27/10/2022 (06:57:42)
Đặt mục tiêu giảm cân, Hoa tìm tới nhiều phương pháp tập luyện như gym, chạy bộ và đạp xe để tránh tâm lý nhanh chán.
Hoa đạp xe tại khu vực hồ Hoàn Kiếm vào sáng cuối tuần. Ảnh: Quốc Toàn. |
“Từ hồi còn là năm nhất, tôi cũng hay rủ bạn bè cùng phòng trọ ra công viên gần nhà để chạy bộ. Thời điểm đó không có điều kiện kinh tế nên chạy bộ là cách tập luyện đơn giản nhất, lại không tốn kém”, Nguyễn Thị Hoa (23 tuổi, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội), tâm sự.
Tuy nhiên, Hoa thừa nhận sau một thời gian ngắn, khoảng vài tuần, cô và những người bạn của mình đều dần bỏ thói quen này.
Theo Hoa, ban đầu, lựa chọn tập thể dục bằng phương pháp chạy bộ khiến cô khá hào hứng. Nữ sinh viên cùng bạn thuê được một phòng trọ có vị trí đẹp, gần công viên Thống Nhất với hồ Bảy Mẫu thoáng đãng, khung cảnh hữu tình.
Tuy nhiên, nhóm bạn cảm thấy giảm dần hứng thú sau khi trải nghiệm một thời gian.
“Công viên vẫn đẹp, hồ vẫn mát mẻ nhưng khi ngày nào cũng nhìn những khung cảnh đó, cộng thêm cảm giác mỏi chân, mệt sau 1-2 vòng, tôi bắt đầu thấy chán, thậm chí hơi sợ nơi đó”, Hoa chia sẻ.
Lên năm 3 đại học, Hoa đi làm bán thời gian và bắt đầu có thêm thu nhập. Cô đăng ký tập luyện tại một phòng gym gần nhà. Tuy nhiên, chu kỳ “hứng thú - tập luyện - chán - bỏ” tiếp tục lặp lại với lý do tương tự.
Hoa (phải) tập luyện cùng bạn tại một phòng gym gần nhà. Ảnh: NVCC. |
Cô nói: “Tôi phải thừa nhận mình ‘cả thèm chóng chán’. Nhưng dù sao, tôi vẫn nghĩ mình cần tập luyện, vì vóc dáng, sức khỏe. Nên có phải thay đổi phương pháp cũng không sao. Quan trọng là vẫn vận động”.
Thời gian gần đây, Hoa tình cờ tìm được phương pháp tập luyện mới mang tên đạp xe. Theo Hoa, môn thể thao này mang lại cho cô sự hứng thú lớn hơn những loại hình tập luyện từng thử trước đó.
Hoa bắt đầu chú ý tới đạp xe sau khi xem một số video ngắn trên TikTok. Ngoại cảnh và tinh thần có được trong quá trình đạp xe ngoài trời khiến cô gái trẻ quyết tâm tìm thuê xe đạp vào ngay cuối tuần đó.
Hoa đánh giá: “So với chạy bộ, đạp xe cho phép tôi mở rộng phạm vi di chuyển hơn. Mỗi lần đạp xe, tôi có thể thoải mái lựa chọn một cung đường mới, địa điểm nào đó đẹp. Hay so sánh với gym, việc đạp xe ngoài trời cho tôi cảm giác tự do, thoáng đãng hơn là chỉ đi lại giữa các máy trong phòng tập”.
Đến nay, cô gái này cho biết đã duy trì phương pháp tập luyện với xe đạp được 3 tháng. Mỗi tuần, Hoa tranh thủ thuê xe đạp khoảng 1-2 lần để di chuyển quanh thành phố, đa phần vào cuối tuần.
Một số địa điểm ưa thích được Hoa lựa chọn là hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, khu vực phố cổ, quận Long Biên… Trong những ngày bạn bè đều bận, Hoa cũng tự thuê xe đạp để đi một mình.
“Tôi cũng đang cân nhắc trong thời gian tới, nếu vẫn duy trì hứng thú với bô môn này, tôi sẽ mua một chiếc xe đạp của riêng mình để tiện việc tập luyện”, Hoa nói thêm.
Trao đổi với Zing, HLV Nguyễn Đình Khánh (Hà Nội), cho hay lợi ích của đạp xe sẽ tùy thuộc vào các phương pháp tập luyện khác nhau. Trong trường hợp này, phương pháp đạp xe chậm, đường dài sẽ yêu cầu cơ thể sử dụng hệ thống năng lượng hiếu khí.
