21/01/2023 (08:04:19)
Phong tục lì xì đầu năm bị biến tướng, gây ra những câu chuyện dở khóc dở cười khiến cha mẹ lẫn người lì xì đều cảm thấy lúng túng, khó xử.
Nhiều trẻ coi trọng giá trị vật chất của lì xì mà quên đi ý nghĩa vốn có của nó. Ảnh: Chern Ling/CNA Lifestyle. |
Mỗi lần nhắc đến câu chuyện lì xì ngày Tết, Hà Tú (24 tuổi, làm việc tại TP.HCM) lại nhớ về tình huống xấu hổ vào sáng mùng một Tết Nguyên đán năm 2022. Năm đó, Tú mới đi làm sau khi tốt nghiệp đại học, thu nhập chưa cao nên cô chỉ lì xì 20.000 đồng/người cho trẻ em trong dòng họ và các bé con nhà hàng xóm.
Tú nghĩ rằng việc lì xì chỉ mang giá trị tinh thần, số tiền lớn hay nhỏ không quan trọng. Nhưng cô không ngờ một cháu bé trong xóm khi nhận lì xì đã bóc ngay tại chỗ rồi bĩu môi nói: “Cô Tú keo kiệt thế. Chú V. nhà ông K. lì xì cho bọn cháu 100.000 đồng cơ”.
Lúc đó, Hà Tú chỉ biết cười trừ, giải thích là cô mới đi làm nên chưa có nhiều tiền, năm sau sẽ lì xì nhiều hơn. Cô biết trẻ con đôi lúc chưa hiểu chuyện, nhưng mỗi lần nhớ lại câu chuyện Tết năm đó, cô vẫn cảm thấy buồn vì việc lì xì đầu năm bị biến tướng quá nhiều.
Chị Thu Hòa (sống ở Hà Nam) cũng gặp những câu chuyện dở khóc dở cười khi lì xì vào ngày đầu năm. Mỗi dịp Tết đến, chị Hòa để dành khoảng khoảng 7-10 triệu đồng để lì xì cho người thân vì gia đình, họ hàng khá đông con, cháu.
Quan niệm lì xì là tượng trưng cho những lời chúc may mắn đầu năm nên chị Hòa thường tặng cho các cháu phong bao lì xì 20.000-50.000 đồng, các cụ lớn tuổi là khoảng 100.000-200.000 đồng. Cha mẹ, anh chị em trong gia đình sẽ được mừng khoản riêng.
Nhớ lại một lần đi mừng tuổi họ hàng, vì quá đông trẻ nhỏ, chị Hòa phát lì xì cho trẻ với mức chung là 20.000 đồng. Khi đó, chị giật mình vì một bé đã xé ngay bao lì xì, rút tờ tiền và quay lại nói với bố mẹ rằng “có mỗi 20.000 đồng".
“Tôi khá bối rối và chỉ biết cười thông cảm. Khi đó, tôi ‘chữa cháy’ cho bố mẹ cháu bằng cách giải thích với con rằng tuy đồng tiền giá trị ít, nhưng nó sẽ mang lại may mắn cho người được nhận”, chị Hòa kể.
Ngày Tết luôn xuất hiện những câu chuyện khó xử liên quan việc lì xì cho trẻ nhỏ. Ảnh: Shutterstock. |
Không gặp chuyện khó xử khi đi lì xì nhưng chị M.T. (sống ở Hà Nam) lại từng “muối mặt” khi con mình hỏi tiền lì xì trước mặt khách. Chị kể một lần khách đến chơi nhà dịp Tết, trong lúc đang nói chuyện, con liền chạy ra, thì thầm vào tai chị và hỏi: “Bác chưa lì xì cho con hả mẹ?”
Chị T. cau mày, nhắc con không nên hỏi như vậy. Tuy nhiên, vị khách hiểu ý và mừng tuổi con chị ngay sau đó. Điều này khiến chị T. rất khó xử.
“Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản con còn nhỏ, tính lại hiếu động nên không để ý. Sau nhiều lần con có hành động không đúng mực, tôi đã phải xem lại cách dạy con nhận lì xì”, chị M.T. nói.
Từng chứng kiến những lần trẻ cư xử không phải phép khi nhận lì xì, chị Bích Ngọc (sống ở Hà Nội) nói rằng có thể các bạn nhỏ đã quen với những mệnh tiền giá trị lớn nên các em mặc định đó là những điều phải có trong ngày Tết mà vô tình quên đi ý nghĩa của việc lì xì.
Chị nhớ lại một lần đi chúc Tết, thăm hỏi gia đình một người đồng nghiệp, chị bất ngờ khi những đứa trẻ hò reo vì nhà có khách. Sau khi được chị Ngọc lì xì, một số trẻ bóc phong bao, nói rằng "chỉ có từng này". Một bé còn ngồi soạn lại các tờ tiền rồi bình phẩm năm nay không bằng năm ngoái, thậm chí so bì với các bạn được nhiều hơn.
Bàn về việc trẻ xé bao lì xì, chê tiền ít trước mặt khách, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, nhấn mạnh trên thực tế, mọi vấn đề của con trẻ đều phản ánh cách giáo dục, quan điểm, hành động, của cha mẹ trong cuộc sống.
“Ngày Tết, nhiều gia đình đề cao giá trị đồng tiền. Điều này khiến thái độ của con trẻ về vấn đề lì xì cũng thiếu lịch sự hơn hẳn so với những bạn khác”, TS Vũ Thu Hương nói với Zing.
TS Hương nêu rằng nhiều gia đình không quá quan tâm đến việc lì xì, không dạy con về lì xì nên đôi khi các con vừa nhận xong là làm mất luôn, không quan tâm nữa. Nhưng một số nhà lại dạy con rằng con chính là “lao động chính trong ngày Tết” nên khi nhận lì xì từ người lớn, các con sẽ có tâm lý so bì tiền nhiều hay ít, thậm chí vòi vĩnh, đòi khách phải lì xì cho mình.
Theo TS Hương, phần lớn trẻ được nhận lì xì nhưng lại không hiểu hết ý nghĩa của nó. Các con chỉ cho rằng lì xì là một dạng quyền lợi, điều kiện để có được tiền tiêu. Chính điều này khiến việc lì xì mất đi giá trị tốt đẹp vốn có, đôi khi “làm hư” cả trẻ và cha mẹ.
Người lớn cần dạy con về việc nhận lì xì, không nên đánh, mắng con. Ảnh: Edwin Tan. |
Chung quan điểm với TS Vũ Thu Hương, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh chuyên ngành Tâm lý học (Đại học Sư phạm TP.HCM), nêu có 4 yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành, phát triển nhân cách của trẻ. Trong đó, yếu tố gia đình mang màu sắc rõ nét nhất trong giai đoạn dưới tuổi tiểu học.
Do đó, trẻ có thể học hành vi bóc lì xì từ việc quan sát anh chị, người lớn xung quanh - những người thể hiện sự coi trọng tiền bạc hơn là giá trị, ý nghĩa của việc lì xì đầu năm.
Vào ngày Tết, nhiều gia đình cũng xem con mình như cách để “bù lỗ” số tiền mình đã lì xì cho trẻ nhỏ của gia đình khác. Khi con nhận lì xì từ khách, một số phụ huynh ngay lập tức thu hồi lì xì của con, bóc ra để so sánh mệnh giá, thậm chí kèm thêm những lời bình luận như “sao nhà này keo kiệt thế”, “mình mừng tuổi cho nhà này bị hố rồi”...
