Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Học sinh LGBT+ nhưng chỉ được giáo dục giới tính về nam và nữ

13/12/2022 (07:44:54)

Nhiều học sinh vẫn mô tả lớp học về giới ngượng nghịu trong khi các em thuộc cộng đồng LGBT+ không tìm được thông tin về bản dạng giới, xu hướng tính dục bản thân trong lớp học.

Giới tính, tình dục vẫn luôn là chủ đề khó nói, ngay cả với người lớn. Ảnh: Wired.

Mỗi lần đến tiết Sinh học, khi giáo viên lồng ghép các kiến thức về giáo dục giới tính vào bài giảng, Hoàng Anh (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) lại thấy ngượng ngùng. Nam sinh cho biết việc giảng dạy các vấn đề giới tính tại trường không nhiều, hầu hết, Hoàng Anh đều tự tìm hiểu trên Internet, dù không chắc kiến thức có đúng hay không.

Tương tự, dù đã là sinh viên năm thứ 2, T.V. (20 tuổi, TP.HCM) vẫn cảm thấy xấu hổ nếu người lớn nhìn thấy cậu có bao cao su. Vì vậy, V. thường giấu rất kỹ, tránh để người khác nhìn thấy. Từ bé, cậu cũng rất ngại hỏi người lớn các vấn đề về giới tính, nhất là khi cậu thuộc cộng đồng LGBT+.

Chọn tự tìm hiểu

Hoàng Anh cho biết em không thể nhớ bản thân bắt đầu được học về giới tính từ khi nào, cũng chưa từng được tham gia môn học hay tiết học riêng biệt.

Thông thường, Hoàng Anh chỉ được giáo dục giới tính thông qua việc lồng ghép kiến thức vào các môn học như Sinh học hoặc Giáo dục công dân. Các hoạt động ngoại khóa, trao đổi, thảo luận về vấn đề này chưa từng xuất hiện ở trường cậu.

Tuy nhiên, khi lồng ghép các vấn đề này vào môn học, cách tiếp cận của thầy cô lại thiếu tự nhiên khiến không chỉ Hoàng Anh mà những bạn còn lại trong lớp không tránh khỏi ngượng ngùng, không muốn trao đổi.

“Nếu em chỉ trao đổi vấn đề này với bạn cùng giới thì không sao. Tuy nhiên, việc học trên lớp có cả các bạn nữ, chúng em đều coi đây là vấn đề nhạy cảm, cô cứ nhắc tới là em không dám nhìn sang các bạn bên cạnh", Hoàng Anh nói.

Không chỉ ngại ngùng khi học trên lớp, khi chia sẻ với Zing, Hoàng Anh cũng coi giáo dục giới tính là bổ sung các kiến thức về các vấn đề “nhạy cảm", “ít được nhắc đến", “nghĩ trong đầu thôi chứ nói ra thì xấu hổ". Ngay với cả phụ huynh, em cũng e dè.

Hiện tại, nam sinh này cũng không chắc chắn về các kiến thức giới tính mà mình có được. Đa số, em chọn tự tìm hiểu trên Internet hoặc thông qua bạn cùng lớp.

Khác với Hoàng Anh, ngay từ tiểu học, T.V. đã cảm nhận bản thân khác với các bạn nam còn lại. Không ít lần, V. bị bạn bè trêu chọc. Thiếu kiến thức, không dám hỏi người lớn, V. lo sợ bản thân khác người, sau này không thể sinh con. Mãi đến năm lớp 9, nam sinh mới chắc chắn bản thân thuộc cộng đồng LGBT+.

“Ngày đó, mình hoang mang, lật tung mọi cuốn sách mình có nhưng không tìm được thông tin về những khác lạ mà bản thân cảm nhận được. Việc hỏi người lớn chắc chắn mình không dám. Mình lên thư viện, sách giáo dục giới tính thì có, nhưng không nhiều, mà cất kỹ lắm. Sách về LGBT+ thì lại càng không. Mãi đến năm lớp 9, mình bắt đầu dùng mạng xã hội, khi ấy, mình mới biết về LGBT+", V. nói.

Thấy các fanpage hay nhóm kín về LGBT, V. coi đó là nơi tìm hiểu kiến thức về giới tính. Tuy nhiên, kiến thức của V. cũng chỉ dừng ở việc biết cộng đồng LGBT là gì, chỉ bao gồm 4 tính dục, một số tính dục như bisexual (song tính) là "xấu".

