Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Hà Nội tiếp tục tăng số ca nhiễm adenovirus, lo ngại cúm A(H5)

25/10/2022 (22:00:47)

Song song với nhiều dịch đang bùng phát, các bệnh lý truyền nhiễm cũng liên tục được ghi nhận đe dọa tới sức khỏe cộng đồng.

Tình hình dịch bệnh tại Hà Nội phức tạp. Ảnh: arya_ppratama.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, dịch bệnh Covid-19 và sốt xuất huyết đang có những diễn biến phức tạp. Mặt khác, sự xuất hiện của đậu mùa khỉ, cúm A(H5) hay tốc độ gia tăng ca nhiễm adenovirus cũng gây áp lực lên hệ thống y tế.

Dịch Covid-19 chưa kết thúc

Thống kê của CDC Hà Nội cho thấy trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 855 ca mắc mới, không có trường hợp tử vong. So với tuần trước đó, số ca mắc Covid-19 của Hà Nội đã giảm 23,1%.

Trung bình, thành phố ghi nhận 122 ca/ngày. Các trường hợp nhiễm nCoV được phát hiện tại 27/30 quận, huyện, thị xã (trừ Ba Đình, Phú Xuyên và Ứng Hòa). Trong đó một số địa phương có số ca mắc cao là Đông Anh (87), Nam Từ Liêm (73), Hoàng Mai (68) hay Bắc Từ Liêm (63).

dich benh truyen nhiem anh 1

Tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội được kiểm soát nhưng cần tránh chủ quan. Ảnh minh họa: TL.

Trong năm 2022, Hà Nội đã giải trình tự gene 444 mẫu bệnh phẩm dương tính với SARS-CoV-2 tại cộng đồng. Theo đó, biến thể phụ của Omicron vẫn đang phổ biến và được phát hiện tại 30/30 quận, huyện với 422/444 mẫu (95%). 22 mẫu còn lại nhiễm biến chủng Delta.

Trong đó BA.5 và các dòng phụ đang có xu hướng gia tăng. Cụ thể, số liệu giám sát cho thấy tỷ lệ các mẫu nhiễm BA.5 trong tháng 8 chỉ là 58,1%. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên 75% trong tháng 9. Đến nay, BA.5 và các dòng phụ của mình đã ghi nhận tại 22/30 quận, huyện thuộc Hà Nội.

CDC Hà Nội nhận định tình hình dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát. Số ca mắc trong tuần giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo chúng ta không được phép chủ quan với dịch bệnh này.

Số ca mắc adenovirus tăng nhanh

Theo số liệu của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 3.938 bệnh nhân dương tính với adenovirus. Trong đó, trong vòng gần 2 tuần, thành phố đã có thêm 1.168 trường hợp nhiễm virus này.

Các bệnh nhân phân bố tại toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã. Từ đầu năm, Hà Nội cũng đã có 3 trường hợp tử vong do adenovirus tại Mỹ Đức, Phú Xuyên và Tây Hồ.

Một số quận, huyện ghi nhận số ca nhiễm adenovirus cao có thể kể đến là Hoàng Mai (356), Hà Đông (312), Đống Đa (302), Nam Từ Liêm (289), Thanh Xuân (262).

dich benh truyen nhiem anh 2

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi nhiễm adenovirus tại Hà Nội. Ảnh: Quốc Toàn.

CDC Hà Nội khẳng định hiện nay, thời tiết Hà Nội vào thời điểm giao mùa thu - đông. Đây là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh adenovirus lây lan và phát triển. Do đó, cơ quan này dự báo nhiều khả năng số ca nhiễm adenovirus sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Lo ngại cúm A(H5)

Mới đây, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã có báo cáo kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A(H5) từ mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân nữ (5 tuổi, ở Phú Thọ).

Từ đây, cơ quan này đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân (gồm cả tiếp xúc xa và tiếp xúc gần). Kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả âm tính với virus cúm A(H5).

Hiện, tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Đây là ca bệnh cúm A(H5) trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước đã ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A(H5).

Trước ca bệnh mới xuất hiện, CDC Hà Nội đã yêu cầu tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp người nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm, xử lý sớm, triệt để ổ dịch tại các địa phương.

Đồng thời, cơ quan này cũng phối hợp với ngành thú y địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm trên gia cầm để có các biện pháp dự phòng lây sang người và chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đáp ứng.

Đề phòng đậu mùa khỉ

Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã báo cáo ghi nhận thêm một trường hợp mắc là nữ, 38 tuổi, thường trú tại Tuyên Quang, đi du lịch ở Dubai và có tiếp xúc với ca bệnh xác định đầu tiên của Việt Nam khi ở cùng nhà và sinh hoạt chung.

Đây là ca bệnh nhập cảnh đã được phát hiện và xử lý theo quy định ngay tại cửa khẩu, không có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

Tại Hà Nội, thành phố chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên, CDC Hà Nội nhận định với vị trí là thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của cả nước cũng như đầu mối giao lưu trong nước, quốc tế, nguy cơ xâm nhập ca bệnh đậu mùa khỉ là có thể xảy ra

Do đó, thành phố vẫn tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, thông qua kiểm tra thân nhiệt, giám sát của kiểm dịch viên y tế hoặc nhận thông tin từ người nhập cảnh chủ động khai báo, đặc biệt các chuyến bay tới từ các nước đang có dịch đậu mùa khỉ.

Với một số dịch bệnh khác như sởi, ho gà, não mô cầu, trong tuần qua, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc các bệnh lý này đều có xu hướng giảm hoặc tương đương.

Dịch Đậu mùa khỉ

Ngày 23/7/2022, Tổng giám đốc WHO công bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng. Nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao. Nhiều thông tin về bệnh cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của virus. Độc giả xem toàn cảnh các bài viết về dịch đậu mùa khỉ dưới đây:

Quốc Toàn

Theo: ZINGNEWS.VN


Sức khỏe (Tin trước)


Cryptocurrency USDT-BTC on BITTREX

Last
Bid
Ask
High
Low
Vol. BTC
Vol. USDT
Open Buy
Open Sell
Sức khỏe (Tin mới)
Sức khỏe (Tin trước)
Call +84.99.6656.999 for ADS 05