Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Cá hồi sắp thoát mác thực phẩm không lành mạnh

01/10/2022 (12:08:49)

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vừa đề xuất thay đổi về định nghĩa có lợi. Theo đó, cá hồi sẽ được đánh giá cao hơn sữa chua có đường.

Tiêu chuẩn mới liên quan thực phẩm lành mạnh sẽ thay đổi chế độ ăn của nhiều người. Ảnh: maddi_bazzocco.

Cụ thể, FDA đã công bố một đề xuất mới rằng sẽ thay đổi tiêu chí đối với thực phẩm đóng gói vốn được cơ quan này coi là “tốt cho sức khỏe”. Hành động này nhằm nỗ lực hiện đại hóa cách tiếp cận dinh dưỡng và giảm nguy cơ mắc bệnh liên quan đến chế độ ăn uống.

Theo quy định hiện nay của cơ quan này, khoảng 5% thực phẩm đóng gói được dán nhãn “lành mạnh”. Định nghĩa này được đặt ra vào năm 1994, cho phép các nhà sản xuất thực phẩm thêm từ “lành mạnh” vào sản phẩm của họ.

Điều kiện được nêu ra là sản phẩm có một lượng giới hạn về tổng chất béo, chất béo bão hòa, cholesterol và natri (muối), đồng thời cung cấp ít nhất 10% giá trị hàng ngày của một hoặc nhiều chất dinh dưỡng sau: Vitamin A, vitamin C, canxi, sắt, protein hoặc chất xơ.

thuc pham lanh manh anh 1

Các loại rau và trái cây đủ điều kiện trở thành thực phẩm lành mạnh theo tiêu chuẩn mới. Ảnh minh họa: anna_pelzer.

Trong đó, hải sản, thịt thú săn và trái cây, rau củ có các tiêu chí khác nhau.

Năm 2016, FDA đã cập nhật hướng dẫn của mình và cho phép một số thực phẩm chứa nhiều chất béo hơn nhưng cung cấp ít nhất 10% giá trị hàng ngày của vitamin D hoặc kali.

Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng là hiện định nghĩa này không có giới hạn về lượng đường bổ sung - một thiếu sót FDA tin rằng không phù hợp với khoa học dinh dưỡng ngày nay.

Tiêu chuẩn mới mang lại lợi ích cho người tiêu dùng

Tiến sĩ Dariush Mozaffarian, bác sĩ tim mạch và giáo sư dinh dưỡng tại trường Khoa học và Chính sách Dinh dưỡng Tufts Friedman, cho biết: “Quy tắc cũ đã lỗi thời. Bạn thậm chí có thể tạo ra một loại thực phẩm làm từ nguyên liệu đột biến nhưng vẫn đáp ứng các tiêu chí dinh dưỡng và được dán nhãn là tốt cho sức khỏe. Tôi nghĩ đây là một tiến bộ lớn".

Quy tắc mới được FDA đề xuất trùng với thông tin từ Hội nghị của Nhà Trắng về vấn đề dinh dưỡng và sức khỏe. Tại đây, các chuyên gia và quan chức Mỹ đã đưa ra một giới hạn mới đối với đường bổ sung.

Theo đó, lượng đường bổ sung của một thực phẩm tốt cho sức khỏe sẽ không quá 2,5 g trên mỗi khẩu phần. Con số này có thể khác nhau tùy thuộc vào loại thực phẩm.

Ngoài ra, quy định mới cũng hạn chế lượng natri không quá 230 mg trên mỗi khẩu phần và bị giới hạn về chất béo bão hòa. Tương tự, các tiêu chí này có thể thay đổi tùy thuộc vào từng loại thực phẩm.

Ví dụ, một khẩu phần sữa chua 6 ounce (khoảng 180 ml) sẽ không đạt tiêu chuẩn là “lành mạnh” theo quy định mới nếu nó chứa lượng đường bổ sung cao hơn 2,5 g hoặc trên 5% giá trị dinh dưỡng hàng ngày.

Một bữa tối chế biến từ thực phẩm đông lạnh gồm cá hồi, đậu xanh và gạo lứt sẽ không được coi là “lành mạnh” nếu nó chứa nhiều hơn 4 g chất béo bão hòa.

Định nghĩa mới nhằm khuyến khích việc ăn uống lành mạnh bằng cách ưu tiên kết hợp nhiều loại rau, trái cây, ngũ cốc, sữa, protein và một số loại dầu, bao gồm cả dầu thực vật.

Một thực phẩm “lành mạnh” sẽ cần bao gồm một lượng tối thiểu của một trong những nhóm thực phẩm trên nhưng vẫn đảm bảo dưới các giới hạn được đề xuất đối với chất béo bão hòa, natri và đường bổ sung.

Từ quy định này, toàn bộ trái cây và rau sống nghiễm nhiên được đánh giá đủ điều kiện.