Mãi đến lớp 12, V. mới biết đó là những kiến thức sai lệch. May mắn, cậu chưa gặp rủi ro. Hiện tại, V. đã cởi mở hơn khi chia sẻ kiến thức về LGBT+, về tình dục với những bạn trong cộng đồng của mình. Tuy nhiên, với người lớn, nhất là với bố, cậu chưa từng trao đổi thẳng thắn hay chia sẻ về các vấn đề mình gặp phải.

“Mình không ngại việc come out. Tuy nhiên, các vấn đề giới tính, nhất là tình dục vẫn là điều gì đó khiến mình e ngại nếu chia sẻ với người lớn. Thỉnh thoảng, nếu có đùa giỡn hay bố vô tình nhắc tới, mình sẽ là người bối rối, chủ động né tránh", V. nói.

giao duc gioi tinh anh 1

Không ít phụ huynh bối rối khi trẻ đặt những câu hỏi về tính dục. Ảnh: Sex Education/Netflix.

Đứt gãy trong khoảng cách thế hệ

Theo anh Đặng Khánh An, tâm lý gia lâm sàng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tại Việt Nam, giáo dục giới tính đã có một bước tiến dài và đáng mừng, thông qua việc nhìn nhận về tính dục con người như một ngành khoa học. Tuy nhiên, đến nay, giáo dục giới tính vẫn tồn tại sự đứt gãy lớn trong khoảng cách thế hệ, từ đó gia tăng căng thẳng và mâu thuẫn giữa các giá trị khác nhau về tính dục.

Anh An lấy ví dụ sự đứt gãy này thể hiện thông qua các quan điểm cũ, điển hình là nhị nguyên giới tính, chỉ công nhận hai giới tính là nam hoặc nữ, từ đó dẫn đến việc độc tôn dị tính trong xã hội, là tiền đề dẫn đến kì thị và phân biệt đối xử với các tính dục thiểu số. Trong khi đó, quan điểm của khoa học tính dục nhấn mạnh tính đa dạng và bình đẳng trong tính dục.

Việc thiếu kiến thức khoa học đáng tin cậy sẽ gia tăng định kiến và hiểu nhầm về tính dục, dẫn đến các cách giáo dục chưa phù hợp, đôi khi trái ngược với kiến thức mà trẻ đã học ở trường. Anh An từng gặp trường hợp một phụ huynh thấy con xem phim khiêu dâm, khi tìm kiếm lời khuyên để giáo dục con, họ đặt ra câu hỏi “có cách nào để trẻ quên đi những hình ảnh đó không?”.

Tương tự, không ít phụ huynh bối rối khi trẻ đặt những câu hỏi về tính dục hoặc một khái niệm về tính dục mà trẻ đọc hay nghe được. Một số khác phản ứng tiêu cực khi phát hiện trẻ tìm hiểu thông tin về tính dục hay tiếp xúc với văn hoá phẩm khiêu dâm. Những phản ứng tiêu cực xả ra như mắng chửi, gắn nhãn trẻ về đạo đức và nhân cách, đánh đập trẻ… Trong khi đó, điều trẻ cần là sự định hướng và giáo dục.

Nhu cầu tìm hiểu về tính dục là một nhu cầu tự nhiên. Tuy nhiên, việc quá thiếu thông tin thông qua việc giảng dạy từ gia đình và nhà trường như hiện tại khiến nhiều trẻ tự tìm hiểu là điều thường thấy.

Anh An không phủ nhận độ đáng tin cậy của một số nguồn tư liệu sách báo hay Internet. Tuy nhiên, kiến thức không là chưa đủ. Theo đó, nếu trẻ tự tìm hiểu mà không được định hướng từ người lớn, việc hiểu sai kiến thức dẫn đến thực hành không đúng là điều dễ xảy ra. Bên cạnh đó, việc trẻ tự tìm hiểu cũng có thể dẫn đến việc tiếp cận các nguồn thông tin độc hại trên Internet, càng làm nghiêm trọng hơn vấn đề.

