29/09/2022 (16:42:53)
Một số địa phương là điểm nóng của dịch sốt xuất huyết như Thanh Trì, Thường Tín, Long Biên đều đang tích cực vệ sinh môi trường phòng dịch.
Việc vệ sinh môi trường, hạn chế sự phát triển của muỗi được Hà Nội đẩy mạnh trong thời gian tới. Ảnh: NUTC. |
Theo dự báo mới đây của ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, nhiều khả năng, đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ kéo dài từ giữa tháng 10 tới hết tháng 11. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, số ca mắc sốt xuất huyết đã cho thấy xu hướng tăng lên nhanh chóng.
Đứng trước tình hình đó, nhiều địa phương đang gấp rút thực hiện các biện pháp cần thiết để hạn chế ảnh hưởng của dịch.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế quận Long Biên, từ đầu năm 2022 đến nay, địa phương này đã ghi nhận 1.102 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố rải rác trên địa bàn 14 phường.
Một số phường có nhiều ca mắc bao gồm Sài Đồng, Phúc Đồng, Bồ Đề, Long Biên, Phúc Lợi, Đức Giang…
Phó chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương nhắc nhở người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch sốt xuất huyết. Ảnh: TĐ. |
Nhằm đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, từ đầu tháng 6 đến nay, quận Long Biên đã tổ chức 5 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và muỗi vào thứ 7 hàng tuần.
Đến nay, số hộ gia đình đã được kiểm tra việc thực hiện vệ sinh môi trường diệt bọ gậy là 84.649/86.198 hộ, đạt 98,2%.
Trong khi đó, tổng số dụng cụ chứa nước được kiểm tra là 127.555, số dụng cụ chứa nước có bọ gậy được xử lý là 3.518 gồm cọ rửa, lật úp và thu gom.
Quận cũng đã xử lý môi trường, phun thuốc diệt muỗi chủ động đối với 25 địa điểm, khu vực sau khi giám sát có các chỉ số muỗi, bọ gậy ở mức độ nguy cơ cao.
Vừa qua, Phòng Y tế quận Long Biên cũng đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và Trung tâm Y tế quận tổ chức hội nghị tập huấn cho gần 300 cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập trên địa bàn trong việc chẩn đoán, điều trị, các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; quy định trong báo cáo, khai báo ca bệnh truyền nhiễm...
Phó chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương đã trực tiếp yêu cầu các phường quán triệt tinh thần không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn; tăng cường kiểm tra rà soát, phát hiện, vận động, yêu cầu người dân chủ động phối hợp với chính quyền, ngành y tế các biện pháp phòng chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch, tổ chức duy trì thường xuyên chiến dịch tổng vệ sinh, diệt bọ gậy; phun hóa chất tại nơi có ổ dịch, có bệnh nhân sốt xuất huyết; xử lý ổ dịch kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định, bảo vệ tốt sức khỏe người dân...
Theo ông Khuất Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, đến nay, địa phương này đã ghi nhận 292 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tại 16/16 xã, thị trấn (tăng 280 ca so với cùng kỳ năm 2021)
Địa phương này đã phát hiện tổng cộng 23 ổ dịch, trong đó, 14 ổ dịch còn hoạt động tại 8/16 xã/thị trấn. Đáng chú ý, huyện đã ghi nhận một trường hợp tử vong liên quan sốt xuất huyết.
Vị lãnh đạo cũng cho biết Thanh Trì là một trong những địa phương thường xuyên xuất hiện dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đã nhiều năm. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có nguy cơ, đặc biệt là Tân Triều, Tả Thanh Oai, Thanh Liệt, Tứ Hiệp, thị trấn Văn Điển.
Ông Khuất Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, kiểm tra khu vực đọng nước, nguy cơ chứa bọ gậy gây sốt xuất huyết. Ảnh: TĐ. |
Mặt khác, đây là huyện đang trong quá trình đô thị hóa, mật độ dân cư đông, có nhiều làng nghề như xã Tân Triều - nơi sản xuất các vật liệu phế thải - nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh sốt xuất huyết rất cao.
Các xã cũng có dân cư biến động, người lao động đến thuê nhà lao động làm ăn trên địa bàn. Nhận thức của người dân còn chưa đồng đều, một bộ phận không nhỏ còn chủ quan với việc phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết phức tạp, Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì đã xây dựng kế hoạch cụ thể, dự trù thuốc vật tư đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn
Đơn vị này cũng đã chỉ đạo các khoa, phòng, trạm y tế xã, thị trấn đẩy mạnh hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết như nâng cao công tác điều trị, giám sát xử lý ổ dịch và thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy, muỗi phòng bệnh.
Tính đến nay, địa phương này đã thực hiện 3 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy chủ động phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn, đảm bảo trên 95% hộ gia đình trong ổ dịch được phun hóa chất.
Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì cũng đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết bằng nhiều hình thức cho nhân dân hiểu về sự nguy hiểm của dịch bệnh và các biện pháp phòng bệnh, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, y tế tham gia vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy và loại bỏ vật dụng phế thải đọng nước - là nơi muỗi đẻ trứng, phát triển, truyền bệnh.
Theo báo cáo đến nay, huyện Thường Tín ghi nhận tổng cộng 242 ca mắc sốt xuất huyết ở 16 ổ dịch trên địa bàn 11 xã. Trong đó, 7 ổ dịch đã kết thúc. Xã Khánh Hà là địa phương có số ca mắc cao nhất với 78 trường hợp.
Thời gian qua, huyện Thường Tín đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch sốt xuất huyết với các tình huống cụ thể, nhằm triển khai đồng bộ gồm các tình huống:
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện cũng thường xuyên kiểm tra, nắm bắt thông tin, giám sát chặt chẽ diễn biến của dịch theo các xã, thị trấn được phân công phụ trách để chỉ đạo kịp thời.
Bên cạnh đó, địa phương này cũng chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo từng dấu hiệu cụ thể của dịch; đảm bảo trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch đầy đủ, kịp thời, phát hiện nhanh, khoanh vùng, xử lý ổ dịch trên địa bàn;
Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín đang thực hiện tốt việc phân luồng khám bệnh, tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân... hạn chế các trường hợp diễn biến nặng, tử vong xảy ra.
Quốc Toàn
Theo: ZINGNEWS.VN |