20/09/2022 (07:22:01)
Những kỹ thuật thúc đẩy bạch huyết lưu thông đang ngày càng phổ biến với nhiều video triệu view trên mạng xã hội. Nhưng liệu chúng có hiệu quả thật sự không?
Trên TikTok và Instagram, bạn chắc hẳn sẽ thấy video ai đó đang cạo, chải, xoa bóp da để cải thiện sức khỏe hoặc ngoại hình. Có rất nhiều người nói việc cạo lông trên cơ thể sẽ làm giãn các bộ phận bị cứng cơ, sử dụng thanh lăn gua sha khiến người dùng có xương hàm như tạc tượng, máy massage mặt giúp giảm phù mặt, dùng bàn chải khô lên cơ thể giúp “giải độc”.
Những bài đăng như vậy thu hút hàng chục triệu lượt xem mạng xã hội bởi những người nổi tiếng như Gwyneth Paltrow và Elle Macpherson đã chứng thực hiệu quả.
Tất cả kỹ thuật này đều tập trung vào cùng mục đích: thúc đẩy sự lưu thông của bạch huyết. Bạch huyết đưa các tế bào bạch cầu đến và đi từ các cơ quan cơ thể, đồng thời vận chuyển chất thải từ các tế bào và mô đến các hạch bạch huyết, nơi nó được lọc và đưa trở lại máu.
Khi dùng bàn chải khô chải thành nhiều vòng tròn nhỏ trên khắp cơ thể hoặc khi dùng máy massage mặt có chế độ rung, mọi tắc nghẽn tiềm ẩn trong dòng bạch huyết đều sẽ được loại bỏ.
Gua sha là công cụ bằng đá hoặc kim loại dùng để miết dọc theo các đường nét trên khuôn mặt. Cạo gió là một phiên bản toàn thân của gua sha với các công cụ tương tự. Ngoài ra còn có phương pháp sử dụng cây lăn đá, một kỹ thuật nhằm dẫn lưu bạch huyết về phía các hạch bạch huyết.
Nhưng những kỹ thuật này có thực sự kích thích bạch huyết không? Và nếu có thì kết quả chúng đem lại là gì?, Wall Street Journal đặt vấn đề.
Theo Shan Liao, phó giáo sư miễn dịch học tại Đại học Calgary ở Alberta, Canada, hệ bạch huyết giống như “người anh/chị em ruột” không được đánh giá cao của hệ tuần hoàn. Dù ít được biết đến và ít được nghiên cứu hơn, nó rất cần thiết cho chức năng miễn dịch và sức khỏe tế bào.
Tiến sĩ Liao nói bạch huyết tích tụ tự nhiên trong mô cơ thể và sau đó di chuyển qua mạng lưới mạch phức tạp vào các hạch bạch huyết. Hạch bạch huyết hoạt động như hệ thống lọc trước khi đưa chất lỏng trở lại máu.
Cô nói bạch huyết không được bơm như máu, chúng ta không có tim mạch bạch huyết, mặc dù các mạch bạch huyết có đập một chút. Nhưng dòng chảy của bạch huyết chủ yếu được tạo ra khi chúng ta thở, giãn cơ và di chuyển.
Bạch huyết rất quan trọng với hệ thống miễn dịch cơ thể. Ảnh: thehealthboard.com. |
Tiến sĩ Liao chia sẻ khi bạch huyết di chuyển qua các mạch không chính xác, nó có thể tích tụ trong các mô của cơ thể, dẫn đến sưng hoặc phù bạch huyết. Điều này dẫn đến tình trạng nặng nề ở tay chân, cử động bị hạn chế, thay đổi về độ dày và màu da.
Phù bạch huyết chủ yếu ở bệnh nhân ung thư và những người sắp phẫu thuật, vì các mạch bạch huyết có thể bị khối u chặn lại, bị tổn thương do xạ trị và các vết mổ có thể cắt đứt kết nối của mạch.
Ngoài ra, khoảng một trong số 100.000 người có gene phù bạch huyết mạn tính phát tác vào thời thơ ấu hoặc đầu tuổi trưởng thành. Bất kỳ loại tích tụ bạch huyết gây sưng nào đều khiến mọi người dễ bị nhiễm trùng hơn, đặc biệt là khi không được điều trị, vì các tế bào miễn dịch không thể di chuyển hiệu quả đến mục tiêu của chúng.
Đối với người có sức khỏe tốt, lưu lượng bạch huyết sẽ luôn đủ cho dù bạn có chăm sóc hệ bạch huyết của mình hay không.
Tuy nhiên, các nền y học tập trung vào phương pháp chữa trị không dùng thuốc - từ y học cổ truyền Trung Quốc đến phương pháp chữa bệnh tự nhiên cho đến Ayurveda - đã sử dụng kỹ thuật xoa bóp bạch huyết để "khôi phục sự cân bằng" cơ thể và tăng cường chức năng miễn dịch ở những người khỏe mạnh.
