Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Chuyển trường vì không muốn mặc áo dài đi học

12/12/2022 (06:04:06)

Quy định mặc áo dài đến trường khiến nhiều nữ sinh gặp khó khăn trong việc đi lại, thậm chí ảnh hưởng tâm lý và học tập.

Nhiều trường THPT quy định nữ sinh mặc áo dài trong các ngày học chính khóa. Ảnh: Việt Hùng.

Từng muốn sớm được lên THPT để mặc áo dài đi học, nhưng chỉ sau năm học đầu tiên, Khánh Ngân (hiện là học sinh lớp 11) bắt đầu ám ảnh với tà áo dài, dù chỉ phải mặc một lần mỗi tuần.

Tâm lý không thoải mái với những quy định khắt khe, kèm theo một số vấn đề khác về sức khỏe, Ngân đã chuyển từ Đồng Nai lên TP.HCM, chọn một trường không yêu cầu nữ sinh mặc áo dài để theo học.

Không ám ảnh đến mức chuyển trường, nhưng Diễm Thúy, học sinh lớp 12 ở Đà Nẵng, cũng chán nản khi phải mặc áo dài đi học cả tuần.

Thúy cho biết ngoại trừ giờ thể dục và học nghề, nữ sinh phải mặc áo dài trong toàn bộ giờ học chính khóa. Với những học sinh năng động, thích chạy nhảy như Thúy, quy định này gây khá nhiều bất tiện.

Áo dài đắt, lại khó giữ gìn

Diễm Thúy cho biết phần lớn trường THPT tại Đà Nẵng đều quy định nữ sinh mặc áo dài cả tuần, ngoại trừ một số trường tư thục có đồng phục riêng. Thuý ước tính một học sinh mỗi năm phải có ít nhất 3 bộ áo dài để thay đổi.

Mẹ của Thúy là thợ may nên tiết kiệm được một phần chi phí may áo dài. Nhưng với những nữ sinh khác, các em phải chi khoảng 400.000-500.000 đồng cho một bộ. Như vậy, mỗi em tốn khoảng 1,5 triệu đồng cho đồng phục chỉ trong một năm học. Nhiều em tiết kiệm nên chỉ may 1-2 bộ rồi giữ gìn cẩn thận để mặc trong 3 năm.

Với những học sinh khó khăn, không có chính sách hỗ trợ may áo dài, các em thường xin lại đồ cũ để mặc hoặc dùng lại áo dài của chị gái.

Khánh Ngân cũng nói rằng chi phí để nữ sinh may áo dài thường rất đắt. Đồng phục áo trắng, quần xanh thường rẻ hơn. Ngân ước tính để có bộ áo dài tạm ổn, học sinh phải bỏ ra ít nhất phải mất 500.000 đồng.

Những gia đình có điều kiện khó khăn chỉ dám may áo dài 300.000-400.000 đồng, nhưng mặc được một học kỳ là bị ố. Áo dài cũng rất dễ bị bẩn khi chạm đất hay đi mưa, những vết bẩn này lại khó giặt. Nếu giặt mạnh tay, việc hư, rách là điều dễ xảy ra.

nu sinh mac ao dai anh 1

Nhiều trường cho nữ sinh mặc áo dài trong ngày lễ như khai giảng, tổng kết năm học. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Gây bất tiện

Chi phí không phải vấn đề lớn nhất khiến Ngân và Thúy khó chịu. Đối với hai nữ sinh, sự bất tiện mới là điều khiến hai em không còn muốn mặc áo dài đi học.

Theo Ngân, áo dài cần được mặc ôm dáng mới đẹp. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc những học sinh có hạn chế về cơ thể sẽ rất tự ti. Trong khi đó, những nữ sinh có thân hình đẹp thường bị nam sinh trêu đùa, thậm chí quấy rối, đưa ra những lời bình luận như “ước gì trời mưa lúc con gái mặc áo dài”, rất phản cảm.

Ngân chia sẻ bản thân em có vòng một nhỏ, khi mặc áo dài, em phải mặc áo nâng ngực cho đỡ tự ti. Nhưng việc mặc như vậy sẽ khiến dây áo bị hằn lên, chất liệu áo dài mỏng sẽ bị lộ dây. Vì vậy, nữ sinh phải mặc thêm một lớp áo lá rồi mới tới lớp áo dài.

