18/01/2023 (14:08:18)
Tiếng Hàn là ngôn ngữ được học nhiều thứ 7 trên ứng dụng học tập Duolingo và nó đạt được thành công ở một số khu vực Nam và Đông Nam Á.
Người hâm mộ Nhật Bản của nhóm nhạc K-pop BTS tại một quán cà phê có bán đồ của BTS ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Kim Hong-Ji/Reuters. |
Theo CNN, đây là một trong những ngôn ngữ phát triển nhanh nhất trên thế giới, vượt xa các đối thủ truyền thống như tiếng Trung Quốc ở nhiều thị trường, nó phản ánh hiện tượng toàn cầu mà nhiều người gọi là “làn sóng Hàn Quốc”.
Vào năm 2022, tiếng Hàn là ngôn ngữ được học nhiều thứ 7 trên ứng dụng học tập Duolingo, theo báo cáo ngôn ngữ hàng năm của công ty. Và nó đạt được thành công ở một số khu vực Nam và Đông Nam Á, là ngoại ngữ được học nhiều nhất ở Philippines.
Theo báo cáo ngôn ngữ, tiếng Hàn là ngôn ngữ châu Á được học nhiều thứ hai trên Duolingo, chỉ sau tiếng Nhật.
Các chuyên gia và giáo viên cho rằng sự quan tâm ngày càng tăng này là nhờ làn sóng Hàn Quốc, hay còn gọi là “hallyu” - sự phát triển của văn hóa Hàn Quốc trên phạm vi quốc tế.
Hai thập kỷ qua đã chứng kiến hàng xuất khẩu của Hàn Quốc càn quét thế giới, từ K-pop và phim truyền hình Hàn Quốc đến các sản phẩm làm đẹp, thời trang và thực phẩm.
Hiện tượng này được hỗ trợ bởi chính phủ Hàn Quốc, chính phủ này đã nỗ lực truyền bá ảnh hưởng văn hóa của đất nước thông qua âm nhạc và truyền thông từ những năm 1990. Giờ đây, tiếng Hàn có thể là mặt hàng xuất khẩu tiếp theo vươn ra toàn cầu.
Joowon Suh, Giám đốc chương trình ngôn ngữ Hàn Quốc tại ĐH Columbia, cho biết so với thời điểm bà bắt đầu sự nghiệp, nhận thức về Hàn Quốc với tư cách là một quốc gia, văn hóa và xã hội Hàn Quốc cũng như ngôn ngữ Hàn Quốc đã trải qua một sự thay đổi tích cực và đáng kể.
Trong nhiều thập kỷ, việc học ngôn ngữ Đông Á ở nước ngoài hầu hết chỉ giới hạn ở tiếng Quan Thoại và tiếng Nhật.
Nhưng điều đó đã bắt đầu thay đổi trong thập kỷ qua sau những hit lớn của các nghệ sĩ và đạo diễn Hàn Quốc, chẳng hạn bài hát "Gangnam Style" năm 2012 của Psy hay phim kinh dị "Ký sinh trùng" năm 2019 và sự xuất hiện của BTS - những ngôi sao toàn cầu lớn nhất của K-pop.
Các số liệu cho thấy sự quan tâm đến ngôn ngữ này tăng đột biến trong cùng thời kỳ. Số lượng sinh viên theo học các lớp tiếng Hàn tại các cơ sở giáo dục đại học ở Mỹ tăng vọt từ 5.211 (năm 2002) lên gần 14.000 (năm 2016), theo dữ liệu được phân tích bởi Hiệp hội Ngôn ngữ hiện đại.
Nhóm nhạc K-pop BTS tại Lễ trao giải Grammy lần thứ 64 ở Las Vegas (Mỹ) vào ngày 3/4/2022. Ảnh: Yonhap. |
Bước nhảy vọt này rất ấn tượng vì tiếng Hàn không dễ học đối với những người không phải là người bản xứ. Bộ Ngoại giao Mỹ liệt kê tiếng Hàn là ngôn ngữ siêu khó, nghĩa là nó đặc biệt khó đối với người nói tiếng Anh và họ phải mất trung bình 88 tuần để đạt được trình độ làm việc chuyên nghiệp.