Tiến sĩ Melissa Ventimiglia, trợ lý giáo sư về y học gia đình tại Đại học Y học xương khớp của Viện Công nghệ New York ở Old Westbury, New York, cho biết các kỹ thuật này cũng có tác dụng tức thì, mặc dù tạm thời, đối với làn da.
Yumi Ridsdale, nhà y học Trung Hoa ở Ontario, Canada, cho biết từ 2.000 năm trước, y học cổ truyền Trung Hoa không sử dụng từ "hệ thống bạch huyết" nhưng họ nhấn mạnh tầm quan trọng của lưu thông bạch huyết. Các thầy thuốc Trung Hoa đương thời thường kết hợp thanh lăn gua sha, cạo gió trên cơ thể và bàn chải khô vào các phương pháp điều trị.
Dẫn lưu bạch huyết giúp cải thiện sức khỏe và ngoại hình, dù chỉ trong ngắn hạn. Ảnh: Deidre Schoo/The New York Times. |
Nghiên cứu hàn lâm về cách thức hoạt động của các kỹ thuật này rất khan hiếm và có xu hướng bị giới hạn bởi mẫu thử nhỏ. Nghiên cứu hiện có cho thấy kỹ thuật xoa bóp dẫn lưu bạch huyết bằng tay, trong đó các nhà trị liệu xoa và gõ nhẹ vào một số bộ phận cơ thể để khuyến khích chuyển động và dẫn lưu bạch huyết. Việc này có hiệu quả giảm sưng ở bệnh nhân ung thư.
Các nghiên cứu khác, mặc dù cũng còn hạn chế, cho thấy gua sha và thanh lăn massage mặt có thể làm tăng lưu thông máu và cung cấp oxy cho da, giúp phát triển tế bào mới.
Tiến sĩ Ventimiglia cho biết xoa bóp hạch bạch huyết giúp kích thích dòng chảy và ngăn chặn cảm giác “tắc nghẽn cơ thể” - đặc biệt là sau khi ngủ hoặc ngồi trong thời gian dài. Cô Ridsdale nói bạn cũng có thể nhận thấy những thay đổi ngay lập tức trên da và mặt như giảm bọng mắt hoặc khuôn mặt thon gọn hơn khi dùng gua sha hoặc các kỹ thuật tương tự, mặc dù những hiệu ứng này chỉ kéo dài tối đa vài giờ.
Chìa khóa để giữ cân bằng sức khỏe hệ bạch huyết cũng giống như các cách giữ sức khỏe khác: vận động cơ thể, ăn uống lành mạnh, hít thở sâu. Về phần công cụ và kỹ thuật xoa bóp để dẫn lưu bạch huyết, bạn có thể áp dụng nếu muốn.
Bạn có thể massage mặt và cơ thể bằng đầu ngón tay, đốt ngón tay hoặc lòng bàn tay, hoặc bằng con lăn, dụng cụ cạo hoặc bàn chải khô. Quy tắc tốt nhất cho cơ thể là bắt đầu từ ngón chân, đầu ngón tay của bạn và di chuyển dần về phía thân. Khi dùng bàn chải khô, hãy chải thành những vòng tròn nhỏ trên khắp chân tay và bụng.
Khi massage mặt, hãy kéo từ giữa mặt sang hai bên và kéo lên trên. Một số người kéo đốt ngón tay qua xương hàm hoặc xương gò má, những người khác khuyên nên vuốt từ khóe miệng lên thái dương.
Tiến sĩ Ventimiglia nói các mạch bạch huyết có van một chiều, toàn bộ mạng lưới chỉ có thể lưu thông theo một hướng, vì vậy bạn nên xoa bóp cùng hướng với dòng chảy bạch huyết. Xoa bóp ngược lại dòng chảy cũng không có hại, nhưng cũng không hữu ích.
Cô Ridsdale nói: “Nếu bạn không chắc chắn nên massage theo hướng nào, bạn có thể dễ dàng tìm hiểu về bản đồ bạch huyết từ YouTube hoặc sách”. Nhưng hãy nhớ rằng "nhiều hơn không có nghĩa là tốt hơn". 10-20 phút trên một khu vực bất kỳ là đủ.
Cô Ridsdale chia sẻ ngoài ra còn có một số hạch bạch huyết lớn mà bạn có thể giúp dẫn lưu bằng cách ấn nhẹ: Ở nách, phía trên xương đòn, ở bẹn, khu vực dưới tai và sau hàm. Dẫn lưu bạch huyết là một cách để bạn chút thời gian suy nghĩ về cảm giác của cơ thể và đây là việc ai cũng nên làm.
Phương Hà
Theo Wall Street Journal
Theo: ZINGNEWS.VN |