28/03/2023 (08:03:49)
Theo bác sĩ Trọng Hưng, mức tiêu thụ đồ uống có đường gia tăng nhanh là yếu tố quan trọng góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa ở Việt Nam.
Năm 2020, sản lượng nước giải khát và nước ngọt có ga đạt khoảng 3,3 tỷ lít và 1,5 tỷ lít. Ảnh: Grupaeurocash. |
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết năm 2020, sản lượng nước giải khát và nước ngọt có ga đạt khoảng 3,3 tỷ lít và 1,5 tỷ lít. Đáng chú ý, độ tuổi 15-45 (hơn 46% dân số) có nhu cầu cao về các loại nước giải khát và là đối tượng đích của các nhà sản xuất.
Trung bình một người tiêu thụ khoảng 46,5 g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50 g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo dưới 25 g/ngày của Tổ chức Y tế thế giới.
Trao đổi với Zing, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết đồ uống có đường liên quan nhiều bệnh tật không lây nhiễm hiện nay như thừa cân béo phì, sâu răng, đái tháo đường type 2, tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, các rối loạn chuyển hóa, một số bệnh ung thư...
Ông cho hay rất đồng tình với đề xuất tất cả đồ uống có đường theo định nghĩa của WHO đều cần chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Y tế.
"Mức tiêu thụ đồ uống có đường gia tăng nhanh là yếu tố quan trọng góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa ở Việt Nam. Chúng ta đang phải 'trả giá' bằng sức khỏe khi số lượng bệnh nhân mắc những căn bệnh trên ngày càng nhiều hơn", TS Nguyễn Trọng Hưng nói.
Ông nhấn mạnh các cơ quan, tổ chức đã truyền thông rất nhiều nhưng hiệu quả chưa rõ rệt. Việc đánh thuế, có chế tài là biện pháp mạnh, có thể nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Người dân cũng sẽ có ý thức hơn trong việc sử dụng.
"Vào các siêu thị sẽ chỉ thấy thấy nước ngọt, rất ít đồ uống lành mạnh. Tôi đề nghị cần có quy định ghi nhãn trên mỗi sản phẩm đầy đủ hơn về hàm lượng đường, cung cấp bao nhiêu % nhu cầu cơ thể để người dân có thể tự tính toán sao cho hợp lý", trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho hay.
Ông cũng chia sẻ bản thân khi muốn tìm thông tin để hướng dẫn người bệnh sử dụng các loại đồ uống có đường cũng không có số liệu để tham khảo.
Theo bác sĩ Trọng Hưng, WHO khuyến cáo ở cả người lớn và trẻ em, giảm lượng đường tự do ăn vào dưới 10% tổng năng lượng ăn vào hàng ngày, tương đương với 12 thìa cà phê đường. Đặc biệt, mỗi người tốt nhất nên giảm thêm lượng đường tự do ăn vào xuống dưới 5% (6 thìa cà phê đường) tổng năng lượng ăn vào tốt hơn cho sức khỏe. Những người có bệnh lý cần được khuyến nghị đầy đủ bởi các chuyên gia.
WHO khuyến cáo ở cả người lớn và trẻ em, giảm lượng đường tự do ăn vào dưới 10% tổng năng lượng ăn vào hàng ngày. Ảnh: Allmacwallpaper. |
Ông phân tích một người bình thường, khỏe mạnh mỗi ngày cần khoảng 1.600 kcal là đủ nhu cầu về đường. Lượng tốt hơn cho sức khỏe là 20 g. Nếu bạn sử dụng một lon nước ngọt 330 ml hay một lon bò húc 250 ml, chúng đã cung cấp khoảng 39 g đường, rất ít giá trị dinh dưỡng khác. Bạn chỉ uống một lon nước ngọt gần như đã đủ nhu cầu lượng đường đơn trong cả ngày.
Cùng với lượng đường tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm, việc bổ sung đường từ các loại đồ uống khác sẽ làm tăng tổng hàm lượng nên nạp và vượt quá lượng đường được khuyến cáo.
"Chúng ta không cấm người dân sử dụng nhưng nên dùng sao cho hợp lý, linh hoạt. Bạn nên cộng cả lượng đường có trong thực phẩm tự nhiên thay vì chỉ tính đường trong các loại đồ uống", bác sĩ Hưng nói.
Một số người vì muốn giảm cân nên đã cắt bỏ hoàn toàn đồ uống có đường trong thực đơn. Theo vị chuyên gia này đây là thói quen tốt nhưng không nên thái quá.
"Bạn không uống nước ngọt, đồ uống có đường nhưng vẫn ăn rất nhiều hoa quả thì chúng không có tác dụng. Việc hạn chế là tốt nhưng quan trọng bạn vẫn cảm thấy thoải mái, không căng thẳng và vẫn trong giới hạn cho phép", bác sĩ Hưng nói.
Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia, người dân có thể giảm tiêu thụ đồ uống có đường bằng cách:
Ngày 23/3, Bộ Y tế đề xuất tất cả đồ uống có đường theo định nghĩa của WHO đều cần chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc áp dụng đánh thuế dựa trên hàm lượng đường trong đồ uống.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng, chất lượng sống của người dân và nhiều hệ quả kinh tế - xã hội khác. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Ước tính hàng năm, tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong toàn quốc, trong đó chủ yếu là các bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường…
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.
Phương Anh
Theo: ZINGNEWS.VN |