25/01/2023 (10:10:29)
Ngày Tết cũng là lúc các trẻ ngần ngại vì bị họ hàng tra hỏi chuyện công việc, lương thưởng, yêu đương, thậm chí chuyện cân nặng.
Nhiều bạn trẻ mới tốt nghiệp đại học ngại bị hỏi chuyện công việc, tiền lương. Ảnh: Cottonbro/Pexels. |
Khi Tết đến, Thúy Hường (ở Hà Nội) thấy sợ khi nghĩ đến loạt lời hỏi thăm từ họ hàng nội ngoại. Với cô, những lời hỏi thăm này không khác gì “hỏi cung”.
Những năm trước, khi còn là sinh viên, Hường chủ yếu nhận được lời thăm hỏi về trường lớp, bạn bè, cuộc sống đại học. Hường nói thời gian còn là sinh viên, cô thấy Tết nhẹ nhàng hơn, chỉ cần bản thân lo học tốt, tốt nghiệp đúng hạn là có thể an tâm về quê đón Tết với gia đình. Nhưng từ khi ra trường, Tết biến thành nỗi lo sợ của cô.
Hường tốt nghiệp ngành Tài chính, hiện làm nhân viên văn phòng. Giống như nhiều sinh viên mới ra trường khác, cô chật vật để tìm được công việc ổn định sau nhiều lần nhảy việc. Những khó khăn trong công việc khiến Hường không còn thời gian, tâm trí bận tâm chuyện tình cảm. Do đó, vào ngày Tết, Hường bị họ hàng tra hỏi lý do không chịu yêu đương.
Không riêng chuyện tình cảm, Hường còn bị hỏi đủ điều về công việc, tiền lương hàng tháng, tiền thưởng cuối năm. Những lúc bị hỏi, Hường chỉ cười trừ cho qua chuyện, nhưng họ hàng vẫn không “buông tha”, tiếp tục so sánh cô với những người khác cùng tuổi trong dòng họ.
Buổi gặp mặt ngày Tết mất vui vì những câu hỏi kém duyên từ họ hàng. Ảnh: Pexels. |
Cũng bị lôi ra bàn tán và trở thành nhân vật chính trong những buổi “buôn chuyện” của họ hàng, Phùng Hải (24 tuổi) cảm thấy khó chịu khi liên tục bị hỏi về tiền lương, công việc và chuyện riêng tư.
Với những sinh viên mới ra trường như Hải, bị hỏi về chuyện tiền lương là điều tối kỵ vì không phải ai cũng tìm được công việc ổn định, mức lương “đủ cao” để khoe với họ hàng. Những lúc bị hỏi chuyện tiền lương, Hải chỉ trả lời qua loa “Tiền lương của cháu vừa đủ sống”. Khi đó, họ hàng cậu lại đòi anh đưa ra một con số cụ thể.
Hải kể hôm mùng một đi chơi Tết, cậu chứng kiến người anh họ gần 30 tuổi bị họ hàng liên tục hỏi “Sao không lấy vợ đi, rong chơi mãi thế?”, “Khi nào mới cho bố mẹ bế cháu?”... Bị họ hàng tra hỏi như hỏi cung, anh họ của Hải cảm thấy khó xử nên xin phép ra về trước.
“Đó là lý do nhiều người trẻ như mình sợ Tết và sợ phải đi chúc Tết họ hàng. Những ngày này, mình chỉ muốn ở nhà, đơn giản vì không muốn bị tra hỏi quá nhiều", Quân nói.
Hồng Anh (21 tuổi, sinh viên tại TP.HCM) không bị hỏi chuyện tiền lương vì chưa đi làm, nhưng cô lại nhận những lời bàn tán, miệt thị ngoại hình từ họ hàng vào ngày Tết. Là sinh viên năm 3 vừa trải qua đợt thực tập, Hồng Anh bị stress nên sút cân. Ngày Tết về nhà, vừa gặp họ hàng, cô đã bị một người bác bĩu môi chê “Gầy thế, bị bố mẹ bỏ đói à”.
Bị miệt thị ngoại hình, Hồng Anh khó chịu nhưng không muốn làm cả nhà mất vui. Cô bình tĩnh giải thích đợt này cô bận thực tập, ăn uống không đúng giờ nên bị gầy đi. Nữ sinh còn không quên nhắc khéo bác mình rằng nếu bác thương cháu gầy yếu, nhờ bác “tiếp tế” đồ ăn để cháu bồi bồi thêm.