Một lý do nữa khiến trẻ cư xử chưa đúng khi nhận lì xì là các em chưa được cha mẹ giải thích rõ ý nghĩa của phong tục lì xì đầu năm. Các em không biết rằng lì xì không đơn thuần mang giá trị vật chất, mà là lời chúc may mắn của người lớn dành cho trẻ nhỏ. Từ đó, trẻ sẽ coi trọng giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần của việc lì xì.
Theo anh Tâm An, không riêng việc chê lì xì mà trong mọi tình huống, việc trách mắng, thậm chí dùng vũ lực với con trước mặt người khác là điều không nên, nhất là khi con đang ở lứa tuổi cuối tiểu học, đầu THCS. Đứa trẻ khi bị đánh, mắng trước mặt người lạ sẽ tổn thương lòng tự trọng, từ đó hành vi chống đối sẽ mạnh mẽ hơn.
Giáo dục con không phải ngày một, ngày hai. Cha mẹ không thể nghĩ là chỉ phạt con một lần là xong, hết nghĩa vụ. Để con cư xử đúng mực, cha mẹ cần làm gương, nhắc nhở con thường xuyên, nhất là trước khi Tết đến.
Cha mẹ cũng có thể “tập dợt” cách ứng xử cho con thông qua hình thức đóng vai. Thông qua các bài tập này, bạn hãy dạy con nhận lì xì bằng hai tay, chủ động chúc Tết, cúi đầu cảm ơn…
Trong trường hợp trẻ bóc lì xì trước mặt khách, cha mẹ nên chủ động giải thích, nghiêm túc nhắc nhở cho trẻ hiểu hành vi này là bất lịch sự, thiếu lễ phép, đồng thời gợi ý các con nên chủ động xin lỗi và không tái phạm.
“Với những người là khách, bị trẻ chê mình lì xì ít, bạn có thể nhắc nhở trẻ nhẹ nhàng và trao đổi thêm với phụ huynh của các em để hỏi về quan điểm giáo dục con. Bạn không nên tự ái mà trách móc hoặc quy hết trách nhiệm cho trẻ vì suy cho cùng, trẻ chỉ đang mô phỏng hành vi, lời nói mà mình từng chứng kiến”, anh Tâm An nói thêm.
TS Vũ Thu Hương khuyên rằng trước Tết, cha mẹ nên kể cho con nghe về nguồn gốc, ý nghĩa của việc lì xì. Cụ thể, khi Tết đến xuân về, ông Táo lên chầu trời, việc dưới trần không ai cai quản, quỷ dữ thừa cơ hội gây ra nhiều tai họa. Đặc biệt, với những nhà có trẻ nhỏ, cha mẹ mải sắm Tết, các cháu thường bị quỷ dữ vào phá rối và bắt đi.
Chính vì vậy, ông Táo cho mỗi cháu một đồng xu nhỏ gói trong giấy đỏ và dặn gia đình đặt ở dưới gối khi ngủ. Khi quỷ dữ xuống bắt trẻ, chúng sẽ bị ánh sáng của đồng xu làm chói mắt mà bỏ chạy.
Ngoài câu chuyện trên, cha mẹ cũng nên dạy trẻ rằng không được tiêu tiền lì xì mà nên cất giữ cẩn thận.
Zing giới thiệu đến bạn những cuốn sách nói về ngày Tết của người Việt xưa:
Việt Nam phong tục: Phan Kế Bính miêu tả rất kỹ các phong tục trong họ hàng, gia đình. Từ đó, những lớp trầm tích văn hóa được tôn lên, người đọc có thể cảm nhận được vẻ đẹp phong phú của một nền văn hóa lâu đời.
Hội hè lễ tết của người Việt: GS Nguyễn Văn Huyên đem đến một lối viết phóng khoáng, bay bổng trong các tiểu luận của mình ở Hội hè lễ tết của người Việt. Cuốn sách mở ra một không khí náo nhiệt và đượm màu sắc văn hóa của các ngày lễ Tết trên dải đất hình chữ S này.
Thái An - Lan Anh
Theo: ZINGNEWS.VN |