02/02/2023 (11:09:08)
Sau Tết, cả Hà Lan và Nhi Ngô đều bị tăng cân cũng như mắc nhiều vấn đề liên quan tiêu hóa vì ăn uống thất thường và quá đà.
Theo bác sĩ, việc tăng cân nhanh và rối loạn tiêu hóa là vấn đề thường gặp sau Tết. Ảnh: Shutterstock. |
“Sau Tết, sức khỏe tôi có dấu hiệu sụt giảm, từ đầy bụng, khó tiêu đến bị đau dạ dày và táo bón. Hiện tại, tôi tập xen kẽ cardio và dance workout mỗi ngày tại nhà để hỗ trợ tiêu hóa cũng như giảm cân tốt hơn”, Nhi Ngô (29 tuổi, điều dưỡng tại TP.HCM) cho biết.
Tương tự, Hà Lan (27 tuổi, sống tại Hà Nội) cũng bị tăng cân và khó tiêu hóa sau Tết. Lan đang cố gắng cắt giảm đồ ngọt, thức ăn nhiều dầu mỡ và ăn uống lành mạnh hơn.
“Trong Tết, tôi thường ăn 3 bữa lớn thật no với nhiều đồ ăn. Nhưng từ khi thấy tăng cân và bụng lúc nào cũng khó chịu, tôi chia 3 bữa chính thành 5 bữa nhỏ, mỗi bữa đều ăn nhiều rau xanh nhất có thể”, cô chia sẻ.
Mặc dù đã cố gắng hạn chế các món chiên xào và ăn thêm nhiều rau xanh, Nhi vẫn bị tăng cân sau Tết. Việc tăng gần một kg không ảnh hưởng nhiều đến ngoại hình nhưng lại khiến cô bị đầy bụng, ợ chua và khó tiêu.
"Tôi dường như không thể duy trì chế độ ăn lành mạnh vào dịp Tết vì ngày nào cũng phải đi thăm họ hàng và sau đó ăn uống tại nhà họ hoặc ăn bên ngoài. Đa số các món đều nhiều dầu mỡ, rất cay và ít chất xơ. Vì vậy, tôi thường cảm thấy khó tiêu, đầy hơi và thậm chí bị táo bón", Nhi Ngô chia sẻ.
Bên cạnh ăn uống lành mạnh, Nhi Ngô duy trì đều đặn tập thể dục để cải thiện sức khỏe. Ảnh: NVCC. |
Những lần ăn ngoài như thế không đảm bảo đủ lượng đạm và chất xơ cho cơ thể nên cô nhanh đói và tìm các món ăn vặt.
"Nhà tôi lúc nào cũng có khô bò, khô gà nên lúc đói tôi lấy ra ăn vặt. Thỉnh thoảng, tôi cũng uống chút nước ngọt có ga. Do đó, cơ thể lúc nào cũng trong vòng luẩn quẩn: Ăn no, đầy bụng và nhanh đói", Nhi Ngô nói thêm.
Khi các triệu chứng này trầm trọng và gây khó khăn trong sinh hoạt, Nhi sẽ uống thuốc. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cũng chỉ là tạm thời nên cô quyết định thay đổi chế độ ăn để cải thiện hoàn toàn các triệu chứng này.
Trong bữa ăn hàng ngày, đối với nhóm tinh bột, Nhi thường có cơm trắng, khoai lang, bắp nếp hoặc yến mạch. Đối với nhóm đạm, cô chọn thịt trắng như ức gà và cá. Các món ăn đều ưu tiên phương pháp hấp hoặc luộc thay vì chiên xào như trước, đồng thời cô bổ sung nhiều rau và uống đủ nước.
Tương tự Nhi Ngô, Hà Lan cũng gặp các vấn đề về tiêu hóa sau Tết và đang điều chỉnh lại chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt.
Hà Lan thay đổi chế độ ăn và tăng cường tập luyện ngay khi thấy tăng cân. Ảnh: NVCC. |
"Sau mùng 7 Tết, tôi tăng 2 cm vòng eo. Điều này cũng không quá bất ngờ vì suốt Tết tôi thường xuyên ăn ngoài và ăn không đúng giờ. Có hôm thức hơn 23h, tôi cảm thấy đói bụng và lấy bánh ngọt ra ăn. Nhiều ngày liên tiếp ăn đồ chiên xào, món nếp và đủ loại bánh mứt, cơ thể tôi nặng nề, khó đi đại tiện và đầy bụng", Lan chia sẻ.