Tiếng Hàn hiện đại tuân theo một bảng chữ cái ngữ âm gọi là Hangul, nghĩa là các âm tiết thường được phát âm khi chúng được viết, nó không giống các ngôn ngữ phi ngữ âm như tiếng Trung Quốc, sử dụng các ký hiệu để biểu thị ý nghĩa cụ thể.
Suh, giảng viên Columbia, cho biết lần đầu tiên cô nhận thấy sự quan tâm học tiếng Hàn tăng lên vào khoảng năm 2015, nhưng nó đã tăng tốc trong 3-4 năm qua. Cô cho biết số lượng sinh viên Columbia đăng ký các khóa học tiếng Hàn đã tăng 50% từ năm học 2017 đến 2021.
Các ngôn ngữ phổ biến khác đã chứng kiến số lượng ổn định hoặc giảm trong thập kỷ qua. Chẳng hạn, sinh viên Mỹ theo học các lớp tiếng Trung đã tăng đáng kể từ năm 2002 đến năm 2013, giai đoạn được đánh dấu bởi sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Ngôn ngữ Hiện đại, số lượng đăng ký học tiếng Trung đã giảm vào năm 2016, trùng hợp với sự xấu đi của quan hệ Mỹ-Trung và nhận thức ngày càng tồi tệ về Trung Quốc ở phương Tây do các cáo buộc vi phạm nhân quyền của nước này.
“Mối quan tâm của sinh viên đối với việc học ngoại ngữ ở giáo dục đại học Mỹ có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào nhận thức hoặc danh tiếng của một quốc gia về kinh tế và địa chính trị, chẳng hạn Trung Quốc, Nga hoặc Bồ Đào Nha,” cô Suh nói.
Tương tự, tại Vương quốc Anh, số lượng sinh viên đại học tham gia các khóa học tiếng Hàn đã tăng gấp 3 lần từ năm 2012 đến năm 2018, theo Hội đồng ngôn ngữ hiện đại của trường đại học, so với mức tăng chỉ 5% đối với tiếng Trung và sự sụt giảm ở một số ngôn ngữ châu Âu như tiếng Pháp và tiếng Đức.
Sự phổ biến mới của tiếng Hàn không phải ngẫu nhiên, với việc các nhà chức trách Hàn Quốc chớp lấy cơ hội để quảng bá ngôn ngữ của họ nhờ xuất khẩu thành công hơn.
"Chính làn sóng Hallyu đã thuyết phục các nước châu Á ở cấp độ xã hội rằng Hàn Quốc thực sự là một phần của thế giới phương Tây phát triển,” John Walsh cho biết trong cuốn sách năm 2014 của ông về hiện tượng này.
Ông viết sự thay đổi trong nhận thức này đã thúc đẩy khả năng của chính phủ trong việc theo đuổi lợi ích quốc gia trong các lĩnh vực ngoại giao, đầu tư, giáo dục và thương mại.
Trong thập kỷ qua, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã cử giáo viên ra nước ngoài, trong đó có vài chục giáo viên tới Thái Lan vào năm 2017 để dạy ngôn ngữ này tại các trường THCS và THPT.
Một màn hình tại lớp học song ngữ Hàn - Anh tại trường Cộng đồng Porter Ranch ở Los Angeles (Mỹ) được chụp vào tháng 9/2016. Ảnh: AP. |
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, trong những năm gần đây, nhiều quốc gia bao gồm Lào, Myanmar và Thái Lan đã chính thức sử dụng tiếng Hàn như một ngoại ngữ trong chương trình giảng dạy ở trường học, theo các thỏa thuận đã ký với Bộ Giáo dục Hàn Quốc.
Trong khi đó, Viện King Sejiong, thương hiệu dạy tiếng Hàn do chính phủ thành lập, đã xây dựng 244 trung tâm học tập trên toàn thế giới.
Về lâu dài, các khóa học tiếng Hàn trong chương trình giảng dạy của trường học địa phương sẽ là một bước để bồi dưỡng các chuyên gia Hàn Quốc, qua đó tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa Hàn Quốc và các quốc gia khác.
