07/04/2023 (05:33:02)
Hiểu rõ những dấu hiệu có thể cảnh báo con bị mất nước sẽ giúp các bậc phụ huynh biết cách làm gì để khắc phục.
Mất nước là tình trạng phổ biến xảy ra khi trẻ bị tiêu chảy và nôn mửa. Ảnh: Popsugar. |
Mất nước xảy ra khi một người không có đủ chất lỏng và muối để cơ thể hoạt động bình thường. Bất cứ ai cũng có thể bị mất nước, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ nhỏ.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây mất nước ở trẻ em là tiêu chảy và nôn mửa. Cả hai đều có thể nhanh chóng làm cơ thể cạn kiệt lượng chất lỏng cần thiết.
Theo tạp chí Parents, con bạn có thể sẽ không với bạn rằng chúng bị mất nước, đặc biệt là trẻ sơ sinh, vì vậy, bạn phải để ý các dấu hiệu bất thường ở trẻ.
Tã ướt ít hơn
Khi một người bị mất nước, họ đi tiểu ít hơn. Ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, tã khô liên tục là dấu hiệu nhận biết tình trạng mất nước. Nếu em bé dưới 6 tháng tuổi và không đi tiểu trong 4-6 giờ, hoặc nếu trẻ mới biết đi đi tiểu ít hoặc không đi tiểu trong 6-8 giờ, trẻ có thể bị mất nước.
Ngoài ra, hãy để ý nước tiểu đặc biệt sẫm màu và cô đặc, đây có thể là dấu hiệu sớm của việc mất chất lỏng.
Mất năng lượng
Mất nước cũng có thể gây ra tình trạng thờ ơ, bơ phờ, thiếu tập trung, quấy khóc và xanh xao ở trẻ nhỏ. Con bạn có thể không muốn chơi hoặc hoạt động, dễ quấy khóc hoặc chỉ muốn ngủ, ngay cả khi giấc ngủ không yên.
Khát và khô miệng
Khát nước và khô ở màng nhầy của môi, lưỡi và miệng là những dấu hiệu khác có thể xảy ra của tình trạng mất nước. Trong những trường hợp tiêu cực, trẻ bị mất nước có thể mất cơ chế khát nước và hoàn toàn không muốn uống nước.
Mắt trũng sâu
Da khô và quầng thâm dưới mắt xuất hiện sau vài ngày mất nước. Mắt trẻ cũng có thể hơi trũng xuống. Ở trẻ sơ sinh dưới một tuổi, thóp (điểm mềm ở phần trên cùng phía trước của đầu) có thể lõm vào trong hoặc phẳng hơn bình thường.
Thay đổi nhịp thở
Thở nhanh và mạch yếu nhưng nhanh có thể cho thấy tình trạng mất nước nghiêm trọng. Trẻ cũng ít nhận thức về môi trường xung quanh hoặc không tỉnh táo. Môi và miệng của trẻ trông rất khô, và da có thể nhão và nhăn nheo. Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu này.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây mất nước và độ tuổi của trẻ, có những cách khác nhau để điều trị các triệu chứng mất nước nhẹ.
Sữa mẹ hoặc sữa công thức
Trẻ đang bú mẹ có thể tiếp tục bú sữa mẹ, nhưng nên cho bú thường xuyên hơn bình thường (1-2 giờ/lần) và cho bú với lượng ít hơn (5-10 phút/lần). Bạn cũng có thể bơm và cho trẻ uống sữa mẹ bằng thìa, cốc hoặc bình.
Khát và khô miệng, mệt mỏi là dấu hiệu phổ biến cảnh báo trẻ bị mất nước. Ảnh: Parentune. |
Trẻ sơ sinh bú sữa công thức có thể tiếp tục dùng sữa công thức đầy đủ, bình thường. Điều quan trọng cha mẹ cần nhớ là luôn pha sữa công thức theo hướng dẫn trên bao bì.