Ngân nhớ lại những ngày học ở trường cũ, mặc áo dài trong giờ chào cờ và phải ngồi dưới trời nắng nóng. Mồ hôi chảy ra thấm ướt áo dài, em khó thở, bí bách nhưng không biết phải làm thế nào cho đỡ nóng. Hết 45 phút chào cờ, áo dài của Ngân ướt sũng. Phải đến hết tiết 2, tiết 3, áo mới khô. Dù vậy, mùi mồ hôi vẫn đọng lại gây khó chịu, bức bối.

Ngân cũng ám ảnh những ngày tới kỳ kinh nguyệt trùng với hôm mặc áo dài. Em kể lại cứ đến ngày đó em sẽ ngồi im trong lớp, chào cờ hay buộc phải đi lại cũng phải nhẹ nhàng.

“Đứng một chỗ thở thôi cũng thấy mệt” là cách Diễm Thúy mô tả khi nói về việc mặc áo dài đi học. Sống ở Đà Nẵng 4 mùa rõ rệt, dù trời nóng hay lạnh, dù mưa hay nắng, học sinh vẫn phải mặc áo dài tới lớp. Những ngày hè nhiệt độ lên đến 35 độ C, Thúy phát bực vì đổ mồ hôi. Nhiều nữ sinh khác bị đổ mồ hôi thấm ướt áo, để lộ nội y, các em phải mặc thêm áo khoác để che nhưng lại nóng hơn, thêm khó chịu.

Những ngày đông, dù nhiệt độ xuống thấp, nữ sinh vẫn phải mặc áo dài theo quy định của trường. Các em có thể mặc thêm áo khoác, nhưng quần áo dài mỏng, không đủ để giữ ấm.

Một điều nữa là trường của Diễm Thúy không cho nữ sinh vén tà áo dài hay kéo ống quần lên cao. Không ít lần nữ sinh bị rách áo dài do lỡ đạp vào tà áo. Một lần, Thúy suýt bị tai nạn do tà áo dài vướng vào xe đạp điện.

Khánh Ngân cũng gặp tình trạng tương tự. Trước đây, Ngân đi học bằng xe máy phân khối dưới 50cc. Tới ngày mặc áo dài, nữ sinh chỉ lo nếu không để ý, tà áo sẽ mắc vào bánh xe. Em thường phải dừng lại để chỉnh trang lại tà áo.

Mong muốn nhà trường thay đổi

Hiểu rõ cái khó của nữ sinh khi mặc áo dài đi học, Khánh Ngân và Diễm Thúy đều mong nhà trường thay đổi quy định. Khánh Ngân mong muốn các trường học bỏ quy định mặc áo dài vì bất tiện và ảnh hưởng việc học tập, đi lại và cảm xúc của học sinh.

Nữ sinh nêu rằng áo dài luôn là nét đẹp văn hóa Việt Nam, nhưng việc bắt ép nữ sinh mặc áo dài đi học không phải cách hay để giữ gìn nét đẹp này. Theo Ngân, nét đẹp sẽ nằm ở cả tri thức, sách vở, lịch sử mà mọi người đều được học, không nhất thiết phải đánh giá qua một bộ áo dài. Nữ sinh hy vọng nhà trường có thể lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm với học sinh.

“Áo dài rất đẹp, em vẫn yêu áo dài, nhưng em cũng hiểu những hạn chế khi nữ sinh phải mặc nó thường xuyên. Em nghĩ nhà trường nên linh hoạt trong quy định mặc đồng phục để chúng em cảm thấy thoải mái, không gây cản trở cho việc học, giúp các bạn nữ tự tin, thuận tiện", Ngân nói.

Diễm Thúy cũng nêu quan điểm tương tự, em đề xuất nhà trường bỏ quy định mặc áo dài cả tuần, chỉ nên cho nữ sinh mặc vào sáng thứ hai hoặc các dịp lễ quan trọng. Nếu nhà trường bắt nữ sinh mặc cả tuần, các em dễ hình thành tâm lý chán ghét, thậm chí sợ áo dài.

Thuý hiểu các trường cho nữ sinh mặc áo dài như một cách để giữ gìn nét đẹp văn hóa của phụ nữ Việt Nam, nhưng cách này chưa hoàn toàn phù hợp, nhất là khi đặt vào hoàn cảnh của thế hệ học sinh năng động, thích chạy nhảy.

