10/02/2023 (11:31:12)
Bệnh nhân cho biết trước đó đã tiêm 300 cc filler vào mỗi bên mông tại một cơ sở spa.
Filler là một chất được tiêm vào cơ thể người có nhu cầu làm đẹp bằng phương pháp không xâm lấn. Ảnh: Blikk. |
Các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đã tiếp nhận bệnh nhân nữ 24 tuổi vào viện vì áp-xe mông. Bệnh nhân cho biết trước đó đã tiêm 300 cc filler (chất làm đầy) vào mỗi bên vòng ba tại một cơ sở spa.
Cô gái này đến bệnh viện trong tình trạng đi lại khó khăn, sưng tấy mông phải, chảy dịch mủ qua lỗ rò ở mặt ngoài mông gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe. Hiện bệnh nhân đã được nhập viện và lên kế hoạch điều trị.
Bệnh nhân nữ 24 tuổi vào viện vì áp-xe mông. Ảnh: BVCC. |
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết filler là một chất được tiêm vào cơ thể người có nhu cầu làm đẹp bằng phương pháp không xâm lấn. Chất này thay thế acid hyaluronic trong tế bào hoặc các tổ chức bị thiếu hụt, gây mất thẩm mỹ. Mục đích của filler là làm phẳng da hay tăng thể tích của một bộ phận nào đó trong thời gian ngắn.
"Riêng ngực và mông, nếu muốn nâng kích thước, mọi người cần phải tiêm với dung lượng lớn trong khi những bộ phận này có nhiều mạch máu. Nếu không cẩn thận, việc này rất dễ dẫn tới biến chứng và tử vong", bác sĩ Sơn nói.
Cách thức làm đẹp này chỉ thực sự hiệu quả khi được sử dụng với liều lượng hợp lý, độ sâu và vị trí tiêm chính xác.
Các loại da mặt, cơ địa khác nhau đòi hỏi việc xác định vị trí tiêm khá phức tạp và tay nghề của bác sĩ thẩm mỹ phải rất cao, có thể tiên lượng tình trạng, xử lý khi có sự cố.
Theo số liệu thống kê từ Hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Việt Nam, 479 phòng khám da liễu (chiếm 56%) trên toàn quốc đã thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ dù không được phép.
Mỗi năm, Việt Nam có tới 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó, khoảng 25.000-35.000 ca gặp biến chứng thẩm mỹ, chiếm tỷ lệ 14%. Một trong những vấn đề đáng ngại và phổ biến nhất hiện nay là tiêm filler bừa bãi, dẫn đến biến chứng nặng nề.
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.
Phương Anh
Theo: ZINGNEWS.VN |