Nhận thấy sức khỏe không ổn, ngày hôm sau cô điều chỉnh lại chế độ ăn của mình và đăng ký khóa tập gym.
Thay vì ăn 3 bữa/ngày như bình thường, cô chia ra làm 5 bữa nhỏ, mỗi bữa cách nhau 3-4 giờ để cơ thể hấp thụ tốt hơn và tránh khó tiêu hoặc nặng bụng.
Bên cạnh đó, Hà Lan cũng đăng ký thẻ tập gym có giá 2 triệu đồng để tập trong 3 tháng, đặt mục tiêu đi bộ 5.000 bước mỗi ngày.
Theo PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, việc tăng cân nhanh chóng sau Tết là điều thường gặp.
Những món ăn như bánh chưng, bánh tét, thịt kho hột vịt, bánh mứt hay món hầm... rất giàu tinh bột và chứa nhiều dầu mỡ. Vì thế, việc nạp quá nhiều các món ăn này vào cơ thể sẽ góp phần khiến cân nặng tăng nhanh chóng.
"Thói quen vui chơi trong những ngày Tết, chúng ta thường lơ là việc tập luyện. Từ đó, năng lượng nạp vào cơ thể nhiều nhưng không được tiêu hao hết và dẫn đến tích tụ mỡ trong cơ thể. Đặc biệt, chế độ sinh hoạt trong ngày Tết bị xáo trộn cũng là nguyên nhân gây tăng cân", bác sĩ Niên nói.
Chuyên gia này cho biết tăng cân quá nhanh sẽ dẫn đến tích trữ nhiều mỡ hơn là phát triển cơ. Mỡ dư thừa gây nguy hại ngay cả khi chỉ số khối cơ thể (BMI) vẫn trong khoảng bình thường.
Tình trạng này được gọi là “béo phì với cân nặng bình thường” và có thể dẫn đến các biến chứng như đái tháo đường type II, tim mạch, các bệnh mạn tính khác và tăng nguy cơ tử vong.
Ngoài ra, gan sẽ chuyển hóa năng lượng dư thừa thành mỡ lưu hành trong máu, gây ra rối loạn lipit máu.
Ngoài tăng cân nhanh, bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Kim Hải, Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng, cho biết việc ăn uống quá đà và ăn không đúng bữa còn gây ra rối loạn tiêu hóa.
Theo bác sĩ Hải, triệu chứng của rối loạn tiêu hóa phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân nhưng thường xuất hiện với một số dấu hiệu dễ nhận biết như:
- Chướng bụng: Luôn cảm thấy bụng căng, khó chịu đặc biệt là sau khi ăn xong. Thức ăn không được tiêu hóa hết, ứ đọng trong ống tiêu hóa gây nên tình trạng này.
- Buồn nôn, nôn mửa: Các nguyên nhân gây kích thích đường tiêu hóa sẽ khiến bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn mửa.
- Ợ hơi, ợ nóng: Các rối loạn tại dạ dày và tá tràng thường gây nên tình trạng ợ hơi, ợ nóng.
- Đau bụng âm ỉ: Hầu như người bị tình trạng này đều kèm theo đau bụng. Cơn đau có thể xảy ra ở vùng bụng trên, vùng dạ dày, hay vùng bụng dưới. Nó thường xuất hiện sau khi ăn, đặc biệt là sau khi tiêu thụ đồ cay nóng, đồ chua hoặc bị ngộ độc thực phẩm.
- Đại tiện bất thường: Các dấu hiệu bao gồm tiêu chảy, táo bón, đại tiện nhiều lần trong ngày…
Để cải thiện các vấn đề về tiêu hoá, bác sĩ Hải khuyên nên tăng cường tiêu thụ các nhóm thực phẩm dưới đây:
- Thực phẩm chứa men vi sinh: Thực phẩm lên men rất tốt cho tiêu hóa. Ăn sữa chua cũng là cách bổ sung lợi khuẩn tốt cơ thể. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt rõ men vi sinh và men tiêu hóa để tránh nhầm lẫn khi sử dụng.
- Thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu… rất có lợi cho hoạt động tiêu hóa. Chúng có thể ngăn táo bón, nuôi dưỡng tế bào niêm mạc đại tràng, cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột và giúp hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh.
- Uống đủ nước: Việc uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp làm sạch hệ thống tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón.
- Tập thể dục thường xuyên: Thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và tập 5 ngày/tuần giúp duy trì chức năng hệ tiêu hóa, hỗ trợ điều hòa đường ruột để ngăn ngừa táo bón hiệu quả.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.
Nam Giao
Theo: ZINGNEWS.VN |