10/02/2023 (11:03:04)
Một dạng ung thư tuyến tiền liệt hiếm gặp đã khiến một người đàn ông Mỹ ở độ tuổi 50 đột nhiên nói giọng giống người Ireland.
Căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt của một người đàn ông kéo theo một biến chứng kỳ lạ: Nói giọng Ireland. Ảnh: Pixabay. |
Trong tài liệu y học, chỉ hai báo cáo khác về bệnh ung thư gây ra hội chứng giọng nước ngoài (FAS). Đây là trường hợp đầu tiên liên quan cụ thể đến ung thư tuyến tiền liệt.
Hội chứng giọng nước ngoài (FAS) là chứng rối loạn ngôn ngữ bất thường có thể khiến một người đột nhiên nói giọng nước ngoài mà không rõ lý do, với cách phát âm thay đổi theo một phương ngữ hoặc ngôn ngữ khác.
Hội chứng này thường liên quan đến đột quỵ hoặc chấn thương sọ não. Nổi tiếng nhất là trường hợp của một người phụ nữ Na Uy vào năm 1941. Vài tháng sau khi bị thương trong vụ đánh bom ở Oslo, người này bắt đầu nói giọng Đức.
Cách đây vài năm, một phụ nữ Arizona thức dậy và đột nhiên nói giống như nhân vật "Mary Poppins". Hiện vẫn chưa biết rõ nguyên nhân của trường hợp này.
Những trường hợp liên quan đến khối u ít phổ biến hơn. Trên thực tế, chỉ hai ví dụ khác được liệt kê trong tài liệu.
Theo một nghiên cứu công bố vào năm 2008, một phụ nữ ở độ tuổi 60 bắt đầu nói giọng khác, không xác định sau khi căn bệnh ung thư vú di căn vào não. Trong một trường hợp tương tự, một phụ nữ Italy ở độ tuổi 50 bị u não đột nhiên bắt đầu nói với một nhịp điệu khác.
Các trường hợp FAS là những thay đổi chung khi tạo ra lời nói và nó không dễ dàng liên kết với bất kỳ địa phương cụ thể nào.
Trường hợp gần đây của người đàn ông đến từ Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt là ví dụ hiếm hoi về sự thay đổi giọng nói gần giống với giọng dễ nhận biết. Ông không phải là người gốc Ireland và thậm chí chưa bao giờ đến Ireland. Tuy nhiên, chỉ 20 tháng sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt di căn, ông bắt đầu nói chuyện với giọng miền Nam Ireland.
Không giống như các báo cáo về trường hợp trước đây, ban đầu, bác sĩ không quan sát thấy bất kỳ khối u nào trong não ông dù ở giai đoạn tiến triển, một số khối u đã hình thành trong não.
Căn cứ vào thời điểm, các bác sĩ nghi ngờ FAS trong trường hợp này là kết quả của chứng rối loạn thần kinh paraneoplastic hiếm gặp (PND). PND xảy ra khi ung thư bên ngoài não kích hoạt phản ứng miễn dịch có thể tác động đến hệ thần kinh từ xa.
Bất chấp hóa trị và xạ trị, căn bệnh ung thư của ông nhanh chóng chuyển biến xấu, dần làm tê liệt cơ thể và ông đã không qua khỏi. Người đàn ông vẫn nói giọng Ireland cho đến phút cuối cùng.
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y
Minh Ngọc
Theo: ZINGNEWS.VN |