Nữ sinh đề xuất phương pháp thay thế là tổ chức hoạt động ngoại khóa như tham quan di tích, tìm hiểu về áo dài và các trang phục truyền thống hoặc tự tay thiết kế, làm áo dài và phụ kiện liên quan như nón lá.

“Nếu được, em muốn bài giảng về trang phục truyền thống được đưa vào chương trình học chính thức. Như vậy bọn em sẽ có hứng thú tìm hiểu về áo dài hơn việc phải mặc áo dài đi học”, Thúy nêu ý kiến.

nu sinh mac ao dai anh 2

Nhà trường cần định hướng, tạo niềm yêu thích cho học sinh khi mặc áo dài thay vì bắt ép. Ảnh minh họa: Lê Huy Hoàng Hải.

Giáo viên ủng hộ thay đổi

Nói về quy định nữ sinh mặc áo dài đi học, cô Văn Quỳnh Giao, Phó hiệu trưởng trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nói rằng bản thân là phụ nữ, người lớn, đôi khi, cô cũng thấy bất tiện khi mặc áo dài nên cô hiểu rõ tâm lý của các học sinh khi phải mặc áo dài tới lớp.

Cô Giao nhận thấy học sinh ngày nay không nhạy cảm như nhiều người vẫn nghĩ, các em chỉ đang nói lên những suy nghĩ và mong muốn của bản thân. Người lớn không nên chỉ trích chỉ vì các em mong muốn thay đổi quy định mặc áo dài.

“Học sinh có nhiều cách để thể hiện tình yêu với đất nước, không chỉ riêng việc mặc áo dài hàng ngày. Người lớn không nên so sánh thế hệ trước và thế hệ bây giờ vì hoàn cảnh, môi trường sống khác nhau, suy nghĩ và cách nhìn nhận của các thế hệ cũng sẽ khác nhau”, cô Giao nói thêm.

Cô Giao không phủ nhận áo dài rất đẹp và mang nhiều giá trị truyền thống. Nhưng nếu bắt học sinh mặc áo dài đi học cả tuần, nhà trường nên xem xét lại hoặc tìm phương án thay thế, ví dụ cho học sinh đến trường rồi mới thay áo dài, hoặc cách tân áo dài (làm gọn quần và tà áo) để học sinh mặc thấy thoải mái hơn.

Cô cũng đề xuất các trường nên giảm bớt thời gian mặc áo dài, ví dụ chỉ mặc vào sáng thứ hai hoặc giờ chào cờ. Các ngày còn lại, học sinh có thể mặc áo sơ mi, quần vải hoặc đồng phục thể dục để tiện di chuyển, vận động.

Cô Giao nói thêm nhiều nước châu Á cũng có trang phục truyền thống nhưng họ thường mặc vào ngày lễ đặc biệt và lễ hội truyền thống. Đó cũng là một cách để giữ gìn nét đẹp trang phục truyền thống mà không cần đưa vào bộ đồng phục của học sinh.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), đồng tình với ý kiến của cô Quỳnh Giao. Áo dài được xem là biểu tượng của văn hóa Việt, là nét đẹp cần được giữ gìn. Chúng ta cho học sinh mặc áo dài để tôn vinh nét đẹp, nét văn hoá là một cách hay, nhưng phải bám theo tình hình thực tế để điều chỉnh phù hợp.

Thầy Phú lấy ví dụ những ngày mưa, nhà trường không nên ép nữ sinh mặc áo dài mà nên cho các em mặc áo sơ mi, quần âu hoặc đồng phục thể dục để tiện di chuyển. Những ngày quá nóng cũng không nên ép học sinh vì mặc áo dài bó sát trong điều kiện thời tiết như vậy rất tội các em.

Thầy Phú đề xuất nhà trường có thể cho nữ sinh mặc áo dài vào buổi chào cờ và các dịp lễ để tạo sự trang trọng, tôn vinh nét đẹp văn hóa. Nhà trường cũng cần định hướng, tạo cho học sinh niềm yêu thích khi mặc áo dài bằng cách đưa ra những hình ảnh đẹp về áo dài, mở các cuộc trò chuyện, ngoại khóa để tuyên truyền sâu rộng cho các em.

Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn

Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.

Ngọc Bích - Thái An

Theo: ZINGNEWS.VN


Giáo dục (Tin trước)