06/04/2023 (11:37:23)
Bác sĩ Trịnh Văn Du chia sẻ khi cầm kết quả chẩn đoán vô sinh trên tay, rất nhiều bệnh nhân khóc ngay trước mặt bác sĩ. Họ sốc, ân hận, nuối tiếc vì những sai lầm tuổi trẻ.
Bác sĩ Trịnh Văn Du, Trung tâm hỗ trợ sinh sản, thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn. Ảnh: Phương Anh. |
Dọc hành lang Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện, Hà Nội, kín người ngồi, thậm chí bệnh nhân phải kê thêm ghế nhựa để chờ đến lượt khám. Tất cả họ đều mong mỏi có một đứa con.
Gần cuối giờ chiều, thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Văn Du, Trung tâm hỗ trợ sinh sản, mới có thể tạm nghỉ ngơi sau khi khám cho rất nhiều bệnh nhân. Ông cho biết mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân đến thăm khám (200 cặp vợ chồng), số lượng bệnh nhân càng đông hơn vào các ngày cuối tuần.
Trao đổi với Zing, ông cho biết vừa kiểm tra một trường hợp tới tái khám khiến bác sĩ khá "đau đầu". Đó là bệnh nhân từng phá thai 6 lần khi còn trẻ, buồng tử cung bị tàn phá nặng nề. Bệnh nhân bị dính buồng tử cung rất nhiều nhưng muốn giấu chồng.
"Chồng của bệnh nhân liên tục hỏi vì sao niêm mạc tử cung, buồng tử cung của vợ lại hỏng nhiều như vậy. Điều đó khiến các bác sĩ rất khó xử dù thông cảm cho bệnh nhân muốn gìn giữ hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, tôi không có lý do nào phù hợp để biện minh giúp bệnh nhân. Chúng tôi phải thuyết phục bệnh nhân thừa nhận với chồng để có kế hoạch điều trị", bác sĩ Du nói.
Bệnh nhân này đã mổ dính buồng tử cung 3 lần nhưng vẫn chưa có con trở lại. Dù đã có phôi, niêm mạc buồng tử cung rất mỏng, tiên lượng có thể mang thai không cao.
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là biện pháp can thiệp nhằm hỗ trợ những người vô sinh hoặc gặp khó khăn trong vấn đề sinh sản. Ảnh: Alamy. |
Ông giải thích tử cung như ngôi nhà để thai nhi lớn lên. Niêm mạc là "chiếc giường" để trẻ nằm. Nạo hút thai quá nhiều lần khiến lớp niêm mạc bị tổn thương nặng, giống như lấy mất chiếc giường của thai nhi, không có nơi để bám víu và lớn lên.
Một trường hợp khác là cặp vợ chồng trẻ ở Thanh Hóa, đến khám với lý do kết hôn một năm nhưng chưa có thai. Khi chụp phim, bác sĩ phát hiện người vợ bị ứ dịch vòi trứng, dính buồng tử cung. Bệnh nhân phẫu thuật 2 lần nhưng hiện chưa có thai.
"Khi chia sẻ riêng với bác sĩ, bệnh nhân cho biết từng phá thai từ năm 15 tuổi. Cô này cũng từng phẫu thuật do chửa ngoài tử cung tại một cơ sở y tế khác. Tuy nhiên, bệnh nhân muốn giấu chồng và nhờ bác sĩ nói nguyên nhân là lý do khác, không liên quan tới tiền sử từng phá thai", bác sĩ Du nói.
Đến nay, sau mổ 6 tháng ở Bệnh viện Bưu Điện, bệnh nhân này điều trị chưa có kết quả, có thể cần can thiệp khoa học như bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)...
Những trường hợp như trên không hiếm gặp ở cơ sở y tế này. Điều đó cho thấy hậu quả của việc nạo hút thai rất kinh khủng.
Theo bác sĩ Trịnh Văn Du, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc bệnh nằm ở độ tuổi dưới 30.
Thống kê của Bộ Y tế nước ta cũng cho thấy mỗi năm có khoảng một triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7,7%. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. Tỷ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%, do nữ giới chiếm 40%, 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân.
Bác sĩ Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện, Hà Nội, cho biết cách đây 10 năm, tỷ lệ vô sinh thứ phát ngang với vô sinh nguyên phát. Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ này là 60-40. Trong số bệnh nhân bị vô sinh, hiếm muộn, khoảng 30% có nguyên nhân tiền sử nạo phá thai.
Riêng với vô sinh do vòi tử cung như viêm tắc, ứ dịch vòi trứng, 40-50% bệnh nhân gặp vấn đề này. Đáng chú ý, 70% số bệnh nhân này có tiền sử nạo hút thai, hậu quả của những viêm nhiễm trong quá khứ. Khoảng 20-30% bệnh nhân còn lại liên quan đến những viêm nhiễm khác như vi khuẩn Chlamydia (gây bệnh lây qua đường tình dục), lậu, giang mai...
Gia đình và nhà trường cần thẳng thắn trao đổi, hướng dẫn trẻ về sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn. Ảnh: Spunout. |
Theo bác sĩ Trịnh Văn Du, để giúp những bệnh nhân này lấy lại khả năng sinh sản, bác sĩ sẽ phải mổ nội soi gỡ dính buồng tử cung hoặc gỡ dính vòi trứng.
Nhiều trường hợp dù mổ cũng không thể có thai tự nhiên lại được, bệnh nhân phải thực hiện IUI, IVF rất tốn kém. Trung bình một ca thụ tinh trong ống nghiệm sẽ tốn khoảng 100 triệu đồng nhưng tỷ lệ thành công chỉ đạt 55-60%. Không ít trường hợp phải thực hiện 2-3 lần.
Ngoài ra, người bệnh vô sinh do dính buồng tử cung hoặc tắc ứ dịch vòi trứng sau nạo phá thai còn cần tốn thêm tiền phẫu thuật nội soi 15-20 triệu đồng.
"Cầm kết quả chẩn đoán trên tay, rất nhiều bệnh nhân khóc ngay trước mặt bác sĩ. Họ sốc, ân hận, nuối tiếc những sai lầm tuổi trẻ. Nhiều cặp vợ chồng tuổi đã xế chiều đến gặp bác sĩ với tâm tư dài đằng đẵng mong con. Họ khát vọng có một đứa con, chúng đốt cháy mọi kinh tế mà tần tảo bao năm mới kiếm được, nhưng cũng chưa thành công", bác sĩ Du chia sẻ.
Từ thực trạng này, bác sĩ khuyến cáo gia đình và nhà trường cần giáo dục, hướng dẫn học sinh về sức khỏe sinh sản, có lối sống lành mạnh sớm.
"Để bắt đầu nói chuyện với con về tình dục không dễ dàng nhưng cha mẹ, thầy cô phải tìm cách, không được lảng tránh. Tôi từng gặp một ông bố dẫn con gái đến viện khám vì kinh nguyệt không đều, nhờ bác sĩ tư vấn về quan hệ an toàn. Tôi thấy đó là ông bố rất dũng cảm nhưng những trường hợp như vậy chưa nhiều", vị chuyên gia nói.
Bạn có hiểu đúng về thảo dược
Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.
Phương Anh
Theo: ZINGNEWS.VN |