26/10/2022 (19:02:11)
Về mặt lý thuyết, chỉ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có thẩm quyền tuyên bố kết thúc đại dịch. Mặt khác, Việt Nam cũng không có lợi nếu công bố hết dịch.
Việc công bố hết dịch Covid-19 không mang lại thêm lợi ích cho Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Liên quan tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam trong thời gian gần đây, số ca mắc mới trên cả nước tiếp tục có xu hướng giảm. Số ca mắc trung bình được phát hiện mỗi ngày khoảng 700-800 ca. Cuối tuần qua, số ca mắc mới thậm chí giảm về mức hơn 150 trường hợp trong 24 giờ.
Các bệnh nhân diễn biến nặng, tử vong trên cả nước cũng ở mức thấp, hầu hết là trường hợp nguy cơ cao, lớn tuổi, mắc nhiều bệnh lý nền.
Trong bối cảnh đó, ý kiến cho rằng Việt Nam nên công bố chấm dứt dịch Covid-19 xuất hiện. Tuy nhiên, theo chuyên gia cũng như người đứng đầu Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đây là quyết định không thực sự có lợi đối với Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Trao đổi với Zing về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, khẳng định việc một quốc gia bất kỳ tuyên bố hết dịch chỉ mang ý nghĩa “chung chung” và không có giá trị pháp lý.
Về mặt lý thuyết, tuyên bố chấm dứt hay xuất hiện một đại dịch chỉ có WHO hoặc cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền trên toàn thế giới thực hiện.
“Do đó, việc Việt Nam, nếu có, tuyên bố chấm dứt đại dịch Covid-19, là không phù hợp về mặt khoa học cũng như thông lệ quốc tế”, vị chuyên gia nói.
Thời gian qua, PGS Dũng cho rằng nhiều người đã hiểu sai khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đại dịch Covid-19 đã qua. Trên thực tế, đây là lời của vị lãnh đạo này nói với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (US CDC) và không phải phát ngôn chính thức về việc kết thúc đại dịch.
Hiện quốc gia này cũng không có quyết định nào về việc kết thúc đại dịch Covid-19.
Cuộc sống của người dân tại Việt Nam vốn đang trở lại trạng thái bình thường và không còn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các quy định. Ảnh minh họa: Đức Anh. |
PGS Dũng nhấn mạnh: “Đại dịch là một vấn đề khoa học, chỉ hiện tượng lây lan trên nhiều quốc gia. Do đó, chỉ WHO có thể công bố các nội dung liên quan. Việt Nam chỉ có thể đưa ra quan điểm của mình về nó như một bệnh truyền nhiễm nhóm A cũng như cảnh báo về mức độ nguy hiểm với cộng đồng”.
Mặt khác, vị chuyên gia cũng nhận định với dịch bệnh, trong một số trường hợp, không có điều gì là rõ ràng như “2 cộng 2 chắc chắn bằng 4”. Thay vào đó, các chuyên gia và lãnh đạo sẽ đưa ra quyết định dựa trên phân tích nguy cơ và lợi ích.
Với tình hình hiện tại của Việt Nam, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng có một số điểm đáng lưu ý:
Về mặt lợi ích, nhờ đảm bảo được các biện pháp phòng, chống dịch, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đang được kiểm soát khá tốt. Trên thực tế, nước ta cũng đã nới lỏng các quy định, cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường.
“Các hoạt động du lịch của Việt Nam hiện thậm chí sôi nổi hơn trước. Việc sinh hoạt, sản xuất, phát triển kinh tế cũng không còn bị ảnh hưởng”, PGS Dũng nhận định.
Trong bối cảnh đó, ông cho rằng việc tuyên bố chấm dứt dịch Covid-19 cũng không mang lại thêm lợi ích nào khác. Trái lại, việc tuyên bố hết dịch có thể gây ra một số khó khăn nhất định cho chúng ta.
Về góc nhìn quốc tế, việc Việt Nam công bố hết dịch Covid-19 sẽ gây ra quan ngại cho cộng đồng thế giới. Nguyên nhân là tất cả quốc gia đều mong muốn những nước khác kiên định với chính sách phòng, chống dịch.
“Tình hình dịch ở Việt Nam hiện đã được kiểm soát. Tuy nhiên, giả sử một quốc gia nào đó lơ là trong phòng dịch, số ca mắc tăng cao, dịch sẽ lại bùng phát, biến chủng mới xuất hiện. Không may hơn nữa, nếu biến chủng mới có độc lực cao hơn, né tránh được vaccine, tất cả nỗ lực trong thời gian qua của chúng ta sẽ mất hết, việc chống dịch phải làm lại từ đầu”, trưởng khoa Y tế Công cộng của Đại học Y Dược TP.HCM nói.