"Đây là hệ năng lượng cung cấp cho cơ thể một mức năng lượng đều đặn, liên tục trong các công việc nhẹ nhàng hàng ngày. Hình thức này giúp cơ thể cải thiện hệ thống tim mạch, giảm huyết áp, giảm cholesterol máu, tăng mật độ xương, qua đó khiến xương chắc khỏe hơn", HLV Khánh nói.
Một nghiên cứu năm 2019 được đăng tải trên PubMed Central cho thấy phương pháp tập luyện đạp xe giúp cải thiện tình trạng mỡ máu, tăng cholesterol tốt (HDL), đồng thời giảm lượng cholesterol xấu (LDL).
"So với chạy bộ, đạp xe cũng an toàn hơn với những người thừa cân, béo phì. Nguyên nhân là với trọng lượng cơ thể lớn cùng kỹ thuật chưa đảm bảo, có sẵn các vấn đề về xương khớp, chạy bộ sẽ đặt áp lực rất lớn lên phần đầu gối hoặc cổ chân khi phải chịu toàn bộ áp lực từ bên trên", HLD Đình Khánh phân tích.
Theo Healthline, chạy bộ và đạp xe đều là các dạng tập luyện phổ biến và được nhiều người trên toàn thế giới yêu thích. Cả 2 đều là phương pháp cardio (tập luyện tim mạch) ngoài trời có tác động tích cực tới sức khỏe
Về sức khỏe tim mạch, chạy bộ và đạp xe mang lại lợi ích ngang nhau. Cụ thể, các hoạt động này giúp tăng cường sức mạnh cho tim để cơ quan này bơm nhiều oxy hơn cho cơ thể.
Tuy nhiên, nếu đang chạy bộ hay đạp xe với cường độ mạnh, mọi người được khuyến cáo nên giới hạn thời gian tập không quá 60 phút/ngày.
Đạp xe mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, tương đương chạy bộ. Ảnh minh họa: aditya_wardhana. |
Theo một tổng hợp dựa trên nhiều nghiên cứu được đăng tải trên PubMed Central, tập luyện cường độ mạnh hơn 5 giờ/tuần hoặc 60 phút/ngày có thể tác động tiêu cực tới tim mạch.
Về lợi ích giảm cân, số calo cơ thể đốt được trong chạy bộ hay đạp xe phụ thuộc vào cường độ và thời gian tập luyện 2 bộ môn nay. Tuy nhiên, nhìn chung, chạy bộ đốt nhiều calo hơn do sử dụng nhiều cơ bắp hơn.
Tuy nhiên, đạp xe nhẹ nhàng có thể giúp người tập thực hiện lâu hơn chạy bộ. Mặt khác, chúng ta cũng đốt được nhiều calo hơn nếu chạy hoặc đạp xe lên dốc so với đường bằng. Tuổi, cân nặng, giới tính và một số yếu tố khác cũng quyết định mức tiêu thụ calo cơ bản của cơ thể.
Dù vậy, để tối ưu hiệu quả giảm cân, việc nắm rõ mức độ cân bằng năng lượng tiêu thụ và nạp vào vẫn đóng vai trò quyết định. Chạy bộ có thể giúp giảm cân nhanh hơn nhờ lượng calo tiêu thụ lớn hơn. Tuy nhiên, việc đạp xe đường dài khiến mức calo tiêu thụ đủ lớn cũng vẫn mang lại hiệu quả giảm cân.
Không những vậy, một nghiên cứu nhỏ được thực hiện năm 2012 đăng tải trên PubMed Central đã cho thấy đạp xe và chạy bộ đều kìm hãm cảm giác thèm ăn ở nam giới trẻ tuổi.
Liên quan hiệu quả xây dựng cơ bắp, đạp xe có thể giúp chúng ta phát triển cơ nhiều hơn ở thân dưới. Trong khi đó, chạy bộ không giúp tăng quá nhiều về khối lượng cơ, nhưng khiến cơ thể săn chắc và sức bền tốt hơn.
Về mặt giải phẫu, hoạt động đẩy bàn đạp trong quá trình đạp xe là bài tập giúp xây dựng vùng cơ bắp chân. Phần thân trên cũng tham gia vào hoạt động này nhưng không nhiều.
Quốc Toàn
Theo: ZINGNEWS.VN |