21/01/2023 (08:04:19)
Không chỉ đỏ mặt hay nổi mẩn ngứa khi uống đồ có cồn, nhiều người thậm chí còn bị mất trí tạm thời khi uống quá nhiều bia rượu.
Dịp Tết, tần suất tham gia tiệc tùng cao, mọi người thường khó tránh việc uống rượu, bia. Ảnh: Introvertdear. |
"Tết năm nay, khi tham gia tiệc tùng với bạn bè, tôi sẽ không dám uống say bí tỉ như năm ngoái. Nếu lỡ bị mời uống, tôi chỉ nhấp môi một chút để không phật lòng mọi người", anh Hải Trung (30 tuổi, làm việc tại TP.HCM) tâm sự.
Đây cũng là cách Ngọc Linh (23 tuổi, làm việc tại TP.HCM) làm mỗi khi được mời rượu tại các bữa tiệc xã giao. Cả Linh và Trung đều là những người từng bị mất trí tạm thời khi tiêu thụ lượng lớn đồ uống có cồn.
Từ trước đến nay, Ngọc Linh luôn hạn chế việc uống đồ có cồn vì mỗi lần uống, toàn thân cô sẽ bị đỏ và mẩn ngứa. Linh phát hiện triệu chứng này khi uống bia lần đầu tiên vào năm 18 tuổi. Từ đó, cô luôn tránh sử dụng đồ uống có cồn trong tất cả bữa tiệc và sự kiện.
“Mỗi lần tôi uống bia hay rượu, toàn thân sẽ đỏ bừng như con tôm luộc, sau đó cả người sẽ nổi đầy mẩn ngứa, cảm giác rất khó chịu”, cô chia sẻ.
Tuy nhiên, từ khi Ngọc Linh đi làm, công việc yêu cầu cô phải tham gia nhiều bữa tiệc xã giao có sử dụng đồ uống có cồn, nhất là vào dịp cuối năm. Thời điểm này, cô dự nhiều bữa tiệc với công ty và đối tác nên khó tránh việc uống rượu, bia.
Biết được “tật” của bản thân, Linh hạn chế uống bia rượu nhất có thể trong các bữa tiệc này. Linh thử nhiều cách, từ uống nhấp môi, pha nước lọc với bia, ăn chế phẩm từ sữa trước khi nhậu, nhưng tác dụng không bao nhiêu.
Trong những lần tụ tập với bạn bè, Linh luôn từ chối uống rượu, bia. Ảnh: NVCC. |
“Chỉ một giọt bia hay rượu vào người cũng khiến tôi ửng đỏ cả mặt và cơ thể”, cô chia sẻ.
Tuy nhiên, đỏ người hay mẩn ngứa không phải là triệu chứng tệ nhất khi Linh uống bia rượu.
“Mỗi lần ham vui, tôi uống nhiều một chút. Đến khi tỉnh dậy, tôi quên hết mọi thứ xung quanh. Lúc này, tôi mất một khoảng thời gian ngắn để hồi phục lại trí nhớ của mình”, cô kể.
Lần gần đây nhất, Linh được đồng nghiệp đưa về nhà sau khi tham gia tiệc tất niên của công ty. Tỉnh dậy vào lúc 2h sáng, Linh không thể nhớ nổi quá trình trở về nhà như thế nào và phải trằn trọc mãi trong cơn đau đầu để nhớ ra mọi thứ.
Linh cho biết trong gia đình, bố cô cũng có triệu chứng tương tự mỗi khi uống bia rượu. Cô đoán rằng mình có thể bị dị ứng đồ uống có cồn dạng nhẹ do di truyền từ bố.
Tương tự Ngọc Linh, anh Trung cũng gặp vấn đề mất trí nhớ tạm thời khi tiêu thụ liên tục lượng lớn rượu mạnh.
"Mùng 3 Tết năm ngoái, chú tôi mang bình rượu gạo do tự tay ông nấu sang chúc Tết gia đình tôi. Cả nhà được dịp này chuốc tôi say bí tỉ", anh Trung nhớ lại.
Anh cho hay rượu tự nấu có nồng độ mạnh hơn các loại rượu bày bán ngoài thị trường và có mùi rất thơm. Cả gia đình hơn 10 người cứ thay phiên mời nhau, anh Trung vì thế say lúc nào không hay.
"Trong lúc uống rượu, tôi không nhận thấy bất kỳ biểu hiện gì bất thường. Tuy nhiên, sáng ngủ dậy, tôi không nhớ mình đã vào phòng từ lúc nào, tối qua uống bao nhiêu ly, đang nói đến chuyện gì… Mọi thứ diễn ra tối qua tôi đều quên gần hết", anh Trung nói.
Ngoài ra, sau khi ngủ dậy, cổ họng anh bị khô và đau rát, đầu óc choáng váng cũng như không có cảm giác thèm ăn bất kỳ món gì. Hai ngày sau đó, anh phải uống rất nhiều nước lọc, cố gắng bổ sung thêm trái cây và rau xanh.
