07/04/2023 (09:32:38)
Sau nhiều lần bị lạm dụng, bé trai dần dần chấp nhận và tìm các nội dung phim người lớn để xem. Trường hợp khác lại bắt đầu tiếp xúc nội dung bạo lực để tự vệ.
Thạc sĩ tâm lý Mai Thị Nguyệt cho biết hầu hết trẻ có vấn đề tâm lý do thói quen sử dụng thiết bị điện tử từ sớm. Ảnh: Shutterstock. |
Bé gái 10 tuổi (quê ở Bình Phước) đến khám tại khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), trong tình trạng hoảng sợ, vẻ mặt hốt hoảng và lo lắng. Cô bé ở độ tuổi hồn nhiên, ngây thơ như thế lại phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, thậm chí phải cầm dao, kéo khi đi ngủ.
Thạc sĩ tâm lý Mai Thị Nguyệt, người điều trị trực tiếp cho em, chia sẻ: "Qua nhiều giờ thăm khám và động viên tinh thần cho bé, cuối cùng, tôi phát hiện em bị chính người anh trai song sinh của mình lạm dụng trong suốt thời gian dài".
Đó không phải trường hợp duy nhất ThS Nguyệt gặp. Trước đó, khoa Tâm lý tiếp nhận bé trai 10 tuổi (sống tại TP.HCM) trong tình trạng rối loạn cảm xúc và hành vi.
Qua thăm khám, ThS phát hiện bé trai này đã lạm dụng và bị lạm dụng trong thời gian dài do xem nội dung 18+. Được biết, em từng bị một người đàn ông gần nhà mò mẫm, bắt hôn vào bộ phận sinh dục. Dần dần, em tỏ ra thích thú, có xu hướng nghiện và bắt đầu tìm kiếm video 18+ để xem.
Phát hiện con trai bị rối loạn hành vi cảm xúc và liên tục gọi điện về nhà khi đang học ở trường, người mẹ đưa con đi khám tâm lý để tìm hiểu nguyên nhân. Lúc trao đổi với bác sĩ, bé trai thừa nhận bản thân là "người xấu" khi xảy ra quan hệ với người hàng xóm và lo sợ lúc không có mẹ ở bên cạnh.
Trong khi đó, bé gái 10 tuổi (quê ở Bình Phước) bị chính anh trai lạm dụng cũng vì người anh xem phim 18+. Năm nạn nhân 8 tuổi, anh trai đưa em vào phòng, khóa trái cửa và rủ "chúng mình cùng chơi trò như trong phim đi". Tiếp theo, người anh bắt đầu hôn, sờ mó vào khắp các bộ phận của em. Bé gái chỉ biết sợ, không dám phản kháng và chấp nhận nghe theo.
Dần dần, bé gái bắt đầu xem phim hành động, bạo lực vì muốn học cách tự vệ cho bản thân. Tối đến, em cầm dao, kéo để trên đầu giường, khóa trái cửa và ngủ một mình. Thấy con gái có biểu hiện lạ và rối loạn lo âu, người mẹ quyết định đưa con đến bệnh viện khám.
Trao đổi với Zing, ThS Nguyệt, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết mỗi ngày khoa Tâm lý của đơn vị này tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhi đến khám.
Trong đó, hầu hết trẻ đều có vấn đề tâm lý do thói quen sử dụng thiết bị điện tử từ sớm (hơn một tuổi). Cụ thể, số lượng trẻ dưới 6 tuổi được cha mẹ cho làm quen và lệ thuộc vào thiết bị điện tử chiếm 58%. Con số này ở nhóm trẻ trên 6 tuổi là 42%.
Mỗi ngày, khoa Tâm lý của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhi đến khám. Ảnh: Nam Giao. |
Theo ThS Nguyệt, khi sử dụng điện thoại, trẻ sẽ tiếp xúc với rất nhiều nội dung trên Internet hoặc mạng xã hội, phụ huynh khó có thể kiểm soát toàn bộ. Việc vô tình hay cố ý xem nội dung liên quan 18+ sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ ở giai đoạn hiện tại cũng như ở độ tuổi dậy thì và trưởng thành.
“Trên thực tế, tôi từng tiếp nhận nhiều trẻ bị lạm dụng và lạm dụng tình dục trước giai đoạn dậy thì khi xem nội dung 18+”, ThS Nguyệt cho hay.
Vị chuyên gia phân tích nếu tiếp xúc với nội dung này từ sớm, trong vô thức, trẻ sẽ lưu giữ đầy hình ảnh thô tục, bạo lực, không thực tế. Chúng sẽ ảnh hưởng nhiều đến tư duy, khiến trẻ nhận thức méo mó về thế giới quan, tình yêu và tình dục. Điều này có thể dẫn đến những rối loạn cảm xúc, hành vi, trầm cảm…
Từ đó, trẻ có xu hướng quan hệ tình dục sớm, nghiện quan hệ tình dục, đối xử tàn nhẫn với phụ nữ, bạo lực… Ths Nguyệt cho biết hiện nay, phần lớn nội dung khiêu dâm chứa cảnh hung hăng, thô bạo đối với phụ nữ. Việc xem những nội dung này có thể khiến các bé trai cho rằng hành vi hung hăng, hạ thấp phụ nữ là điều có thể chấp nhận được.
“Khi làm việc tại khoa Tâm lý, tôi chứng kiến nhiều trẻ đến khám với các biểu hiện như thờ ơ với ngoại cảnh, dễ kích động hay xa rời các mối quan hệ. Thậm chí, có trẻ mắc kẹt trong thế giới nội tại bản thân, cảm giác đau khổ, tự ti và không thoát ra được những ám ảnh đã nằm sâu trong vô thức”, ThS Nguyệt chia sẻ.
Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng trẻ tiếp cận với nội dung 18+, ThS Nguyệt khuyến cáo phụ huynh chỉ nên cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử dưới một giờ/ngày. Đối với trường hợp nghiện thiết bị điện tử với thời lượng xem trên 6 giờ/ngày, phụ huynh không nên bắt trẻ cai ngay lập tức, khiến trẻ khó chịu và chống cự.
Thay vào đó, chúng ta có thể giảm dần thời gian xem của trẻ xuống 50% so với với ban đầu và từ từ giảm còn 30 phút đến một giờ/ngày. Ngoài ra, cha mẹ nên thống nhất với con khung giờ xem cố định và kiểm soát chặt chẽ các nội dung con xem.
Bên cạnh đó, nếu phát hiện trẻ “lén” hoặc “vô tình” xem video có nội dung 18+, cha mẹ không nên hoảng loạn, phản ứng dữ dội bằng cách la mắng trẻ hoặc tịch thu điện thoại, khiến trẻ xấu hổ.
Điều này càng khiến trẻ càng tò mò và nói dối để tìm hiểu về nội dung 18+. Thay vào đó, cha mẹ có thể cùng con thảo luận về giới tính, giải thích cho con các nội dung như vậy xa vời thực tế cũng như không xuất phát từ tình yêu đôi lứa, trân trọng đối phương.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.
Nam Giao
Theo: ZINGNEWS.VN |