09/11/2022 (14:55:59)
Nhiều người trẻ tuổi đang ngày càng quan tâm đến tennis, bộ môn làm mưa làm gió một thời ở Việt Nam nhưng trong nhóm người chơi trung niên.
Gen Z đang chú ý nhiều hơn tới tennis. Ảnh: christian_tenguan. |
“Các chú lớn tuổi còn chơi và duy trì được với tennis, tại sao tôi lại không?”, Lê Bảo Hoàng (25 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) đặt vấn đề ngược lại sau khi được Zing hỏi về kế hoạch tiếp tục chơi tennis trong tương lai.
Không chỉ Hoàng, nhóm bạn 6 người cùng chơi tennis với nam thanh niên này cũng có cùng suy nghĩ và đều đặt mục tiêu dài hạn trong việc học và tập luyện tennis.
Một số sân tập tennis ghi nhận lứa khách hàng mới là các bạn trẻ tuổi dưới 30, thay vì tập khách hàng phổ biến trước đây là dân công sở tuổi từ 35 đến 50.
Hoàng bắt đầu học chơi từ khá lâu. Tuy nhiên, anh này chỉ bắt đầu chơi với tần suất đều đặn trong khoảng 2 năm vừa qua.
“Ban đầu, tôi chủ động đi học tennis để phục vụ mục định công việc trong tương lai. Tôi cũng để ý thấy quản lý, nhân sự tại các công ty trong ngành của tôi hiện nay đa phần chọn chơi tennis. Bên cạnh tập luyện, qua bộ môn này, tôi cũng dễ làm quen, tạo mối quan hệ với lãnh đạo, đồng nghiệp hơn”, Hoàng nhớ lại.
Tuy nhiên, sau một thời gian, Hoàng dần thấy thích thú hơn với tennis. Nam thanh niên này thậm chí chủ động rủ và tập trung một nhóm bạn cùng lứa tuổi để chơi hàng tuần.
Lê Bảo Hoàng học chơi tennis để phục vụ công việc. Ảnh: NVCC. |
Hoàng tâm sự: “Khi chơi tennis, tôi được vận động nhiều, nhờ đó vẫn có thể nâng cao sức khỏe mà không ngại vấn đề va chạm, chấn thương như các môn như bóng đá. Mặt khác, tennis cũng là môn thể thao khá hay khi đòi hỏi tôi phải vận dụng cả thể lực lẫn đầu óc”.
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm khi chơi tennis là chi phí. Tuy nhiên, Hoàng cho rằng việc đầu tư cho bộ môn này không quá tốn kém.
“Khi bắt đầu chơi tennis, mọi người cần mua sắm một số vật dụng thiết yếu là vợt, giày chuyên dụng cùng các phụ kiện đi kèm như băng tay, mũ… Các món này đều có đa dạng mức giá, từ rẻ đến đắt. Tuy nhiên, cá nhân tôi đầu tư khoảng 4,5 triệu đồng cho tất cả”, Hoàng cho hay.
Ngoài ra, chi phí thuê sân cũng tiêu tốn của nam thanh niên này khoảng 1-2 triệu đồng mỗi tháng để đảm bảo tần suất tập tennis khoảng 2 buổi/tuần. Dẫu vậy, việc đặt và thuê sân cũng là một trong những vấn đề khó khăn nhất của Hoàng cùng nhóm bạn khi số lượng sân hạn chế.
Nam thanh niên này khẳng định mình vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với tennis trong tương lai. Hoàng coi đây là một sân chơi để cùng bạn bè, đồng nghiệp giao lưu, giữ gìn sức khỏe sau giờ làm việc.
Hoàng Linh (25 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) cầm vợt cách đây hơn một năm.
“Tôi từng chơi và xem rất nhiều các môn thể thao từ nhỏ, đặc biệt là bóng đá, tennis và cầu lông. Đối với tennis, tôi luôn tò mò”, Linh chia sẻ.
Tuy nhiên, do yếu tố tài chính chưa cho phép, song song với đó là việc không có nhóm chơi cùng khi có rất ít bạn đồng trang lứa của Linh người tiếp cận với bộ môn này, nam thanh niên vẫn chưa có cơ hội chơi. Phải tới khi được một số người bạn cấp 3 bắt đầu chơi tennis và rủ, Linh mới bắt đầu hành trình của mình với bộ môn mới.
Hoàng Linh vốn thích chơi các môn thể thao như bóng đá, cầu lông và giờ là tennis. Ảnh: NVCC. |
Linh nhớ lại về trải nghiệm của bản thân: “Thoạt đầu, khi xem các tay vợt chơi khá đơn giản trên TV, tôi từng nghĩ môn này sẽ không quá khó. Tuy nhiên, ngay buổi đầu ra sân, tôi đã phải thay đổi quan điểm hoàn toàn”.
Nam thanh niên này đánh giá đây là môn thể thao khá khó, cần nhiều thời gian làm quen cùng sự cẩn thận, tỉ mỉ để hoàn toàn kiểm soát độ xoáy, độ nảy, hướng đi của trái bóng cũng như động tác của bản thân.
“Tới tận bây giờ, tôi vẫn còn khá kém và chưa thể kiểm soát hoàn toàn được trái banh nỉ”, Linh nói.
