25/11/2022 (06:30:43)
Phòng khi bị ốm, anh Phúc hay dự trữ thuốc tại nhà, trong khi chị Bảo Anh không có thói quen uống thuốc khi bị bệnh vặt, chị cho rằng ăn đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp nhanh khỏi hơn.
TP.HCM vừa trải qua những ngày mưa nhiều, chia thành nhiều đợt từ sáng đến chiều. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh. |
Dầm mưa 3 ngày liên tục, Minh Phúc (23 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) bị sốt gần 38 độ C, kèm theo hắt hơi, nghẹt mũi, đau đầu và cảm giác mệt mỏi khắp người.
"Trong nhà có sẵn thuốc sốt và đau đầu, vừa đủ để mình uống khoảng 2 ngày. Nhưng sau đó, mình lại bị đau họng và nghẹt mũi nên phải ra tiệm mua thêm", anh Phúc nói.
Bảo Anh (22 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) cũng bị bệnh mấy ngày gần đây, không bị sốt nhưng cảm thấy lừ đừ, đau họng và sổ mũi. Chị không uống thuốc mà chỉ cố ăn nhiều chất dinh dưỡng.
Dù đã cuối mùa mưa, TP.HCM những ngày qua ghi nhận hàng loạt cơn mưa, rả rích kéo dài từ sáng đến chiều, kèm theo đó là nhiệt độ thấp vào buổi sáng sớm. Theo ghi nhận của Zing, nhiều người cảm lạnh vì mắc mưa trên đường đi làm, hoặc trở về nhà.
"Tuần trước, khi đang trên đường về nhà, mình bị mắc mưa. Chỉ khoảng 2 km nữa là đến nơi, mình lười mặc áo mưa nên chạy thẳng về nhà. Tối đó, cơ thể vẫn ổn, không thấy có dấu hiệu bị cảm. Hai ngày sau, mình liên tục mắc mưa nên đã phát sốt và cảm thấy rã rời", anh Phúc chia sẻ.
Vừa sợ lây bệnh cho đồng nghiệp, vừa lo ngại cho sức khỏe khi phải chạy hơn 12 km đến công ty, anh Phúc xin làm việc tại nhà trong 2 ngày.
Lúc ban đầu, anh Phúc nghĩ khi làm ở nhà sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ hơn. Nhưng thực tế, anh phải đặt cháo hoặc súp về nhà vì công việc nhiều đến nỗi không còn sức và thời gian để nấu ăn.
"Công việc chồng chất nhưng lại bị ốm nên mình cảm thấy khó tập trung làm việc. Đôi khi, mình phải uống cà phê để không buồn ngủ và giúp tỉnh táo hơn", anh nói.
Sau khi khỏi bệnh, anh Phúc cố hoàn thành hết công việc vào ban ngày để tối không phải làm thêm và có thể đi ngủ sớm. Ngoài ra, mỗi sáng anh dậy sớm hơn 20-30 phút để nấu cơm mang đi làm. Anh cho rằng khi vừa hết bệnh, ăn cơm nhà sẽ dinh dưỡng và chất lượng hơn mua bên ngoài.
Với thói quen dự trữ thuốc tại nhà, anh Phúc có triệu chứng nào thì uống ngay thuốc đó mà không cần ra tiệm mua. Ảnh: Pexels. |
Trái với anh Phúc, chị Bảo Anh không dầm mưa, không mắc cúm hay Covid-19 nhưng lại cảm thấy uể oải, đau họng và sổ mũi nhẹ khoảng 3-4 ngày.
"Lúc đầu thấy đau họng mình cứ sợ mắc Covid-19 nhưng rất may mình không có sốt và thử test nhanh thì âm tính. Mình vẫn đi làm như bình thường nhưng cơ thể cảm thấy khó chịu và mệt mỏi. Trước đó, công ty có vài đồng nghiệp mắc các triệu chứng tương tự, nên mình có thể bị lây họ lây", chị Bảo Anh cho biết.
