20/01/2023 (13:23:48)
Quyết định không về quê đón Tết Nguyên đán cùng gia đình, Thái Trân (sinh năm 2001) đã ở lại TP.HCM để làm thêm nhiều công việc khác nhau trong suốt thời gian nghỉ lễ này.
Nhiều sinh viên chọn ở lại TP.HCM để làm thêm vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: Connect times. |
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là năm đầu tiên Thái Trân - sinh viên năm thứ 4 ngành Việt Nam học, ĐH Công nghệ TP.HCM - không về quê đón Tết cùng gia đình.
Trân chọn ở lại TP.HCM trong dịp Tết để làm nhiều công việc khác nhau. Nữ sinh viên mong muốn có thể tận dụng thời gian nghỉ lễ này để kiếm đủ số tiền đóng học phí.
"Trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, em đã xin gia hạn thời gian đóng học phí ở trường. Để hoàn tất việc đóng học phí của năm học cuối, em còn phải đóng là khoảng 7 triệu đồng. Vì vậy, em đã chọn ở lại TP.HCM làm thêm xuyên Tết", Trân nói.
Cuối năm 2022, Thái Trân thực tập ở một công ty liên quan đến quảng cáo tại TP.HCM. Hiện tại, Trân đã trở thành nhân viên chính thức ở công ty này. Do tính chất công việc không yêu cầu làm toàn thời gian trong tuần, Trân đã đăng ký làm thêm 2 công việc khác là mẫu nail tự do và phụ việc cho các hướng dẫn viên đi tour ở TP.HCM.
Thái Trân - sinh viên năm thứ 4 ngành Việt Nam học - ĐH Công nghệ TP.HCM ở lại TP.HCM làm việc xuyên Tết để chuẩn bị đủ tiền đóng học phí. |
Khoảng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, Thái Trân đã duy trì cùng lúc cả 3 công việc trên để tăng thu nhập. Nữ sinh viên hy vọng sẽ chuẩn bị đủ số tiền đóng học phí còn lại trước khi kết thúc kỳ nghỉ Tết.
Năm nay, Vũ Đoàn Thu Phương - sinh viên năm thứ nhất, ĐH Văn Lang - cũng không về Thái Bình đón Tết cùng gia đình. Phương chọn ở lại TP.HCM để kiếm thêm thu nhập thông qua công việc phục vụ ở một quán cà phê. Nữ sinh viên không muốn chi trả số tiền lớn để di chuyển về quê ăn Tết trong khi gia đình đang gặp nhiều khó khăn.
Ở thành phố, dịp Tết Nguyên đán, mức lương phục vụ tại quán cà phê của Phương đã tăng gấp đôi. Theo đó, ngày thường, Phương chỉ nhận được 20.000 đồng/giờ làm việc. Nhưng từ ngày 21 tháng chạp đến mùng 8 tháng giêng, mức lương của Phương tăng lên 40.000 đồng/giờ.
Tương tự Phương, thu nhập từ công việc làm thêm ở nhà hàng trong dịp Tết Nguyên đán của Hồ Thị Thu Hiền - sinh viên năm thứ 3 ngành Du lịch, ĐH Công nghiệp TP.HCM - cũng tăng gấp 3 so với ngày thường.
Với các đầu việc bao gồm phục vụ, dọn bàn, rửa dụng cụ, lau chùi, phụ bếp (trong trường hợp nhà hàng đông khách), mức lương theo quy định của Hiền là 23.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, vào các ngày 30 tháng chạp, mùng 1, 2, 3 tháng giêng, Hiền sẽ nhận mức lương là 69.000 đồng/giờ.
Lương tăng nên Thu Hiền hy vọng sẽ chuẩn bị được tối thiểu 5-6 triệu đồng (sau thời gian làm thêm xuyên Tết Nguyên đán) để đóng chi phí tham gia tour thực tập xuyên Việt hoặc tour ở miền Tây và miền Trung của trường vào tháng 2.
"Học phí của em bố mẹ đã chi trả rồi, còn chi phí đi thực tập em muốn tự mình chịu trách nhiệm. Ngoài ra, em cũng muốn phụ giúp kinh tế gia đình nữa", Hiền nói.
Sống xa nhà, Hiền đã thuê phòng cùng 4 người bạn khác ở TP.HCM. Tết đến, các bạn cùng phòng của Hiền đều về quê. Nữ sinh viên phải ở trọ một mình trong suốt thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.
"Do đây là năm đầu tiên em đón Tết xa nhà, em sợ nhất là những lúc phải ở nhà trọ một mình. Em vẫn chưa quen với cảm giác này", Hiền nói.
Hồ Thị Thu Hiền ở lại TP.HCM làm thêm để tự chuẩn bị kinh phí cho chuyến đi tour thực tế sắp tới. |
Nhằm giúp căn phòng có thêm không khí Tết, Hiền đã mua một số loại bánh, kẹo để nhâm nhi mỗi khi tan làm, trở về phòng trọ nghỉ ngơi. Nữ sinh viên cũng đăng ký ca làm việc toàn thời gian tại nhà hàng vào đêm giao thừa để giảm bớt cảm giác lo sợ khi ở trọ một mình.
"Ăn Tết xa nhà nhưng em may mắn là có nhà họ hàng ở TP.HCM luôn. Vì vậy, khi nào tan ca, buồn quá, em sẽ sang nhà họ hàng chơi Tết hoặc gọi điện thoại thoại về gia đình", Hiền nói.
Khác với Hiền, cái Tết Nguyên đán xa nhà lần đầu tiên của Thu Phương lại có thêm cô bạn cùng phòng đồng hành. Những ngày cận Tết, khi không phải làm việc, Phương và bạn cùng phòng đi dạo và mua sắm một vài bộ quần áo với nhau. Thời điểm giao thừa sắp tới, Phương sẽ ở nhà, gọi điện thoại về chúc Tết gia đình.
Thái Trân cũng dự định gọi điện thoại chúc mừng năm mới gia đình vào thời khắc giao thừa. Sau đó, nữ sinh viên sẽ cùng một vài bạn bè đi xem bắn pháo hoa để cảm nhận rõ hơn không khí Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
"Vì hai người bạn cùng phòng của em đã về quê, tan làm về phòng trọ, đôi khi, em cũng thấy buồn. Nhưng em còn có bạn bè ở TP.HCM, hôm nào buồn quá, tan ca em sẽ rủ bạn bè đi chơi, uống nước. Sau Tết Nguyên đán, em sẽ về quê là tỉnh Cà Mau để ăn Tết muộn cùng gia đình", Thái Trân nói.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc bộ sách EQ - IQ: Giúp trẻ làm chủ cảm xúc được viết theo phương pháp tâm thể (sophrology). Bộ sách này sẽ giúp độc giả trả lời câu hỏi rằng "liệu có cách nào hiệu quả để giúp các em hiểu rõ những cảm xúc tự nhiên đang xuất hiện trong lòng, từng bước điều hòa và bày tỏ chúng theo cách có lợi nhất cho sức khỏe tinh thần của bản thân?".
Tám cuốn sách trong bộ sách này với hình minh họa dễ thương sẽ lần lượt kể cho trẻ nghe câu chuyện cảm xúc của mèo con ngộ nghĩnh, lồng ghép trong đó là những bài học, lời khuyên và giải pháp để các em biết cách đối diện với nỗi sợ, nỗi lo lắng, cơn giận, niềm vui cũng như nhiều cảm xúc khác.
Minh Uyên
Ảnh: NVCC
Theo: ZINGNEWS.VN |