11/02/2023 (16:52:00)
Nam thanh niên được chẩn đoán nhiễm trùng, nhiễm độc nặng toàn thân và phần cánh tay sưng nề, hoại tử hơn 5 cm.
Phần cẳng tay của bệnh nhân bị hoại tử nặng do viêm mô tế bào. Ảnh: BVCC. |
Ngày 11/2, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Bình, Phó chủ nhiệm khoa Phẫu thuật chi trên, Bệnh viện Quân Y 175 (Bộ Quốc phòng), cho biết đơn vị này vừa điều trị thành công ca viêm mô tế bào gây sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi nặng, đe dọa tính mạng người bệnh.
Trước đó, N.T.T. (26 tuổi) nhập viện ngày thứ 5 của bệnh với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do viêm mô tế bào đường vào cẳng bàn tay phải và gout mạn tính. Cẳng tay phải của bệnh nhân sưng nề, ấn lõm, phỏng nước, hoại tử 5 cm và chảy mủ.
Tuy nhiên, sau một tuần điều trị tích cực, tình trạng của T. tiếp tục nặng hơn. Toàn thân bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, rối loạn dinh dưỡng và điện giải, vết hoại tử tiếp tục lan rộng.
Các bác sĩ nhận định bệnh nhân T. bị vi khuẩn xâm nhập vào đường máu, gây sốc nhiễm khuẩn, tổn thương đa cơ quan. Dù đã đổi kháng sinh mạnh hơn, T. vẫn bị viêm phổi bệnh viện, sốc nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng.
Vết thương được cắt lọc và rửa liên tục nhưng nguồn nhiễm khuẩn chưa giải quyết được hoàn toàn. Bệnh nhân còn rơi vào loạn thần sau khi dùng thuốc an thần kéo dài.
"Bệnh nhân T. có tuổi đời rất trẻ nhưng bệnh diễn biến nhanh, nặng nề và phức tạp. Do đó, điều quan trọng nhất là ưu tiên giữ mạng sống cho người bệnh. Sau khi trao đổi với T. và gia đình, ngay trong đêm, các bác sĩ lập tức mổ cấp cứu giữ lại 1/3 đoạn chi trên cánh tay phải để cứu tính mạng của em”, bác sĩ Bình chia sẻ quyết định.
Sau ca mổ, bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, các chỉ số xét nghiệm dần trở về bình thường. Vùng da ghép mỏm cụt tiến triển tốt.
Bệnh nhân T. vượt qua cơn nguy kịch sau khi được cắt 2/3 cẳng tay phải bị hoại tử nặng. Ảnh: BVCC. |
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Bình, Phó chủ nhiệm khoa Phẫu thuật chi trên, Bệnh viện Quân Y 175, viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm khuẩn mô mềm cấp tính.
Nguyên nhân thường là vi khuẩn thuộc nhóm Streptococcus hoặc Staphylococci gây ra. Các trường hợp nhẹ do nhiễm trùng cục bộ có thể xuất hiện mẩn đỏ ở một vùng da.
Ở thể nặng, người bệnh bị sốt, sưng hạch bạch huyết, thậm chí sốc nhiễm khuẩn dẫn đến suy đa cơ quan. Lúc này, người bệnh có thể tử vong nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời.
Bác sĩ Bình khuyến cáo thêm viêm mô tế bào là tổn thương khá thường gặp trong cộng đồng. Biểu hiện lúc khởi phát thường không quá nghiêm trọng nên dễ làm người bệnh cũng như gia đình chủ quan, không đến cơ sở y tế khám bệnh.
Khi bệnh diễn tiến nặng, biến chứng nguy kịch mới đến khám thì đã muộn. Do đó, bệnh nhân có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau vùng da trên cơ thể, nhất là các vùng trên chi thể, cần đến ngay cơ sở y tế để làm khám và điều trị, tránh chủ quan dẫn đến những biến chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.
Bích Huệ
Theo: ZINGNEWS.VN |