Thay đổi những biểu tượng của sự lành mạnh

Marion Nestle, giáo sư dinh dưỡng, nghiên cứu thực phẩm và sức khỏe cộng đồng tại Đại học New York, nhận định: “Những tiêu chí mới sẽ thay đổi thực tế về những thực phẩm vốn được coi là biểu tượng của sự lành mạnh. Nhiều loại ngũ cốc có đường, thanh granola, sữa chua có độ ngọt cao hay bánh mỳ trắng vốn đủ tiêu chuẩn là ‘lành mạnh’ sẽ bị loại bỏ theo quy định mới”.

Mặt khác, một số sản phẩm nước uống, quả bơ, hạt hay các loại cá béo như cá hồi và một số loại dầu trước đây không đủ tiêu chuẩn là “lành mạnh” sẽ có thể được phân loại khác theo hướng dẫn mới.

thuc pham lanh manh anh 2

Cá hồi có thể được phân loại thành thực phẩm lành mạnh theo quy định mới. Ảnh minh họa: ca_creative.

Định nghĩa mới về lành mạnh nhấn mạnh việc đánh giá liệu một loại thực phẩm có phù hợp với một mô hình ăn uống khoa học về tổng thể hay không, thay vì chỉ tập trung vào các chất dinh dưỡng riêng lẻ của một loại thực phẩm.

Ví dụ, cá hồi không được coi là “lành mạnh” theo định nghĩa cũ vì nó có nhiều chất béo. Tuy nhiên, loại thực phẩm này sẽ có được sự đánh giá là “lành mạnh” theo tiêu chuẩn mới vì nó giàu axit béo omega-3, protein có lợi, ít chất béo bão hòa và cholesterol.

Tiến sĩ Selvi Rajagopal, trợ lý giáo sư y khoa tại Johns Hopkins Medicine, nhà ngoại giao của Hội đồng Y khoa Béo phì Mỹ, cho biết: “Khi tôi đọc về đề xuất mới, tôi đã nghĩ cái này hay đấy. Tôi rất hài lòng”.

Tuy nhiên, tiến sĩ Peter Lurie, Giám đốc điều hành và Chủ tịch Trung tâm Khoa học vì Lợi ích Cộng đồng, cho biết cơ quan này sẽ xin thêm ý kiến từ các chuyên gia y tế bên ngoài và công chúng trước khi đưa tiêu chí mới vào thực tế. Ông nói thêm quá trình này có thể sẽ mất khoảng một năm hoặc hơn.

Vị lãnh đạo này cũng đánh giá cao một số khía cạnh của bản cập nhật được đề xuất, nhất là giới hạn về lượng đường bổ sung.

Tiến sĩ Lurie nhấn mạnh vấn đề cần lưu ý với nhãn dán trên các loại thực phẩm hiện nay đều mang tính tự nguyện. Tuy nhiên, thực tế là người tiêu dùng có thể cho rằng các loại thực phẩm không có nhãn “lành mạnh” sẽ không có lợi cho sức khỏe. Đây là quan niệm không chính xác.

“Về mặt này, nó cho phép ngành công nghiệp tự ý quyết định những gì cần truyền tải đến người tiêu dùng, trái ngược với việc cung cấp cho người tiêu dùng những gì họ muốn", ông nói.

Thay vào đó, tiến sĩ Lurie và những chuyên gia khác trong lĩnh vực dinh dưỡng đang thúc đẩy các nhãn dinh dưỡng cần mang tính bắt buộc, được tiêu chuẩn hóa trước khi chúng xuất hiện trên mặt trước của các gói thực phẩm.

Trong khi đó, cơ quan này hy vọng một định nghĩa cập nhật sẽ giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định ăn kiêng tốt hơn, giúp giảm tỷ lệ mắc các bệnh mạn tính liên quan đến chế độ ăn uống như bệnh tim mạch và tiểu đường loại 2.

Theo số liệu thống kê của FDA, hơn 80% người sống ở Mỹ hiện không có đủ rau, trái cây và sữa trong chế độ ăn uống của họ.

Tiến sĩ Rajagopal nói: “Hiện chúng ta có rất nhiều luồng thông tin trái chiều về điều gì tốt và điều gì không tốt. Tuy nhiên, người tiêu dùng bình thường lại không có đủ cơ sở để kiểm chứng về chính những thứ mình ăn hàng ngày”.

Quốc Toàn

Theo: ZINGNEWS.VN


Sức khỏe (Tin trước)


Cryptocurrency USDT-BTC on BITTREX

Last
Bid
Ask
High
Low
Vol. BTC
Vol. USDT
Open Buy
Open Sell
Sức khỏe (Tin mới)
Sức khỏe (Tin trước)
Call +84.99.6656.999 for ADS 05