Đây cũng là khó khăn lớn nhất của Linh khi chơi tennis. Cụ thể, Linh cho rằng quỹ đạo của trái banh nỉ khác rất nhiều so với những gì được thấy trên TV. Mặt khác, sự đa dạng của những cú đánh trả bóng (cắt xoáy, đánh bóng cuộn nảy cao, đánh bạt nặng...) khiến thời gian đầu, nam thanh niên này bối rối, thậm chí bất lực.
“Nửa năm đầu làm quen với tennis, tôi cảm thấy bất lực và không thể làm chủ nổi trái bóng. Vốn là một người chơi thể thao nhiều và có máu ăn thua, việc không thể chơi theo những gì mình muốn khiến tôi có chút chán nản. Có lúc còn muốn bỏ”, Linh tâm sự.
Khác với nhiều người, Linh quyết định học “mót” từ các bạn (đã được thầy dạy) và tự học chơi tennis thông qua các video trên Internet là chính thay vì thuê thầy.
Nam thanh niên kể: “Thời gian đầu, tôi cũng không có quá nhiều vấn đề. Tuy nhiên, gần đây, tôi bắt đầu cảm thấy sự tiến bộ bị chững lại và có những lỗ hổng trong kỹ thuật do không được dạy cơ bản. Bởi vậy, thời gian tới, tôi cũng định sẽ thuê thầy để nắn lại kỹ thuật cho bản thân”.
Trên tất cả, Linh thừa nhận tennis đã giúp bản thân rèn luyện sức bền, sự dẻo dai, cải thiện thể lực. Bộ môn này cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, nắn nót và tính chính xác. Qua đó, Linh được rèn luyện sự cẩn thận, áp dụng trong cả nhiều công việc khác.
Chia sẻ với Zing, ông Vũ Ngọc Long, chủ một cụm sân tennis tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết sau khi dịch Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát, từ đầu năm nay, lượng khách thuê sân đang tăng dần trở lại, trong đó có nhiều nhóm là người trẻ.
“Trước đây, đa phần khách tới thuê là dân văn phòng quanh khu vực này, khoảng 35-50 tuổi. Tầm 5-7h là khung giờ cao điểm khi họ tan làm. Tuy nhiên, gần đây cũng có một số nhóm bạn trẻ tới hỏi thuê sân”, ông Long cho hay.
Người đàn ông này mô tả nhóm này đa phần chưa có kinh nghiệm tập tennis và cũng có nhu cầu thuê người hướng dẫn. Khi hỏi thuê sân và thầy dạy, vấn đề chi phí cũng được nhóm này quan tâm hàng đầu.
Người trẻ đang tìm tới tennis nhiều hơn. Ảnh minh họa: chino_rocha. |
Trong khi đó, bà Lê Thị Châu, chủ một sân tennis khác ở quận Ba Đình, Hà Nội, cũng cho hay thời gian qua, tỷ lệ người trẻ tới thuê và chơi tennis tại đây đang tăng dần.
“Mỗi tháng, chúng tôi cũng có khoảng 9-10 nhóm khách thuê là người trẻ, khoảng 24-25 tuổi. Hầu hết là người chơi lần đầu”, bà nói.
Theo Benjy Robins, Giám đốc phụ trách tennis tại CordeValle (Mỹ), cách tốt nhất để học kỹ thuật chơi tennis là tham gia các lớp học nhóm hoặc khóa huấn luyện riêng từ chuyên gia. Điều này sẽ giúp người chơi đảm bảo kỹ thuật cơ bản chính xác nhất ngay từ đầu.
Ngoài ra, một số phương pháp tập luyện phù hợp cho người mới bao gồm:
Ngoài ra, bác sĩ thể thao Jasmine Marcus (Mỹ) cũng lưu ý song song với việc tập luyện tennis, người chơi nên kết hợp thêm các bài tập kháng lực như gym để tối ưu hiệu quả về sức khỏe cũng như đảm bảo an toàn.
“Tennis là môn dạng cardio (phương pháp tập luyện sức khỏe tim mạch). Tuy nhiên, bộ môn này không có nhiều tác động tới việc tăng sức mạnh cho các nhóm cơ bắp trên cơ thể”, vị chuyên gia giải thích.
Song song với đó, để phục vụ chơi tennis tốt hơn, BS Marcus cũng khuyên người tập nên bổ sung thêm các bài tập kháng lực cho phần cánh tay và chân, nhất là khu vực cơ quanh xương bả vai và đầu gối.
Hơn 27 năm phát triển tại thị trường Việt Nam với sứ mệnh cao cả "Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn", Lifebuoy là sản phẩm diệt khuẩn bán chạy hàng đầu đã và đang đóng góp vào sứ mệnh phòng chống dịch bệnh. Bằng cách lan tỏa thói quen rửa tay và giữ gìn vệ sinh cá nhân, Lifebuoy hướng đến nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, an toàn cho cả cộng đồng.
Cùng Lifebuoy đánh bay nỗi lo bệnh truyền nhiễm và an toàn chung sống với dịch Covid-19. Lifebuoy chưa? Lifebuoy đi!
Quốc Toàn
Theo: ZINGNEWS.VN |