng thấp có thể khiến gia đình lầm tưởng về giới tính ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa: Freepik. |
“Bệnh nhân đã vượt qua được thời gian đó và bước chân vào môi trường đại học. Đây là một kỳ tích về sức bật của tâm lý và sức bật của sự hỗ trợ từ gia đình. Đứa trẻ đã vượt qua được những cái định kiến xung quanh”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Bên cạnh đó, TS Tiến Dũng cũng phân tích thêm những dị tật ở cơ quan sinh dục khiến cho trẻ khó khăn đi vệ sinh. Trẻ trưởng thành cũng khó khăn trong quan hệ, tỷ lệ có con thấp hơn, kèm theo các bệnh khác như thoát vị bẹn, tinh hoàn ẩn, mặc cảm tự ti khi không quan hệ vợ chồng được…
Đối với bệnh nhân mắc dị tật sinh dục, ngoài phẫu thuật, việc điều trị tâm lý cho bệnh nhân rất quan trọng. Trong đó, cần sự đồng hành, chia sẻ của người thân trong gia đình.
Tiến sĩ Mai Bá Tiến Dũng khuyến cáo khi phát hiện ra trẻ bị dị tật bất thường ở cơ quan sinh dục, trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa. Phụ huynh nên hạn chế đưa trẻ đến các phòng khám tư nhân bên ngoài hoặc các cơ sở y tế không đủ năng lực chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị.
Cuốn sách Ăn gì, khi nào của nhóm tác giả Michael CrupainMichael RoizenTed Spiker khám phá điểm giao thoa giữa “ăn cái gì” và “ăn khi nào”, phân tích tỉ mỉ cách thức những thực phẩm lành mạnh nhất tương tác với cơ thể bạn tùy thuộc vào thời điểm bạn ăn chúng, từ đó đưa ra một kế hoạch chi tiết giúp bạn có phương án ăn uống tối ưu mỗi ngày.