Ngoài ra, theo anh An, hiện nay, các trường học đều có chương trình ngoại khóa về giáo dục giới tính, tuy nhiên chất lượng có thể chưa đồng bộ bởi phụ thuộc vào giáo trình và giáo viên chuyên trách.

Bên cạnh đó, về giáo dục LGBT+, anh An nhận định hiện nay, LGBT+ được biết đến nhiều hơn thông qua các phong trào xã hội, thay vì các hoạt động giáo dục. Thông qua các buổi tọa đàm, talkshow tại các trường học, tâm lý gia này nhận thấy có sự khác biệt lớn trong quan điểm của các giáo viên. Các giáo viên trẻ có xu hướng cởi mở và ủng hộ trẻ nhiều hơn các giáo viên ở thế hệ trước.

Tuy nhiên, khó khăn chung vẫn là sự bối rối trong việc xử trí các vấn đề về hành vi hoặc khi trẻ bày tỏ vấn đề khó khăn với giáo viên. Đây là vấn đề đặc thù có liên quan nhiều đến tâm lý của trẻ, trong khi đó, giáo viên chỉ được đào tạo để làm tốt công việc giáo dục tri thức, hơn là có những hỗ trợ chuyên sâu về tâm lý cho từng trường hợp.

giao duc gioi tinh anh 2

Nhiều người lớn không thực sự hiểu về tính dục của bản thân một cách đầy đủ và thông suốt, ảnh hưởng đến việc giáo dục giới tính thể hệ sau. Ảnh: Tetu.

Bắt đầu từ đâu?

Anh An nhận định giáo dục giới tính là quá trình xuyên suốt, trong đó, 2 môi trường tác động nhiều nhất đến trẻ là gia đình và trường học. Ở khía cạnh gia đình, phụ huynh cần có kiến thức nhất định về tính dục và giáo dục giới tính.

Việc nhìn nhận giáo dục giới tính một cách nghiêm túc là trách nhiệm của người lớn. Thực tế, nhiều người lớn không thực sự hiểu về tính dục của bản thân một cách đầy đủ và thông suốt. Điều này có thể bắt nguồn từ việc thiếu hụt giáo dục giới tính ở các giai đoạn trước đây.

Việc phụ huynh có kiến thức nhất định sẽ giúp trẻ định nghĩa lại những gì trẻ thấy một cách đúng đắn, thực tế dưới lăng kính giáo dục, thay thế cho những thông điệp phi thực tế mà phim ảnh tạo dựng. Điều này phụ thuộc lớn vào sự can đảm và thẳng thắn của phụ huynh.

“Phụ huynh cần nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này, cho phép bản thân cởi mở và tiếp nhận các kiến thức về tính dục, sẵn sàng vượt qua nỗi sợ, định kiến để học hỏi và nhìn nhận các vấn đề nhạy cảm dưới góc nhìn khoa học”, anh An nói.

Giáo dục giới tính có thể bắt đầu từ ngay từ khi trẻ 12 tháng tuổi, thể hiện bằng việc cha mẹ giúp trẻ phân biệt các bộ phận cơ thể, trong đó có cơ quan sinh dục, các vùng cơ thể quan trọng được che đậy bởi quần áo…

Khi trẻ đi học, tuỳ theo độ tuổi mà các giáo viên sẽ tiếp tục giáo dục và định hình những hành vi của trẻ có liên quan đến tính dục. Điều này đòi hỏi kiến thức và chuyên môn của giáo viên phù hợp với độ tuổi của học sinh từng cơ sở.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chính sách và giáo trình chuẩn cũng rất quan trọng. Vì vậy, giáo dục giới tính không phải là trách nhiệm riêng đến từ phía nào. Đó là sự phối hợp của nhiều bên liên quan.

Vị tâm lý gia cũng nhấn mạnh giáo dục về LGBT+ cũng là một hợp phần không thể thiếu trong giáo dục giới tính, cần thiết cho cả người lớn và trẻ em. Người lớn cần hiểu đúng để hỗ trợ con cái, trẻ nhỏ cần hiểu đúng để bảo vệ bản thân trước các khủng hoảng về căn tính tính dục, các nguy cơ về sức khỏe cũng như vấn nạn quấy rối, lạm dụng tình dục.

Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn

Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.

Ngọc Bích

Theo: ZINGNEWS.VN


Giáo dục (Tin trước)