Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Bé trai ở Nghệ An tử vong sau khi bị chó dại cắn

21/03/2023 (20:15:55)

Bệnh nhi không được tiêm phòng vaccine dại sau khi tiếp xúc động vật bị bệnh.

Ngày 21/3, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, thông tin gần đây, đơn vị này tiếp nhận 2 bệnh nhi đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, nghi do chó dại cắn.

Gần nhất là bệnh nhi V.Q.H. (9 tuổi, trú tại huyện Tân Kỳ) nhập viện với chẩn đoán bị bệnh dại vào ngày 10/3. Bé H. không được tiêm phòng vaccine dại sau khi tiếp xúc động vật bị bệnh. Bệnh nhi nhập viện khi đã muộn nên không còn cơ hội cứu chữa.

Vào cuối tháng 2, đơn vị này cũng tiếp nhận bệnh nhi L.B.T. (3 tuổi, trú tại huyện Quế Phong) xuất hiện nôn nhiều, nôn tự nhiên kèm co giật. Gia đình đã cho trẻ tới Trung tâm y tế huyện Quế Phong thăm khám. Sau đó, trẻ nhanh chóng được chuyển tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An điều trị trong tình trạng suy hô hấp, co giật kéo dài, xuất tiết nhiều đờm dãi, sợ gió, sợ nước.

Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp nghi ngờ bệnh dại. Qua khai thác tiền sử, trẻ thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo. Cách ngày nhập viện một tháng, gia đình trẻ có một con chó chết không rõ nguyên nhân. Sau khi vào bệnh viện, bệnh nhi được các bác sĩ cứu chữa tận tình nhưng bé T. không qua khỏi.

Theo tiến sĩ, bác sĩ nội trú Trần Văn Cương, Trưởng khoa Cấp cứu, việc gia đình nuôi con vật trong nhà (nhất là vật nuôi khi chưa được tiêm phòng) và để trẻ thường xuyên tiếp xúc với chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Do thời gian ủ bệnh dại khá dài (2-8 tuần, có thể kéo dài đến một năm), nhiều cha mẹ không để ý đến những tổn thương trên cơ thể trẻ. Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ của vết thương, vị trí và lượng virus dại được truyền sang người.

Dại khi đã lên cơn thì tỷ lệ tử vong là gần 100%. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi bị chó, mèo cắn, cào, người dân cần sơ cứu vết thương đúng cách. Tiêm vaccine phòng dại vẫn là biện pháp duy nhất và hiệu quả để phòng ngừa bệnh cho người bị chó, mèo cắn.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, người bệnh cần bình tĩnh thực hiện:

- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, bạn phải rửa vết thương bằng nước sạch.

- Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín.

- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

Sinh tố hay nước ép tốt hơn cho sức khỏe? Nhiều người vẫn thường nhầm lẫn giữa 2 khái niệm này nhưng chúng không phải là một. Cuốn sách Smoothie: Giải pháp từ thiên nhiên giúp giảm cân, thải độc, phòng bệnh, sống lâu của tác giả Farnoóh Brock sẽ cung cấp kiến thức về sinh tố. Nó cũng đưa ra lời khuyên trong việc làm và sử dụng sinh tố sao cho có ích cho sức khỏe.

Phương Anh

Theo: ZINGNEWS.VN


Sức khỏe (Tin trước)