28/09/2022 (11:32:24)
Được công ty tài trợ gói tập gym, nhiều nhân viên văn phòng vẫn ngại đến phòng tập do thường xuyên gặp sếp, đồng nghiệp hay áp lực từ việc bị phạt khi không tập đủ buổi.
Dân văn phòng từ chối tập theo đãi ngộ của công ty với nhiều lý do khác nhau. Ảnh: mindbody. |
Hào hứng vì được tập luyện tại một chuỗi phòng gym sang trọng có tiếng tại Hà Nội nhờ chế độ đãi ngộ của công ty, Lê Chi My (25 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhanh chóng "vỡ mộng" chỉ sau 2 tháng.
Nhiều lần gặp sếp, phải nghe lời bàn tán mỗi khi hoàn thành không tốt công việc, My đành chấp nhận tự mua gói tập bên ngoài để giữ tinh thần thoải mái.
Hóa ra đó không phải vấn đề của riêng My. Khi các hoạt động công cộng dần trở lại như cũ sau thời gian bị "đóng băng" vì Covid-19, các trung tâm thể dục hoặc phòng gym của công ty cũng được mở lại. "Phòng gym công sở đã mở lại, cùng với đó là ông/bà sếp nhễ nhại mồ hôi của bạn", Wall Street Journal viết. Việc các phòng gym ở nơi làm việc, hoặc phòng gym do công ty trợ giá thẻ tập, mở lại sẽ tạo thêm động lực cho nhân viên thời hậu đại dịch, nhưng kèm theo đó là những khoảnh khắc khó xử khi đụng phải đồng nghiệp, cấp trên, nhân viên trong những hoàn cảnh rất khác nơi làm việc.
Chia sẻ với Zing, My được công ty chủ quản, là doanh nghiệp lớn về bất động sản, hỗ trợ tới 80% chi phí gói tập gym 15 tháng tại một trong những chuỗi phòng tập có tiếng tại Hà Nội.
“Ngay từ khi tìm hiểu công ty để xin việc, đây đã là một trong những điểm khiến tôi quyết tâm hơn trong quá trình nộp hồ sơ, dù không phải yếu tố quyết định”, My kể lại.
Trước đó, My vốn thích tập luyện các bộ môn thể thao nói chung. Ngoài gym, cô cũng rất chăm tham gia các lớp yoga, kickboxing để đảm bảo sức khỏe cũng như tinh thần thoải mái sau giờ làm.
Tuy nhiên, do chi phí tập luyện với một người trẻ vừa ra trường là vấn đề khá lớn, My thường phải lựa chọn các phòng tập giá rẻ, cơ sở vật chất ở mức độ trung bình. Cũng vì vậy, việc ứng tuyển thành công vào công ty mới với chế độ đãi ngộ tại phòng tập cao cấp khiến cô khá hào hứng.
Giống ở nhiều doanh nghiệp lớn khác, khối lượng công việc của My tại đây luôn rất lớn và đòi hỏi sự tập trung cao độ. Cô gái trẻ cũng không tránh khỏi cảm giác căng thẳng, mệt mỏi sau mỗi ngày tan ca.
Dù được tài trợ, việc tập luyện theo chế độ của công ty vẫn khiến nhiều người gặp khó khăn. Ảnh minh họa: intenza_fitness. |
Trong nỗ lực tìm lại sự cân bằng về sức khỏe cũng như tinh thần, My tìm đến không gian phòng tập mỗi chiều hết giờ làm. Tuy nhiên, gần đây, cô gái trẻ phát hiện trưởng phòng của mình cũng tập cùng cơ sở phòng gym gần công ty.
“Tôi thường có mặt tại phòng tập vào khoảng 18h30, sau khi tạm hoàn thành các công việc được giao. Nhưng mỗi lần nhìn thấy sếp trong phòng tập, tôi lại phải né ra khu vực khác. Có lần không may chạm mặt, sau mấy câu chào hỏi, sếp lại hỏi khéo về tiến độ công việc. Những lần như thế rất mệt mỏi”, My tâm sự.
Cũng từ đây, cô cũng bị để ý nhiều hơn trong công việc. Mỗi lần chậm deadline hay có đầu việc chưa tốt, lý do “rảnh rỗi đi tập” lại được sếp nhắc khéo.
“Chưa kể một vài lần chạm mặt trong phòng tắm, khu vực xông hơi, tôi cũng thấy ngại”, My nói thêm.
Sau nhiều lần như vậy, My quyết định tạm dừng việc đến phòng tập do công ty hỗ trợ và tìm tới các cơ sở tập luyện gần nhà, chi phí rẻ hơn. Ngoài ra, cô vẫn tranh thủ đến bể bơi ở phòng tập này vào cuối tuần nhưng cố gắng né giờ cao điểm để tránh chạm mặt sếp.
Khác với My, Nguyễn Mỹ Duyên (23 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) gặp vấn đề về thời gian tập luyện.
“Công việc yêu cầu tôi thường xuyên phải ở lại công ty tới tối muộn. Có hôm, 21h, tôi mới về được nhà. Tắm gội, ăn uống xong cũng đã hết ngày”, Duyên chia sẻ.
