10/01/2023 (09:16:44)
Quá lo sợ sắp bị đột quỵ, Thanh Phương đo huyết áp tới 30 lần/ngày. Còn Phan Thị Nhàn lại lo lắng sẽ mất trí nhớ dù bác sĩ đã giải thích vấn đề của cô không nguy hiểm.
Rối loạn lo âu bệnh tật (Hypochondriasis = Illness Anxiety Disorder) là khi cơ thể hoàn toàn không có triệu chứng bệnh, bạn cho rằng một cảm giác bình thường hoặc triệu chứng nào đó rất nhỏ là dấu hiệu của bệnh hiểm nghèo. Ảnh: Espacocamilaferreira. |
Nguyễn Thanh Phương (18 tuổi, trú tại TP.HCM) luôn cảm thấy hồi hộp, ngộp thở và ám ảnh bị đột quỵ nên liên tục đo huyết áp, có khi lên đến 30 lần/ngày.
Việc này chỉ giúp chàng trai này thỏa mãn được chút ít khi huyết áp bình thường, nhưng khi nhận ra nhịp tim cao, Phương lại tìm đến Google và tìm hiểu về nhịp tim nhanh, suy tim, nhồi máu cơ tim... Phương lại quay về chu trình ám ảnh bản thân sắp đột quỵ.
Khi Phương tìm một bác sĩ và được tham vấn, sự yên tâm mới quay lại. Tuy nhiên, cảm giác này chỉ kéo dài được 1-2 ngày sau đó lại tái diễn, quên mất bác sĩ đã tư vấn ra sao.
Cũng giống Phương, sau sinh bé thứ 2, Phan Thị Nhàn (29 tuổi) thường rơi vào cảm giác khó ngủ, bồn chồn, bất an, đầu bị châm chích khiến chị khó chịu và lo lắng. Một năm gần đây, chị đi chụp phim CT, MRI sọ não tới 4 lần vì sợ bản thân có vấn đề.
"Tôi đã đi khám ở rất nhiều bác sĩ thần kinh và các bệnh viện để giải quyết nỗi lo đau đầu của mình. Lần chụp MRI gần nhất, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đọc phim có vài tổn thương chất trắng không đặc hiệu và cảnh báo sau này sẽ bị giảm trí nhớ. Tôi về nhà khóc suốt 2 ngày và không muốn ăn uống", chị Nhàn kể.
Sau đó, chị được bác sĩ giải thích và khẳng định nó không phải là bệnh, không nguy hiểm. Lúc này, chị Nhàn mới bình tĩnh. Tuy nhiên, nhiều ngày liên tiếp sau đó, chị cứ thắc mắc mãi về "chất trắng không đặc hiệu” đó.
Rối loạn lo âu bệnh tật (Hypochondriasis = Illness Anxiety Disorder) là khi cơ thể hoàn toàn không có triệu chứng bệnh, bạn cho rằng một cảm giác bình thường hoặc triệu chứng nào đó rất nhỏ là dấu hiệu của bệnh hiểm nghèo. Thậm chí, bác sĩ đã khám rất kỹ và kết luận rằng không nghiêm trọng.
Nỗi sợ của bệnh nhân có thể xuất phát từ việc diễn giải sai các triệu chứng không phải bệnh lý hoặc chức năng cơ thể bình thường (ví dụ chứng sôi bụng, chướng bụng và khó chịu, cảm giác nhịp tim, đổ mồ hôi).
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần mô tả bệnh lo âu về bệnh tật là một tình trạng đặc trưng chủ yếu bởi nỗi sợ hãi quá mức về việc mắc bệnh.
Trong lịch sử, chứng bệnh này có thể bắt nguồn từ Hippocrates (bác sĩ sinh ra trên đảo Aegean, Hy Lạp, khoảng giữa thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên) khi ông cho rằng căn bệnh này có liên quan vùng bụng chịu trách nhiệm tiết ra mật đen (một loại dịch cơ thể).
Người ta biết rằng việc tiết mật quá mức sẽ gây ra các bệnh liên quan cơ thể và tâm trí, chẳng hạn chứng suy nhược thần kinh và chứng u sầu.
Thế kỷ 18, chúng ta chứng kiến sự thay đổi trong khái niệm bệnh Hypochondria, từ vấn đề liên quan đến chất dịch cơ thể sang một vấn đề do hệ thần kinh gây ra.
Khái niệm này theo sau những quan sát của Robert Whytt (bác sĩ người Scotland) rằng nguồn gốc và nguyên nhân bệnh Hypochondriasis liên quan một lỗi trong hệ thần kinh kết hợp với một số hóa chất bệnh được tìm thấy trong máu.
Đến cuối những năm 1800, một nhà thần kinh học ở Mỹ tên là George Beard đã sửa đổi thuật ngữ này và thu hẹp ý nghĩa của nó thành trạng thái ảo tưởng không khỏe liên quan đến các vấn đề về bụng.
Nhà thần kinh học người Áo là Sigmund Freud cũng nhấn mạnh mối liên hệ của chứng ám ảnh bệnh tật với rối loạn chức năng não bộ.
Ngày nay, Hypochondriasis đề cập đến tình trạng sức khỏe tâm thần liên quan sự lo lắng và sợ hãi về sức khỏe tổng thể của một người.
