07/12/2022 (12:45:26)
Sư tử Atlas là loài động vật mang tính biểu tượng của Morocco. Những cầu thủ bóng đá của nước này được gọi với cái tên mang niềm hy vọng của quốc gia là "những chú sư tử Atlas".
Đội bóng của Morocco được gọi với cái tên thân thương là "những chú sư tử Atlas". Ảnh: Reuters. |
Rạng sáng 7/12, người hâm mộ đội bóng châu Phi không khỏi phấn khích khi Morocco đánh bại Tây Ban Nha để lọt vào tứ kết World Cup 2022. Sau bàn thắng này, nhiều người Morocco đã bày tỏ niềm tự hào dành cho "những chú sư tử Atlas". Và điều đó khiến người hâm mộ bóng đá thế giới tò mò về tên gọi đặc biệt này.
Sư tử Atlas (còn được gọi là sư tử Barbary) từng rất phổ biến ở Bắc Phi. Kể từ sau cuộc săn lùng vào năm 1922, loài này bị tuyên bố tuyệt chủng trong tự nhiên.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là có vài chục cá thể sống sót trong điều kiện nuôi nhốt. Vườn thú quốc gia Rabat Morocco vừa thành lập đã phải đấu tranh để cứu loài động vật huyền thoại này khỏi bờ vực tuyệt chủng.
"Suốt thời gian dài, người ta cho rằng loài này đã biến mất. Nhưng hóa ra, quốc vương Mohammed V (ông nội của nhà vua hiện tại) đã nuôi một vài con sư tử Barbary trong công viên riêng của mình", Abderrahim Salhi, người điều hành của vườn thú, cho biết.
Trước đây, người trong bộ lạc đã săn những con sư tử này để dâng cho quốc vương như một cống phẩm cũng như bày tỏ lòng trung thành của họ.
"Sau khi Morocco giành độc lập (năm 1956), sư tử Atlas ở công viên hoàng gia đã trở thành trung tâm của sở thú và biểu tượng của niềm tự hào”, ông Salhi nói.
Ngày nay, sư tử Atlas trở thành biểu tượng xuất hiện trên quốc huy của Morocco với hình ảnh 2 con sư tử đang bảo vệ vương miện. Và để thể hiện niềm hy vọng cũng như tình yêu dành cho bóng đá, đội bóng của quốc gia này được gọi là "những chú sư tử Atlas".
Sư tử Atlas đực được nhận biết bởi cơ bắp vạm vỡ, chiếc bờm dài sẫm màu, kéo dài từ đầu xuống lưng và dưới bụng. Ngoại hình to lớn này được cho là tiến hóa từ cuộc sống săn bắn cũng như leo trèo trên núi.
Một số nhà quan sát cho rằng sư tử Atlas lớn hơn loài họ hàng của nó ở vùng hạ Sahara và nặng từ 225 kg trở lên, mặc dù tuyên bố này còn nhiều tranh cãi.
Sư tử Atlas xuất hiện trên quốc huy của Morocco. Ảnh: Rabatzoo. |
Vườn thú Rabat vừa được cải tạo và khai trương vào đầu năm nay, sau đó là sự ra đời của 3 chú sư tử con tại nơi này. Nhân viên mô tả sự xuất hiện của chúng là "sự kiện vui vẻ."
"Chúng là hậu duệ trực tiếp của sư tử Atlas, vì hầu hết sư tử con và sư tử trưởng thành ở đây đều là giống thuần chủng. Chúng không bị lai tạp", Salhi, người trực tiếp giám sát sự ra đời của 3 chú sư tử con, cho biết.
Ông nói thêm bản thân vườn thú hiện có 32 con sư tử, chiếm khoảng một nửa số lượng còn lại trên toàn thế giới. Số còn lại được tìm thấy ở các vườn thú khác ở Morocco và châu Âu.
Mặc dù mang tính biểu tượng cao, tương lai của “kẻ săn mồi mạnh nhất Morocco” vẫn chưa được đảm bảo. Nhiều yếu tố khác nhau đã khiến sư tử Bắc Phi bị tuyệt chủng trong tự nhiên như nạn phá rừng ở vùng núi Atlas và cuộc săn bắn bằng súng cầm tay trong suốt thế kỷ 19. Người ta săn những con sư tử lớn để lấy lông và cho mục đích thể thao.
Trước đó, hàng trăm con sư tử Atlas biến mất, chúng bị săn bắt và vận chuyển đến La Mã cổ đại để trở thành thú tiêu khiển cho người khác.
Như được mô tả trong "Lời cầu nguyện cuối cùng của các liệt sĩ Cơ đốc giáo", bức tranh Đông phương học của Pháp ở thế kỷ 19, những con sư tử bị bỏ đói và trở nên tức giận. Chúng đã lao vào chiến binh và kẻ phạm tội. Điều này được thể hiện qua hình ảnh một chú sư tử Barbary chui ra từ cái hố để tấn công nhóm người theo đạo Cơ đốc.
Vườn thú rộng khoảng 50 ha bên ngoài công viên Rabat là nơi sư tử Atlas trưởng thành nghỉ ngơi trong bóng râm và sư tử con nô đùa gần đó. Công viên là nơi sinh sống của gần 1.200 loài động vật bao gồm khoảng 120 loài đến từ châu Phi như tê giác trắng, voi, hà mã và báo đốm.
Ngoài ra, công viên này có kế hoạch mở "vườn thú ban đêm" cho các sinh vật sống về đêm bao gồm cả báo đốm. Nhưng nhiệm vụ bảo tồn, tăng số lượng sư tử Atlas và phối hợp với các vườn thú khác trên khắp thế giới vẫn là mục tiêu chính của các quan chức tại công viên.
“Đó là một thách thức lớn. Ưu tiên của chúng tôi là bảo vệ chúng”, ông Salhi nói.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.
Nam Giao
Theo: ZINGNEWS.VN |