"Sau bữa nhậu hôm đó, tôi cảm thấy mệt mỏi và khó chịu ở bụng, cả người như không còn sức đến mức phải từ chối tiệc tùng mấy hôm sau đó. Tôi đã hỏi người thân xem có ai gặp triệu chứng tương tự tôi nhưng họ chỉ thấy mệt mỏi, đau đầu nhẹ hay khô cổ. Đặc biệt, họ vẫn nhớ rõ mọi chuyện", anh Trung nói.
Anh Trung cũng chia sẻ thêm anh thường thường tổ chức nhiều buổi tiệc tại nhà từ 29 tháng chạp cho đến hết 3 ngày Tết. Ngoài ra, anh thường được bạn bè mời đi họp mặt ở các quán nhậu. Do đó, Tết năm nào, anh cũng uống bia, rượu suốt 4-5 ngày liên tiếp.
Trao đổi với Zing, ThS.BS. Đặng Ngọc Hùng, Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng, cho biết đa số tác hại của rượu bia đều do cồn gây ra. Cồn có 2 tác dụng đối lập nhau.
Nếu chúng ta uống ít (thường một đến 2 đơn vị cồn), rượu sẽ làm hưng phấn thần kinh. Trái lại, nếu uống 5-6 đơn vị cồn trở lên, nó sẽ gây ức chế thần kinh.
Bên cạnh đó, nồng độ cồn quá cao sẽ khiến việc ghi nhận các tín hiệu bên ngoài của não bị chậm lại hoặc gián đoạn, từ đó gây ra hiện tượng mất đi một đoạn ký ức nào đó. Lượng cồn trong máu cao thậm chí có thể gây ức chế hô hấp, làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp.
Theo vị chuyên gia, sau khi uống rượu bia, mọi người cần uống nhiều nước để bù đắp điện giải. Ảnh: BSCC. |
Mặt khác, đối với trường hợp bị nổi mẩn đỏ sau khi uống rượu, bác sĩ Hùng cho biết đây là hiện tượng gen không thể chuyển hóa được cồn từ chất độc thành chất không độc. Lúc này, cơ thể sẽ tạo ra aldehyde, chất gây dãn mạch khiến cơ thể đỏ lên và phóng thích histamine, chất gây ngứa.
Do đó, người gặp hiện tượng bị nổi mẩn đỏ và ngứa sau khi uống rượu cho thấy họ có kiểu gen chuyển hóa cồn kém. Đây là cơ chế bảo vệ người uống đồng thời báo hiệu họ phải dừng tiêu thụ đồ uống có cồn.
Tuy nhiên, nếu người có các biểu hiện trên vẫn tiếp tục uống rượu bia, lượng aldehyde sẽ tích tụ ngày càng nhiều và họ có xu hướng bị tác hại của rượu bia nhiều hơn người bình thường. Ví dụ, họ dễ bị ung thư gan hay xơ gan hơn người uống rượu bia bình thường.
Theo bác sĩ Hùng, về bản chất, tình trạng này rất khó thay đổi vì nó có liên quan đến gen. Nếu người bị nổi mẫn đỏ cố gắng uống nhiều rượu bia hơn, cơ thể sẽ có hiện tượng cải thiện nhưng không thể biến mất hoàn toàn.
Nhìn chung, việc tiêu thụ bia rượu là điều khó tránh khỏi trong dịp Tết. Sau khi uống xong, chúng ta thường tìm các phương pháp giải rượu bao gồm cả việc dùng thuốc.
“Về cơ bản, không có thực phẩm nào thay được bộ phận cơ thể để giải rượu. Khi cồn vào máu, nó sẽ được thải qua đường hô hấp, mồ hôi, nước tiểu (sau khi đã chuyển hóa). Tuy nhiên, các loại nước giải rượu chủ yếu cung cấp đầy đủ vitamin nhóm B, kẽm và chất chống oxy hóa”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Vì thế, “dân nhậu” cần lưu ý một số điều sau khi tham gia tiệc tùng vào dịp Tết:
- Không được pha rượu với nước tăng lực, nước ngọt hoặc uống bia và rượu cùng lúc vì sẽ gây hấp thu nhanh hơn, đặc biệt nước tăng lực gây cảm giác tỉnh táo giả.
- Ăn nhẹ trước khi uống hoặc lúc uống chọn ăn nhiều đậu phộng, hạt điều, rau, cá nhiều mỡ, phô mai…
- Uống thật chậm, khoảng một giờ cơ thể đào thải một đơn vị cồn (gần một lon bia, một ly rượu nhỏ, 100 ml rượu vang).
- Nói chuyện, ca hát, nhảy múa vì chúng cũng giúp thải rượu bia nhanh hơn.
- Nhớ uống nhiều nước sau khi nhậu: nước dừa, nước chanh muối, nước gừng để giúp bù đắp điện giải tốt hơn. Uống nước ép cà chua với liều 3-5 trái cũng có tác dụng tốt.
Bạn có hiểu đúng về thảo dược
Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.
Linh Thùy - Nam Giao
Theo: ZINGNEWS.VN |