Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Nên làm gì khi con bị bắt nạt học đường

17/01/2023 (19:13:45)

Dạy trẻ báo với người lớn, chuẩn bị kế hoạch đối phó, điều tiết cảm xúc, làm gương cho trẻ là những cách cha mẹ có thể làm để ngăn con bị bắt nạt hoặc trở thành người bắt nạt.

Trẻ có thể trở thành nạn nhân của bắt nạt, nhưng cũng có thể trở thành người bắt nạt nếu không được ngăn chặt kịp thời. Ảnh: Espreso.

Hành vi bắt nạt được trang web của chính phủ Mỹ định nghĩa là sự mất cân bằng quyền lực giữa thủ phạm và nạn nhân, các sự cố bắt nạt thường lặp đi lặp lại hoặc có khả năng lặp lại. Tại Mỹ, theo số liệu từ trung tâm Thống kê Giáo dục quốc gia, cứ 5 học sinh thì có một em bị bắt nạt, theo CNN.

Ảnh hưởng

Bà Amanda McGough, nhà tâm lý học lâm sàng, chủ tịch tổ chức Phòng chống tự kỷ Mỹ, cho biết các nạn nhân bị bắt nạt có thể gặp phải những tác động tiêu cực trên tất cả khía cạnh của cuộc sống.

“Nó xâm phạm đến tinh thần, tình cảm, thể chất, xã hội và học tập của họ. Những đứa trẻ thường xuyên bị bắt nạt có biểu hiện giống như lòng tự trọng thấp, trầm cảm, cô lập, thể chất bị tác động như đau đầu, đau bụng, hoặc trốn tránh đến trường”, bà McGough nói.

Ngoài ra, theo bà Nikki Pagano, nhân viên xã hội lâm sàng được cấp phép ở Charlotte (Mỹ), các tác động của bắt nạt trầm trọng hơn khi có sự xuất hiện của mạng xã hội.

“Trước khi có mạng xã hội, bắt nạt học đường chỉ dừng lại ở mức những tương tác khó chịu. Bây giờ, sự tương tác đó có thể kéo dài ngay cả khi học sinh trở về nhà và chúng không thể tránh khỏi khi mạng xã hội xâm lấn khiến mọi thứ tồi tệ hơn”, bà Pagano nói.

Cha mẹ làm gì khi con là nạn nhân?

Phòng ngừa là trọng tâm của việc giải quyết vấn đề bắt nạt, thay vì chờ đợi phản ứng khi tình tiết bạo lực hơn xảy ra hoặc leo thang dẫn đến tình huống xấu.

Chính phủ Mỹ cung cấp tài nguyên cho các trường học nhằm giáo dục học sinh về bắt nạt cũng như các cách thức để giữ giữ kết nối giữa học sinh và nhân viên. Tuy nhiên, cha mẹ có thể đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn này.

Trong một bài viết trên CNN, bà Michelle Icard, chuyên gia giáo dục, diễn giả về nuôi dạy con cái, khuyên phụ huynh nên bắt đầu bằng cách nói chuyện với con về tầm quan trọng của việc thông báo hành vi bắt nạt cho nhân viên, giáo viên nhà trường.

“Nếu con bạn chứng kiến ​​một học sinh khác bị bắt nạt, trêu chọc, làm nhục, đe dọa hoặc làm tổn thương về thể chất, chúng cũng nên báo cho người lớn biết”, bà Icard nói.

Hầu hết, trẻ em sẽ không thấy thoải mái khi can thiệp nhằm giúp đỡ nạn nhân vào lúc này bởi sợ kẻ bắt nạt trả thù. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể tác động mạnh mẽ và tích cực đến nạn nhân thông qua việc trò chuyện với người bị bắt nạt sau đó.