Cô gái này làm việc cho một công ty công nghệ phần mềm. Phải tiếp xúc nhiều với máy tính và rất ít khi vận động, bản thân Duyên cũng nhận thức được tầm quan trọng của chuyện tập luyện thể dục thể thao.
“Công ty tôi cũng hỗ trợ nhân viên tới sử dụng dịch vụ tại một phòng tập ngay tầng 5 thuộc tòa nhà nơi chúng tôi làm việc. Do tiện đi lại, tôi cũng có suy nghĩ sẽ đăng ký”, cô nói.
Tuy nhiên, song song với các đãi ngộ về chi phí, doanh nghiệp này yêu cầu nhân viên, sau khi đăng ký tập, phải check-in tại phòng tập đủ 3 buổi/tuần. Nếu không sẽ bị phạt bằng nhiều hình thức. Lý do được đưa ra là thúc đẩy nhân viên đảm bảo hiệu quả tập luyện.
Duyên tâm sự: “Do quỹ thời gian hạn hẹp, tôi cũng tính tranh thủ được buổi nào sẽ tập buổi đó. Nhưng quy định như vậy, tôi lo mình sẽ không thể tuần nào cũng đáp ứng được. Cân nhắc xong, tôi đã từ chối đăng ký ngay từ đầu”.
Trao đổi với Zing, bác sĩ thể thao Nguyễn Trọng Thủy, nguyên bác sĩ Đội tuyển Bóng đá Quốc gia và U23 Việt Nam, cho biết trong cuộc sống hiện đại, khi nhiều người phải làm việc với máy tính cùng một tư thế ngồi duy nhất kéo dài trong nhiều giờ, hoạt động tập luyện thể dục thể thao là rất cần thiết.
“Cơ thể chúng ta được sinh ra với mục tiêu vận động. Mặt khác, đặc thù công việc văn phòng lại khiến cơ thể thường xuyên ngồi máy tính trong nhiều giờ. Điều này khiến trọng lượng cơ thể dồn xuống cột sống thắt lưng, gây thoái hóa”, vị chuyên gia nói.
Do đó, chuyên gia này khẳng định việc tập luyện thể dục, thể thao cũng góp phần hạn chế tình trạng thoái hóa cột sống, đảm bảo sức khỏe thể chất hay tinh thần.
Ông nói: “Với mọi đối tượng, nhất là dân văn phòng, người làm việc lâu với máy tính, thường xuyên căng thẳng, chịu áp lực lớn, việc tập luyện thể dục, thể thao đều đặn mang đến rất nhiều ích lợi cho sức khỏe. Dễ thấy nhất là thói quen này mang đến một trái tim khỏe, một cơ thể cường tráng và tinh thần thoải mái”.
Ở chiều ngược lại, những người duy trì thói quen tập luyện hàng ngày có thể giữ cho mình trạng thái tốt nhất trong công việc, sự cân bằng cuộc sống, từ đó đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Về lý thuyết, các hoạt động thể chất giúp cơ thể sản sinh ra endorphin - một loại hormone còn được biết với tên gọi “hạnh phúc”. Hormone này giúp chúng ta cảm thấy hưng phấn và vui vẻ hơn, từ đó giảm cảm giác chán nản, lo lắng, căng thẳng - những vấn đề đa số người lao động hiện nay gặp phải.
Lợi ích là vậy, bác sĩ Thủy cũng đồng cảm với nhiều người làm văn phòng khi gặp phải các vấn đề khó nói, gây cản trở việc tập luyện thể dục, thể thao.
"Nếu không thể tới phòng tập, việc làm tối thiểu khi làm việc là đứng dậy, đi lại, vận động toàn thân sau khoảng 30-60 phút ngồi làm việc cũng rất cần thiết", vị chuyên gia lưu ý.
Ngoài ra, ông cũng khuyến cáo một số phương pháp tập luyện khác dân văn phòng có thể áp dụng để tạo ra tính linh hoạt và tự do hơn như chạy marathon, đạp xe đường dài hay tự tập luyện tại nhà với những dụng cụ đơn giản gồm dây cao su, tạ đơn, xà đơn...
Bài viết của Wall Street Journal khuyên bạn hãy cứ đến phòng gym cùng đồng nghiệp. Leora Maccabee, nhân viên một hãng luật ở bang Minnesota, Mỹ, trở lại phòng tập sau thời gian nghỉ thai sản và lo lắng phải phô bày cơ thể vừa sinh nở của mình trước các đồng nghiệp dáng chuẩn. Cô định chọn cách tránh xa phòng gym công ty.
Thế nhưng, vào tháng trước, cuối cùng cô đã có đủ can đảm đến phòng gym công ty và phát hiện các đồng nghiệp cũng như mình, đang cố gắng xốc lại chính họ và cơ thể sau hai năm đại dịch.
"Chúng tôi phải tự nhủ mình đừng xấu hổ. Chúng tôi đều đang tập vì một mục tiêu, khỏe mạnh hơn", Maccabee nói, cô quyết định trở lại phòng gym công ty vào giờ ăn trưa, vì đó là thời gian và nơi tập phù hợp nhất với người bận rộn như cô.
Quốc Toàn
Theo: ZINGNEWS.VN |