Từ đây, trong bối cảnh tất cả quốc gia hiện đều cho rằng chúng ta cần tiếp tục phòng dịch, việc riêng Việt Nam công bố hết dịch sẽ đi ngược lại nỗ lực chung của các nước. Trong khi đó, WHO, tổ chức điều phối vấn đề này, vẫn mong muốn các nước tiếp tục phòng dịch.
Về góc nhìn trong nước, PGS Dũng cho rằng sau khi công bố hết dịch, Việt Nam sẽ không thể huy động được sức lực của người dân trong trường hợp cần thiết.
Ông đặt giả thiết: “Ở một thời điểm nào đó, khi một làn sóng dịch nhỏ xuất hiện, nếu chưa công bố hết dịch, chúng ta vẫn có thể kiểm soát được tình hình. Ngược lại, nếu công bố hết dịch, y tế công cộng sẽ rất khó khăn trong việc yêu cầu người dân hỗ trợ kiểm soát khi chúng ta xuất hiện tâm lý chủ quan. Chúng ta sẽ mất một vũ khí phòng dịch quan trọng”.
Vấn đề cuối cùng khi công bố hết dịch là ý thức người dân suy giảm, việc huy động nguồn lực, sự hỗ trợ từ WHO cũng sẽ khó khăn hơn nếu một làn sóng dịch xuất hiện.
PGS Dũng kết luận: “Câu hỏi đặt ra lúc này là sau khi công bố hết dịch Covid-19, kinh tế của Việt Nam có phát triển hơn hay không. Giả sử các chuyên gia kinh tế dự báo GDP của Việt Nam tăng, dù chỉ 0,1%, nếu công bố hết dịch, tôi sẽ ủng hộ. Tuy nhiên, việc làm này ở thời điểm hiện tại không mang lại lợi ích nào khác, thậm chí so sánh với những nguy cơ nói trên, tôi không nghĩ đây là việc nên làm”.
Trả lời Zing, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định tình hình dịch Covid-19 vẫn phức tạp trên thế giới, chưa ổn định và khó dự đoán.
“Miễn dịch đáp ứng do mắc phải hoặc tiêm chủng đang giảm dần theo thời gian; SARS-CoV-2 liên tục có sự biến đổi với các biến chủng mới, biến thể phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ khả năng làm tăng nặng, tử vong”, GS Lân nói.
Do đó, Ủy ban Khẩn cấp của WHO vẫn phải tổ chức họp định kỳ 3 tháng/lần để đánh giá tình hình dịch Covid-19 trên toàn cầu và có những khuyến cáo đối với các quốc gia thành viên.
Việt Nam có trách nhiệm với toàn thế giới trong công tác phòng dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh. |
Mới đây nhất, tại cuộc họp lần thứ 13 (ngày 13/10), Ủy ban Khẩn cấp đánh giá: "Thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch Covid-19. Các nước vẫn phải tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát và mở rộng năng lực điều trị, vaccine cho các đối tượng nguy cơ cao, đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó quốc gia với đại dịch Covid-19".
Theo GS Lân, Việt Nam là nước thành viên có trách nhiệm của WHO. Do đó các hoạt động phòng, chống dịch hiệu quả của nước ta sẽ góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế toàn cầu trong việc ứng phó và ngăn chặn đại dịch.
Mặt khác, vị lãnh đạo cho rằng Việt Nam sẽ gặp phải nhiều thách thức nếu công bố hết dịch Covid-19.
Thứ nhất, trong trường hợp xảy ra tình huống xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn, có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc giảm miễn dịch, việc công bố hết dịch sẽ gián tiếp làm tăng số ca diễn biến nặng hoặc tử vong, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Nguyên nhân là khi công bố hết dịch, các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch sẽ không được áp dụng như nghiên cứu, sản xuất hoặc mua, tiếp nhận, cấp phép, sử dụng vaccine, trang thiết bị y tế, thuốc và sinh phẩm y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân…
Trong tình trạng khẩn cấp, những sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Thứ hai, việc huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, tổ chức, đoàn thể, sự vào cuộc của doanh nghiệp, người dân trong phòng chống dịch sẽ không còn được quan tâm đúng mức.
“Người dân có thể xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Từ đây, việc kích hoạt áp dụng trở lại các biện pháp hành chính, xã hội sẽ bị động”, GS Lân cho hay.
Trên thực tế, Bộ Y tế cũng đã chủ động điều chỉnh quy định theo hướng giảm dần các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình dịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, dịch trong tình trạng được kiểm soát, các biện pháp phòng, chống dịch cơ bản trở về trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho người dân hoạt động đi lại, lao động, sản xuất, kinh doanh.
"Tuy nhiên, nếu dịch bùng phát trở lại ở địa phương nào đó, các biện pháp ứng phó nghiêm ngặt sẽ nhanh chóng được áp dụng trở lại (kể cả 5K) để kịp thời khống chế, không để dịch tác động lớn tới an sinh xã hội, sức khỏe, tính mạng của người dân", cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nhấn mạnh.
Quốc Toàn
Theo: ZINGNEWS.VN |