27/01/2023 (12:10:24)
Trong 7 ngày nghỉ Tết, Bệnh viện Chợ Rẫy ghi nhận 1.990 ca cấp cứu, tăng 21,3% so với Tết Nguyên đán năm 2022.
Nhìn chung, các chỉ số hoạt động chuyên môn tăng nhẹ so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2022. Ảnh: Duy Hiệu. |
Vào ngày 27/1, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (20/1-26/1), bệnh viện tiếp nhận 1.990 ca cấp cứu, trung bình 284 ca/ngày, dao động 230-340 lượt.
Trong đó, cấp cứu do tai nạn giao thông chiếm nhiều nhất với 429 ca, tiếp đến là 91 ca tai nạn sinh hoạt, 47 ca đả thương và 18 ca ngộ độc. Tổng số phẫu thuật cấp cứu là 257 trường hợp.
Tính đến 7h sáng 27/1, Bệnh viện Chợ Rẫy có 1.415 bệnh nhân đang điều trị. Trong 7 ngày nghỉ Tết, bệnh viện sử dụng 684 đơn vị máu và có hơn 4.000 đơn vị máu đang được lưu trữ.
So với đợt nghỉ Tết Nguyên đán năm 2022, lượng bệnh nhân cấp cứu năm nay tăng 350 ca (21,3%). Số bệnh nhân vào cấp cứu, đả thương, tai nạn sinh hoạt và ngộ độc tăng trung bình 4,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi số bệnh nhân phẫu thuật cấp cứu toàn viện tăng 4,0%, số lượng bệnh nhân còn điều trị nội trú sau đợt nghỉ lễ tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, lượng máu sử dụng tăng 63,2% so với năm 2022, tương đương số lượng bệnh nhân vào cấp cứu và phẫu thuật cấp cứu tăng.
Theo Bộ Y tế, cả nước ta ghi nhận 312.000 ca cấp cứu. Ảnh: Duy Hiệu. |
Vào ngày 26/1, Bộ Y tế đã có báo cáo về tình hình công tác y tế trong dịp Tết Quý Mão từ ngày 20/1 đến 26/1.
Về công tác khám, cấp cứu 6 ngày Tết Quý Mão 2023, các bệnh viện đã thực hiện khám, cấp cứu cho trên 312.000 người bệnh.
Tổng số bệnh nhân điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh đến ngày 26/1 là 116.648 người. So với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2022, số ca nhập viện liên quan đến tai nạn giao thông tăng 15,6%, số ca tử vong do tai nạn giao thông giảm 3,6%.
Số ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng 52,7%. Số ca khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ khác tăng 25,9%. Bên cạnh đó, số ca cấp cứu tai nạn đánh nhau cũng tăng 0,7%, số ca tai nạn do đánh nhau phải nhập viện tăng 1,9%.
Tuy nhiên theo Bộ Y tế, số ca khám, cấp cứu tai nạn do sinh hoạt, lao động giảm 16%, nhập viện điều trị tăng 25%.
- Tai nạn giao thông: Bộ Y tế cho biết có 9.716 trường hợp phải nhập viện điều trị, chiếm 36,8% trong tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, tăng 1.312 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022. Trong đó, 217 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, giảm 8 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022.
- Tai nạn do pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ: 403 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ được ghi nhận, nhiều hơn 139 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022 (264 ca). Tuy nhiên, không có ca nào tử vong. Nước ta ghi nhận 34 trường hợp cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế, ghi nhận 2 trường hợp tử vong.
- Tai nạn do đánh nhau: 3.041 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 1% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 43% trong số đó (1.318 ca) phải nhập viện điều trị/theo dõi. Đồng thời, 10 trường hợp tử vong được ghi nhận.
- Tai nạn do sinh hoạt, lao động: 11.964 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động được ghi nhận, chiếm 4,6% trong tổng số khám, cấp cứu bệnh viện. Trong đó, có 19 trường hợp tử vong (giảm 12 ca so với Tết Nhâm Dần 2022).
Ngoài ra, trong dịp Tết Quý Mão, nước ta cũng ghi nhận 686 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, chiếm 0,2% tổng số khám, cấp cứu và có 2 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.
Nam Giao
Theo: ZINGNEWS.VN |