21/11/2022 (20:13:01)
Pogba chấn thương sụn chêm gối phải trong một buổi tập cuối tháng 7. Dù đã được phẫu thuật, anh vẫn không kịp hồi phục để tham gia World Cup 2022. Đây là chấn thương rất phổ biến.
Cầu thủ 29 tuổi Paul Pogba đã không chơi một phút nào cho CLB Juventus trong mùa giải này do chấn thương đầu gối. Và anh tiếp tục bỏ lỡ World Cup 2022. Ảnh: The Sporting News. |
Cuối tháng 10, Gazzetta dello Sport và Football-Italia đồng loạt đưa tin Paul Pogba dính chấn thương cơ bắp trong quá trình tập luyện. Truyền thông dự báo tuyển thủ Pháp sẽ khó lòng tham dự World Cup 2022. Và câu trả lời đã có ngay sau đó, đi kèm với nỗi buồn của Pogba.
"Sau các buổi kiểm tra y tế, chúng tôi thật buồn khi phải thông báo Paul Pogba cần thêm thời gian hồi phục sau ca phẫu thuật", Eurosport dẫn lời người đại diện Rafaela Pimenta. "Vì vậy, Pogba sẽ không ra sân cho Juventus trước khi World Cup 2022 khởi tranh, cũng như ĐTQG Pháp tại Qatar".
Pogba chấn thương sụn chêm gối phải trong một buổi tập của Juventus ở Los Angeles hồi cuối tháng 7. Kiểu chấn thương này đòi hỏi thời gian phục hồi lâu. Theo RMC Sport, Pogba mất ít nhất từ 8 đến 10 tuần để bình phục. Chưa hết, tiền vệ người Pháp dính chấn thương bắp đùi trong buổi tập ngày 9/11 của tuyển Pháp.
Đây không phải lần đầu tiên anh bị chấn thương. Từ năm 2019 đến nay, năm nào MU cũng phải đau đầu vì tiền vệ người Pháp gặp rất nhiều chấn thương. Đa số đều chấn thương chân, trải qua các cuộc phẫu thuật và cần nhiều thời gian để hồi phục.
Sự nhanh nhẹn của cầu thủ, vận động viên rất đáng kinh ngạc. Những pha giao bóng hay tình huống của họ khiến đối thủ bất ngờ. Họ đổi hướng, chạy nước rút, chuyền, tấn công, phòng thủ rất dẻo dai. Tuy nhiên, những bước di chuyển này có thể trả giá đắt nếu xảy ra sai lầm. Đó chính là rách sụn chêm. Đây là một trong những chấn thương đầu gối phổ biến nhất, không chỉ với giới cầu thủ, vận động viên. Theo Penn Medicine, bất kể ai cũng có thể bị rách sụn chêm, ở mọi tuổi tác, nghề nghiệp.
Bệnh nhân vẫn có thể đứng và đi lại sau vết thương ban đầu, cảm giác thậm chí chỉ hơi đau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết rách. Điều này khiến bạn nghĩ vết rách sụn khớp là chấn thương nhẹ. Nhưng nếu không được điều trị, vết rách sụn chêm có thể gây ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày. Nếu không được điều trị, một phần của mặt khum có thể bị lỏng và trượt vào khớp. Bệnh nhân sẽ cần phẫu thuật để phục hồi chức năng đầu gối.
Trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể phát triển thành các vấn đề về đầu gối lâu dài, chẳng hạn viêm khớp. Ngoài ra, việc di chuyển khi bị rách sụn chêm có thể kéo các mảnh sụn đâm vào khớp, gây ra nhiều vấn đề lớn hơn ở đầu gối và bệnh nhân cần phải phẫu thuật nhiều lần để hồi phục.
Mỗi đầu gối có hai nêm khum, đóng vai trò là lớp đệm giữa xương đùi và xương ống chân. Rách sụn chêm thường gặp ở các vận động viên, đặc biệt là người chơi các môn thể thao đòi hỏi phải ngồi xổm, vặn người và thay đổi tư thế nhiều.
Khi sụn chêm bị rách, nạn nhân sẽ cảm nhận được tiếng bốp, sau đó là đau khớp gối, sưng cứng khớp gối, khó duỗi thẳng chân.
Chấn thương rách sụn chêm của Paul Pogba là loại rất phổ biến. Ảnh: Injury Season. |
Sức bền là một phần quan trọng của thể thao. Với một số vận động viên, rách sụn chêm có thể tự lành theo thời gian. Song, sự thật là có nhiều loại rách sụn chêm khác nhau. Một số vết rách sẽ không thể lành nếu không được điều trị.
Nếu vết rách nằm ở 1/3 bên ngoài của sụn chêm, nó có thể tự lành hoặc phẫu thuật nhỏ để chữa trị. Nguyên nhân là khu vực này có nguồn cung cấp máu dồi dào, các tế bào máu có thể tái tạo mô sụn - hoặc giúp nó lành lại sau khi sửa chữa phẫu thuật.
Nhưng nếu vết rách ở 2/3 bên trong, thiếu máu lưu thông, nó không thể tự sửa chữa được và có thể phải cắt bỏ.
Khi bệnh nhân nhập viện vì rách sụn chêm, bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình kiểm tra vết thương. Trong quá trình kiểm tra, họ có thể kiểm tra độ mềm khớp gối và di chuyển chân để đo phạm vi chuyển động của đầu gối. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu kiểm tra hình ảnh như chụp cộng hưởng từ hoặc chụp X-quang, nhằm xác định chính xác vị trí và mức độ nghiêm trọng của vết rách.
Quá trình điều trị tốt nhất sẽ được xác định dựa trên vị trí, mức độ và loại vết rách, cũng như độ tuổi và mức độ hoạt động của bệnh nhân.
Điều trị không phẫu thuật cho những vết rách có thể tự lành gồm vật lý trị liệu, băng bó, nghỉ ngơi, uống thuốc chống viêm.
Với những vết rách nghiêm trọng hơn, phẫu thuật thường là cách điều trị tốt nhất. Mục tiêu của phẫu thuật là bảo tồn sụn chêm bằng cách sửa chữa hoặc cắt bỏ phần bị rách. Quy trình này thường được thực hiện bằng phương pháp nội soi khớp. Hậu phẫu, bệnh nhân có thể cần tham gia vật lý trị liệu để tăng cường sức mạnh cho đầu gối, lấy lại chức năng chuyển động.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những con người vượt qua bệnh tật và những trang sách yêu mến cuộc sống ở tuyển tập sách của Zing.
Thiên Nhan
Theo: ZINGNEWS.VN |