Phụ huynh hãy dạy trẻ nói điều gì đó mang tính khích lệ, chẳng hạn như “Mẹ đã thấy những gì đã xảy ra và điều đó là không đúng,” hoặc “Những gì người đó nói với con là không đúng". Việc khẳng định giá trị của học sinh khác có thể giúp trẻ không cảm thấy mình hoàn toàn là người ngoài cuộc.

Ngược lại, nếu con bạn cảm thấy bị bắt nạt, chúng phải báo hành vi này với nhà trường, ngay cả khi chúng chỉ cảm thấy thoải mái khi làm điều đó ẩn danh.

Ngoài ra, nhiều trẻ em ở độ tuổi thiếu niên nói rằng việc lập kế hoạch trước về những gì chúng sẽ làm hoặc nói nếu bị ai đó bắt nạt có thể giúp trẻ tránh bị nhắm mục tiêu thêm.

bat nat hoc duong anh 1

Dạy trẻ nếu chúng cảm thấy bị bắt nạt, hãy báo ngay hành vi này với người lớn. Ảnh: Paxels.

Nếu con là người bắt nạt?

Trong trường hợp nghi ngờ con có hành vi bắt nạt, cha mẹ nên giúp chúng điều tiết cảm xúc. Nghiên cứu cho thấy các kỹ năng đối phó được dạy trong liệu pháp nhận thức - hành vi có thể giúp trẻ kiểm soát cảm xúc của họ và đối phó với vấn đề một cách tích cực, mang lại lợi ích cho họ.

Phụ huynh hãy tiếp cận chúng bằng cách đặt câu hỏi trước về quan điểm của chúng đối với tình huống đó. Hãy nói rõ những kỳ vọng của cha mẹ về cách con đối xử với người khác, đảm bảo chính cha mẹ đang làm gương cho điều này.

"Giúp con cái hiểu rằng lời nói và hành động của chúng ảnh hưởng đến người khác và đặt ra những hậu quả rõ ràng nếu hành vi bắt nạt vẫn tiếp diễn”, McGough khuyên.

Nếu tình trạng bắt nạt kéo dài, bà McGough nhấn mạnh cha mẹ cần hành động nhiều hơn, có thể cần tham khảo ý kiến ​​của chuyên gia sức khỏe tâm thần bởi tình trạng sức khỏe tâm thần có thể góp phần vào hành vi bắt nạt.

Nếu không chắc chắn con có phải là kẻ bắt nạt hay không, phụ huynh có thể theo dõi các dấu hiệu dưới đây và ngăn chặn kịp thời:

  • Tham gia bắt nạt thể chất hoặc lời nói
  • Có bạn bè bắt nạt người khác
  • Tính cách ngày càng hung hăng
  • Thường xuyên phải gặp thầy hiệu trưởng về các vấn đề tiêu cực
  • Có thêm tiền hoặc đồ đạc mới không giải thích được.
  • Đổ lỗi cho người khác về vấn đề của bản thân
  • Không nhận trách nhiệm cho hành động của mình
  • Đang cạnh tranh hoặc lo lắng về danh tiếng hoặc sự nổi tiếng tại trường.

“Thông thường, có điều khác lạ xảy ra với những đứa trẻ, chúng có thể đã bị bắt nạt, cảm thấy không được bạn bè chấp nhận, hoặc xuất hiện những thử thách với chúng ở trường. Nếu can thiệp kịp thời, đây có thể là cơ hội để đứa trẻ nhận được sự giúp đỡ, đồng thời ngăn chặn hành vị bắt nạt”, bà Pagano phân tích.

Phương pháp nuôi dạy trẻ tự chủ

Không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của trẻ, từ bỏ thói quen dùng hình phạt với con là những phương pháp nuôi dạy trẻ trưởng thành một cách khoa học, văn minh. Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về phương pháp nuôi dạy trẻ tự chủ, quý độc giả có thể tham khảo tại đây.

Ngọc Bích

Theo: ZINGNEWS.VN


Giáo dục (Tin trước)