Thường bị bệnh vặt và hồi phục chỉ sau vài ngày, nên lần này chị Bảo Anh cũng không uống thuốc. Thay vào đó, chị sẽ ăn thức ăn nhiều chất dinh dưỡng hơn, bổ sung trái cây và uống nước ép để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
"Bình thường, mình ăn đúng giờ và đủ 3 bữa. Vì cơ thể dễ tăng cân, mình chỉ ăn vừa đủ no chứ không ép bản thân ăn nhiều. Khi bị cảm, ngoài 3 bữa chính, mình sẽ ăn thêm trái cây, uống sữa hay bánh mì ngọt vào các bữa phụ. Mình cho rằng dù mắc bệnh nào đi nữa, ăn uống đầy đủ cũng giúp nhanh hồi phục hơn", chị Bảo Anh chia sẻ.
Trao đổi với Zing, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), cho biết khi thời tiết lạnh, sức đề kháng của mọi người có thể suy giảm. Lúc này, một số virus hay vi khuẩn vốn lành tính trong khoang miệng và niêm mạc đường hô hấp có thể phát triển mạnh, gây ra bệnh.
Hai loại bệnh chủ yếu xảy ra trong mùa này là cảm lạnh (nhiễm virus đường hô hấp cấp) và nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
Bệnh nhân cảm lạnh có thể có các nhóm triệu chứng như sau:
- Triệu chứng về viêm đường hô hấp trên bao gồm hắt hơi, chảy nước mũi, ngạt mũi, ho khan, rát họng, đau họng khi nuốt…
- Triệu chứng toàn thân do nhiễm virus bao gồm sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức cơ khớp và xung huyết da.
Một số bệnh nhân có thể có các triệu chứng về tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau bụng…
Theo bác sĩ Hoàng, trẻ em, người già, người có bệnh mạn tính (tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh thận, bệnh phổi mạn tính...) và có sức đề kháng giảm thường gặp các biến chứng như:
- Viêm phổi do virus.
- Viêm phổi do vi khuẩn bội nhiễm.
- Nhiễm khuẩn huyết, từ đó gây sốc nhiễm khuẩn hoặc suy các cơ quan như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận…
Để phòng chống bệnh khi thời tiết thay đổi, bác sĩ Hoàng đưa ra một số lời khuyên như sau:
- Luôn ăn uống đủ chất và uống đủ nước.
- Tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn và đảm bảo ngủ đủ giấc.
- Hạn chế hút thuốc lá, đồ uống có cồn và chất kích thích.
- Giữ ấm khi đi ra ngoài và khi ngủ.
- Bổ sung vitamin bằng cách tăng cường ăn rau củ quả tươi, hoặc dùng một viên vitamin tổng hợp mỗi ngày.
- Súc miệng bằng nước muối sinh lý ấm và dung dịch sát khuẩn (povidone iodine 1% hoặc chlorhexidine 0,12-0,2%), 2-3 lần/ngày.
- Tiêm phòng cúm mùa và phế cầu.
Ngoài ra, bệnh nhân hay mắc các bệnh đường hô hấp như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm họng, viêm xoang, viêm amidan mạn tính... cần đi khám bác sĩ để có phương án phòng bệnh phù hợp.
Một số người có sức đề kháng kém cũng nên đi khám bác sĩ để được kê toa các loại thuốc hay thực phẩm chức năng có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch.
Theo bác sĩ Hoàng, khi đến chỗ đông người chúng ta cần đeo khẩu trang, đảm bảo về ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Bên cạnh đó, bác sĩ Hoàng cho biết dùng mật ong kết hợp với gừng, tỏi, chanh hay quất… mỗi ngày rất hiệu quả trong việc nâng cao sức đề kháng của hệ hô hấp.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những con người vượt qua bệnh tật và những trang sách yêu mến cuộc sống ở tuyển tập sách của Zing.
Nam Giao
Theo: ZINGNEWS.VN |