Bổ sung chất lỏng
Nếu con bạn trên một tuổi, hãy đảm bảo cho trẻ uống nhiều nước nhưng với lượng nhỏ mỗi lần. Nếu con bạn nôn mửa, hãy đợi 30-60 phút sau khi nôn trớ sau đó mới cho trẻ uống bất cứ thứ gì. Cứ sau 2-3 phút, hãy cho con uống một thìa cà phê chất lỏng hoặc một ngụm nhỏ.
Tuy nhiên, nếu con bạn bị tiêu chảy, hãy tránh các loại nước ép trái cây và nước ngọt vì chúng có hàm lượng đường cao có thể làm cho bệnh tiêu chảy nặng hơn. Nếu bị nôn nhưng không tiêu chảy, trẻ có thể uống lượng nhỏ chất lỏng trong suốt.
Dung dịch bù nước đường uống
Nếu bác sĩ nhi khoa khuyên dùng, bạn có thể cho trẻ uống các dung dịch bù nước đường uống được pha chế đặc biệt ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức. Những sản phẩm này giúp thay thế chất lỏng và muối bị mất do tiêu chảy và nôn mửa, đồng thời chúng có nhiều hương vị khác nhau để lừa vị giác của trẻ.
Mặc dù trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi cần được cung cấp đủ nước từ sữa mẹ hoặc sữa công thức cho trẻ sơ sinh, Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến cáo trẻ lớn hơn nên uống một lượng nước thích hợp mỗi ngày để giữ sức khỏe.
Việc cung cấp nước đặc biệt quan trọng khi con bạn tham gia vào hoạt động thể chất hoặc bị sốt hoặc ốm. Khi chọn đồ uống cho con bạn, tốt nhất nên tránh nước ngọt, đồ uống thể thao và nước trái cây bất cứ khi nào có thể.
Đây là lượng chất lỏng gần đúng mà con bạn cần mỗi ngày dựa trên độ tuổi của chúng:
- Trẻ dưới 6 tháng nhận được lượng nước cần thiết hoàn toàn từ sữa mẹ hoặc sữa công thức; không cần thêm nước.
- Trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi có thể uống 120-240 ml nước mỗi ngày (ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức và thức ăn đặc).
- Trẻ từ 1 tuổi đến 3 tuổi cần uống 4 cốc nước hoặc sữa mỗi ngày.
- Trẻ em từ 4 đến 8 tuổi cần 5 cốc nước hoặc chất lỏng mỗi ngày.
- Trẻ em trên 8 tuổi cần 7 đến 8 cốc chất lỏng mỗi ngày.
Vì cơ thể có thể mất chất lỏng nhanh chóng và dễ dàng trong khi chống lại cơn sốt hoặc bệnh tật, điều quan trọng là phải hỏi ý kiến bác sĩ về lượng chất lỏng thích hợp để cung cấp cho con bạn để ngăn ngừa tình trạng mất nước khi trẻ bị ốm.
Sữa mẹ là dưỡng chất rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ sơ sinh. Vì vậy, sau khi sinh con, bà mẹ nào cũng muốn cho con được bú sữa mẹ hoàn toàn. Các bà mẹ cho con bú nên ăn gì để tăng cường dưỡng chất cho sữa mà vẫn tốt cho sức khỏe?
Cuốn sách Ăn gì, khi nào của các tác giả Michael Crupain, Michael Roizen, Ted Spiker khám phá điểm giao thoa giữa “ăn cái gì” và “ăn khi nào”, phân tích tỉ mỉ cách thức những thực phẩm lành mạnh nhất tương tác với cơ thể bạn tùy thuộc vào thời điểm bạn ăn chúng, từ đó đưa ra một kế hoạch chi tiết giúp bạn có phương án ăn uống tối ưu mỗi ngày.
Phương Mai
Theo: ZINGNEWS.VN |