Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Dứa bổ dưỡng nhưng ai không nên ăn?

29/05/2023 (08:02:53)

Quả dứa nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi sử dụng dứa, bạn cần chú ý về liều lượng để tránh gây ảnh hưởng sức khỏe.

Dứa là trái cây nhiệt đới, giàu vitamin, enzyme và chất chống oxy hóa. Ảnh: Webekspor.

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), cho biết dứa là trái cây nhiệt đới, giàu vitamin, enzyme và chất chống oxy hóa. Bên cạnh đó, dứa còn hỗ trợ tăng cường hệ thống miễn dịch, điều trị chứng khó tiêu.

Lợi ích của dứa

Quả dứa có các thành phần sau đây: Nước 75,7%, protid 0,68%, lipid 0,06%, glucid 18,4% (saccharose 12,43%, glucose 3,21%), chất chiết xuất 4,35%, cellulose 0,57%, tro 1,24%. Chúng có acid citric, acid malic và các vitamin A, B, C.

Trong quả có một chất men tiêu hoá là bromelin, có thể thuỷ phân trong vài phút một lượng protein bằng 1.000 lần trọng lượng của nó. Ngoài ra, dứa còn có iod, magnesium, mangan, kalium, calcium, phosphor, sắt, lưu huỳnh. Dứa là loài quả có chứa nhiều axit hữu cơ cao như axit malic và axit xitric.

Theo Y học cổ truyền, quả dứa có vị chua ngọt, tính bình. Dứa có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, giúp tiêu hoá. Nước dứa nhuận tràng, tiêu tích trệ. Nõn dứa thanh nhiệt giải độc, rễ lợi tiểu. Dịch ép lá và quả chưa chín có tác dụng nhuận tràng và tẩy rửa.

"Dứa có thể giúp giảm cân bởi đảm bảo 2 tiêu chí: Lượng calo ít và cần nhiều năng lượng để tiêu thụ. Dứa cũng rất giàu chất xơ nên hỗ trợ tiêu hóa tốt, làm tăng khả năng thanh lọc độc tố khỏi cơ thể. Ăn dứa sẽ đem lại cho bạn cảm giác no lâu, giảm cảm giác thèm ăn", BSCKII Huỳnh Tấn Vũ nói.

Chất xơ có trong dứa sẽ giúp điều chỉnh quá trình giải phóng và hấp thụ carbonhydartes, thúc đẩy quá trình chuyển hóa năng lượng, chống lại việc tích tụ chất béo trong cơ thể.

Theo bác sĩ Vũ, nấu ăn sử dụng dứa giúp các món có thịt mềm, dễ tiêu, hấp thu đạm nhiều hơn mỡ. Chúng cũng là cách giúp cơ thể bớt hấp thu mỡ. Đến nay, chúng ta chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh khả năng làm giảm mỡ máu của quả dứa nhưng rất có giá trị trong việc ngăn ngừa tích tụ chất béo trong cơ thể.

Lưu ý khi ăn dứa

Vị chuyên gia cho hay khi ăn dứa, người dân cần phải cắt gọt hết các “mắt dứa”. Trong mắt quả dứa có chứa một số nấm (Candida), nếu ăn phải rất dễ bị ngộ độc.

ai khong nen an dua anh 1

Trong mắt quả dứa có chứa một số nấm (Candida), nếu ăn phải rất dễ bị ngộ độc. Ảnh: Discoverhongkong.

Dứa cũng chứa hàm lượng carbohydrate và đường cao. Vì vậy, người có đường huyết cao nên thận trọng. Loại quả này chứa nhiều vitamin C. Tiêu thụ quá nhiều vitamin C có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng hoặc ợ nóng.

Dứa không chứa chất béo và protein mà có thành phần acid, uống quá nhiều có thể gây sâu răng.

"Một số người có thể cảm thấy rát hoặc khó chịu trong miệng, môi hoặc lưỡi sau khi uống nước dứa. Đây là tác dụng phụ do enzyme bromelain gây nên", bác sĩ Vũ cho biết.

Bên cạnh đó, lượng bromelain trong dứa cao cũng có thể gây phát ban da, nôn mửa, tiêu chảy và chảy máu kinh nguyệt quá nhiều.

Chuyên gia này khuyến cáo những người dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống đông máu, thuốc làm loãng máu, thuốc chống co giật, thuốc Benzodiazepin, thuốc trị mất ngủ và chống trầm cảm ba vòng nên cẩn thận, không ăn quá nhiều dứa. Bromelain có thể có tác dụng kháng tiểu cầu lên máu, làm tăng khả năng chảy máu quá mức.

Ăn dứa chưa chín có thể gây ngộ độc dẫn đến tiêu chảy và nôn mửa nghiêm trọng. Ngoài ra, bạn nên tránh ăn lõi dứa, bởi các sợi xơ có thể gây cản trở hệ thống tiêu hóa và đầy hơi, chướng bụng.

Quả dứa có nhiều acid hữu cơ và enzyme bromelain, có tác dụng làm tiêu protein, không có lợi cho người đau dạ dày, làm tăng viêm loét. Nếu ăn dứa tươi vào lúc đói, các axit hữu cơ của dứa và bromelin tác động vào niêm mạc dạ dày, ruột, dể gây nôn nao, khó chịu.

Cuốn sách bên bờ sự sống

Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.

Phương Anh

Theo: ZINGNEWS.VN


Sức khỏe (Tin trước)