Nhờ màn “chữa cháy khéo léo” của Hồng Anh, không khí trong nhà vui vẻ trở lại, nữ sinh cũng không còn bị họ hàng miệt thị hay chê bai.
Mỗi lần về nhà ăn Tết Nguyên đán, Thu Trang (23 tuổi) cũng nhận được vô số câu hỏi khó từ họ hàng, từ chuyện công việc, lương thưởng, cho đến chuyện yêu đương. Hôm mùng 2 Tết, họ hàng hỏi Trang rằng “Sao năm nay lại về một mình?”. Bắt chước cách trả lời hài hước trên mạng, Trang nửa đùa nửa thật nói: “Cháu về nửa mình chỉ sợ các bác sợ thôi ạ”.
Biết cháu gái đùa, họ hàng cũng xuề xòa cho qua rồi không hỏi thêm vì sợ cả nhà mất vui. Bản thân Trang cũng biết các bậc trưởng bối quan tâm mình mới hỏi, nên cô cũng không để bụng hay khó chịu trước những lời hỏi thăm như vậy.
Khéo léo khi trả lời họ hàng sẽ không làm đôi bên khó xử. Ảnh: Pexels. |
Khi bị hỏi khó, Thúy Hường không chọn cách đáp trả mà chỉ cười trừ hoặc trả lời hài hước để tránh mất không khí ngày Tết. Cô hiểu rằng Tết đến, mọi người gặp gỡ, thăm nhau hỏi là chuyện bình thường, thậm chí cô chuẩn bị sẵn tâm lý để đối diện với những câu hỏi khó trong ngày Tết.
Dù vậy, Hường vẫn mong muốn họ hàng hoặc hàng xóm tinh tế hơn, để ý đến cảm xúc của người trẻ để tránh tra hỏi, xoáy sâu vào những vấn đề nhạy cảm liên quan đời sống cá nhân.
Thu Trang cũng chung quan điểm với Thúy Hường là không nên đáp trả hoặc trả lời gay gắt khi bị họ hàng hỏi khó. Những ngày cận Tết, khi lướt mạng xã hội, cô thường bắt gặp những bài viết hướng dẫn cách đáp trả họ hàng khi bị hỏi khó. Ví dụ, khi bị hỏi chuyện tiền lương, dân mạng hướng dẫn cách trả lời rằng: “Tiền lương của cháu nhiều hơn lương tâm của bác”.
Trang nhận thấy cách trả lời này khá nặng nề và có phần đụng chạm lòng tự ái của người khác. Nó có thể gây phản tác dụng, thậm chí khiến họ hàng có cái nhìn không hay về bản thân và gia đình.
Theo cô, những bài viết hướng dẫn cách đáp trả trên mạng có thể học hỏi nhưng phải chọn lọc kỹ, chỉ nên chọn những cách trả lời mang tính hài hước, khiến đôi bên cảm thấy vui vẻ. Còn với những cách trả lời gay gắt, gây tổn thương hoặc đụng chạm, Trang cho là không nên áp dụng, chỉ nên đọc để giải trí cho vui.
Nếu không muốn bị tra hỏi quá nhiều vào ngày Tết, Thu Trang đề xuất một cách khác là “đảo khách thành chủ”. Cụ thể, thay vì để bị họ hàng hỏi thăm, các bạn trẻ có thể chủ động chúc Tết, hỏi thăm họ hàng trước. Những chủ đề bạn có thể hỏi là chuyện sức khỏe, chuyện sắm Tết, chuyện làm đẹp…
Ngoài ra, bạn có thể chủ động dành lời khen cho họ hàng như một cách để “đánh lạc hướng”, khiến họ quên đi những chuyện muốn hỏi bạn. Thu Trang nói rằng “thảo mai” cũng là một cách tốt để đối phó với những tình huống khó xử trong ngày Tết.
“Mình thấy việc ứng biến với những câu hỏi của họ hàng không khó, quan trọng là bạn phải biết chủ động để nắm giữ tình thế. Bạn cũng không nên tức giận hay nói chuyện thô lỗ vì điều đó sẽ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn”, Thu Trang nói với Zing.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.
Thái An - Lan Anh
Theo: ZINGNEWS.VN |