Giám đốc chương trình ngôn ngữ Suh cảnh báo làn sóng Hàn Quốc có nguy cơ đơn giản hóa quá mức các sắc thái của văn hóa và xã hội Hàn Quốc, chẳng hạn sự khác biệt khu vực hoặc xung đột giai cấp, đồng thời tôn vinh bất cứ thứ gì về Hàn Quốc mà không hiểu đầy đủ về lịch sử của nó.
Tuy nhiên, cô ấy nói thêm sự đơn giản hóa này thực sự có thể mang lại lợi ích cho chính phủ Hàn Quốc khi họ mở rộng ảnh hưởng của mình vì điều mà bất kỳ quyền lực mềm đang lên nào cũng có thể phải trải qua.
Các chuyên gia cho biết sinh viên có nhiều lý do khác nhau để theo đuổi tiếng Hàn mặc dù một số xu hướng nhất định đã xuất hiện giữa các khu vực và sắc tộc.
“Làn sóng Hàn Quốc là một yếu tố quan trọng đối với những sinh viên phi di sản", cô Suh nói, đề cập đến những người không có nguồn gốc hoặc dân tộc Hàn Quốc, những người chỉ đơn giản quan tâm đến các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc như phim ảnh và K-pop.
Trong khi đó, sinh viên gốc Hàn Quốc có xu hướng tham gia các lớp học tiếng Hàn vì những lý do hòa nhập hơn, chẳng hạn muốn sống ở Hàn Quốc, để kết nối tốt hơn với cộng đồng và gia đình của họ, hoặc để khám phá bản sắc đất nước của chính họ.
Jiyoung Lee, trợ giảng tại Khoa Nghiên cứu Đông Á của Đại học New York, đã chỉ ra sự gia tăng của các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram và TikTok. Bà cho biết những điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu văn hóa quốc tế và ảnh hưởng lớn đến số lượng người học tiếng Hàn.
Nhưng Lee, người trước đây đã dạy tiếng Hàn ở Indonesia và Hàn Quốc, cũng nhận thấy sự khác biệt giữa sinh viên ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Sinh viên Mỹ có xu hướng học tiếng Hàn vì họ quan tâm hơn đến việc thưởng thức văn hóa. Mặt khác, họ muốn nói chuyện với các ca sĩ hoặc diễn viên yêu thích.
Squid Game giúp Lee Jung Jae được đề cử nam diễn viên chính xuất sắc tại Quả cầu vàng. Ảnh: Netflix. |
Ngược lại, sinh viên ở Đông Nam Á chủ yếu học tiếng Hàn để kiếm việc làm ở Hàn Quốc hoặc tại một công ty Hàn Quốc ở nước họ.
Chẳng hạn, gã khổng lồ giải trí Hàn Quốc SM Entertainment đang mở rộng sang Đông Nam Á với trụ sở mới ở Singapore. Trong khi đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 của Hàn Quốc có hơn 180 cửa hàng tại Việt Nam và chuẩn bị khai trương tại Malaysia trong năm nay, theo Yonhap.
Việc mở rộng kinh doanh và văn hóa đại chúng của Hàn Quốc cũng có thể thúc đẩy giới trẻ Đông Nam Á đến du lịch Hàn Quốc. Người Đông Nam Á chiếm hơn 40% sinh viên nước ngoài tại Hàn Quốc và 30% cư dân nước ngoài ở nước này nói chung, theo Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế.
Jeffrey Holliday, giảng viên ngôn ngữ Hàn Quốc tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul (với các lớp dạy bằng tiếng Anh), cho biết khoảng 40% sinh viên của ông là sinh viên trao đổi, chủ yếu đến từ Mỹ. Ông nói những sinh viên này là sinh viên đại học, chỉ ở Seoul trong một vài học kỳ và gần như tất cả đều là những người hâm mộ cuồng nhiệt văn hóa đại chúng Hàn Quốc như K-pop.
Trong khi đó, các sinh viên nước ngoài tốt nghiệp của ông, những người có xu hướng học toàn thời gian ở đó và đang tìm kiếm việc làm ở Hàn Quốc, phần lớn đến từ Trung Quốc và Việt Nam.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.
Lan Anh
Theo: ZINGNEWS.VN |