Triệu chứng thường liên quan việc bận tâm quá mức rằng mình đang mắc một bệnh gì đó nghiêm trọng. Người mắc chứng này chỉ dựa vào những cảm giác bình thường của cơ thể (như tiếng sôi bụng) hoặc dấu hiệu rất nhỏ (một chấm nhỏ trên da, thỉnh thoảng giật cơ ở tứ chi), chụp phim có tổn thương nhỏ dù không nghiêm trọng nhưng lại suy nghĩ thái quá và sợ hãi (gan nhiễm mỡ, tổn thương chất trắng ở não không đặc hiệu...).
Các triệu chứng gồm:
- Bận tâm rằng mình đang mắc một bệnh nào đó rất trầm trọng.
- Lo lắng từ những triệu chứng rất nhỏ hoặc những cảm giác cơ thể đang mắc bệnh rất nặng.
- Dễ cảnh giác với mọi vấn đề sức khỏe.
- Không tin tưởng sau mỗi lần khám bác sĩ hoặc làm xét nghiệm không ra bệnh.
- Lo lắng quá mức về một bệnh nào đó hoặc cho rằng mình có nguy cơ cao bị bệnh đó vì di truyền trong gia đình.
- Căng thẳng quá nhiều về những bệnh tật có thể mắc làm cho bạn giảm năng suất làm việc.
- Kiểm tra nhiều lần các dấu hiệu bệnh tật trên cơ thể.
- Đi khám quá nhiều để cảm thấy an tâm hoặc ngược lại có trường hợp tránh không đi khám vì sợ phát hiện ra mình bệnh nặng.
- Tránh mọi người, địa điểm, những hoạt động mà cho rằng có nguy cơ về sức khỏe.
- Nói quá nhiều về tình trạng sức khỏe của mình hoặc những bệnh có thể mắc.
- Thường xuyên đọc trên Internet về nguyên nhân của các triệu chứng hoặc những bệnh có thể mắc.
Chu kỳ của rối loạn lo âu về bệnh tật. Ảnh: BSCC. |
Tiêu chuẩn chẩn đoán như sau:
- Bệnh nhân lo lắng về việc có hoặc mắc phải bệnh nghiêm trọng.
- Bệnh nhân không hoặc tối thiểu có các triệu chứng cơ thể.
- Bệnh nhân rất lo lắng và dễ bị báo động về các vấn đề sức khỏe cá nhân.
- Bệnh nhân liên tục kiểm tra tình trạng sức khỏe hoặc né tránh các cuộc gặp với bác sĩ hoặc tới bệnh viện một cách không phù hợp.
- Bệnh nhân đã bận tâm về bệnh tật trong 6 tháng trở lên, mặc dù lo ngại về bệnh tật cụ thể có thể thay đổi trong khoảng thời gian đó.
- Triệu chứng không được giải thích thỏa đáng hơn bởi trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần khác.
Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý (nhất là liệu pháp hành vi nhận thức) là lựa chọn tối ưu trong điều trị rối loạn lo âu bệnh tật. Liệu pháp này giúp người bệnh tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng và có các biện pháp thích nghi phù hợp. Người bệnh có thể kiểm soát sự lo âu quá mức mà không cần phải đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe liên tục.
Bác sĩ Trần Hữu Khánh thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC. |
Trị liệu tâm lý giúp người bệnh có thể cải thiện các hoạt động sinh hoạt, duy trì hiệu suất học tập, lao động và các mối quan hệ xã hội. Ngoài ra, liệu pháp còn cải thiện một số căn bệnh tâm thần đi kèm như trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Sử dụng thuốc
Lựa chọn ưu tiên trong điều trị bằng thuốc là các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs). SSRIs có hiệu quả cải thiện tâm trạng lo âu, căng thẳng, mang lại cải thiện tích cực và ít tác dụng phụ. Các nhóm thuốc khác chỉ được cân nhắc khi loại thuốc này không mang lại hiệu quả.
Các biện pháp thay đổi lối sống
Bên cạnh trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc, người mắc rối loạn lo âu bệnh tật nên áp dụng thêm một số biện pháp cải thiện để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.
Họ nên xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh với những thực phẩm sạch, các loại rau xanh, củ quả, thịt, cá nhiều vitamin, khoáng chất. Người bệnh cần hạn chế những món ăn chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp, các món ăn nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ.
Bạn nên thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao (khoảng 30 phút mỗi ngày) để có được sức khỏe tốt, cân bằng cảm xúc, tâm lý ổn định. Bạn cũng có thể tập luyện những bài đơn giản, nhẹ nhàng như chạy bộ, bơi lội, đạp xe đạp, yoga, thiền…
Ngoài ra, người bệnh cần tránh lạm dụng rượu bia, các chất kích thích, thuốc lá. Ngủ đủ giấc, tập thói quen ngủ trước 23h mỗi ngày sẽ giúp tinh thần được thoải mái, tránh các suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng.
Cuối cùng, người dân nên thăm khám sức khỏe tổng quát 6 tháng/lần để biết được những vấn đề của bản thân.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Bài viết do BSCKI Nguyễn Hữu Khánh, khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, TP.HCM, cung cấp thông tin.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh
Theo: ZINGNEWS.VN |