13/11/2022 (18:05:39)
Đến với tennis sau khi được đồng nghiệp rủ, anh Bình chỉ duy trì hứng thú với bộ môn này khoảng một năm trước khi quyết định “gác vợt”.
Nhiều người dừng chơi tennis sau khi chi nhiều tiền cho đồ tập với các lý do khác nhau. Ảnh: valentin_balan. |
Nhân dịp dọn nhà cuối tuần, anh Nguyễn An Bình (35 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) bất ngờ tìm thấy bộ vợt tennis cũ vốn từng rất được nâng niu ở thời điểm cách đây 2 năm.
Khi đó, anh Bình cùng một nhóm đồng nghiệp gồm 6 người, cả nam và nữ, thường xuyên hẹn gặp tại sân tennis gần công ty sau giờ làm để giải trí kết hợp tập luyện, cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, thói quen này không duy trì được quá lâu.
“Ban đầu, tôi cùng mọi người trong nhóm đều cảm thấy khá hào hứng với bộ môn này. Việc được ra sân chơi thể thao sau một ngày dài tiếp xúc với máy tính cũng khiến chúng tôi dễ chịu, bớt căng thẳng”, anh Bình nhớ lại.
Sau những ngày đầu làm quen, học các kỹ thuật cơ bản, nhóm của anh Bình bắt đầu có sự chuẩn bị kỹ càng hơn trước mỗi buổi tập tennis thông qua việc đầu tư cho một số món đồ tập.
Cụ thể, khi mới bắt đầu, anh Bình chỉ mua lại một cây vợt cũ của người quen với giá 2 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi thử và nghĩ có thể duy trì tập bộ môn này, người đàn ông quyết định sắm một cây vợt mới, chất lượng tốt hơn có giá 3,5 triệu đồng.
Bộ đồ dùng tennis cũ được anh Bình tìm lại sau 2 năm không sử dụng. Ảnh: NVCC. |
Bên cạnh đó, nhận thấy đôi giày thể thao cũ không phù hợp với việc di chuyển và mặt sân tennis, anh Bình cũng mua thêm đôi giày mới dành riêng cho việc chơi tennis. Mức phí cho đôi giày này là 3 triệu đồng.
Ngoài ra, người đàn ông này còn mua áo cùng một số phụ kiện như băng tay, bó gối dành cho vận động viên tennis với chi phí rơi vào khoảng 2 triệu đồng.
Việc có sự chuẩn bị phần nào khiến anh Bình thêm hào hứng trước mỗi buổi chơi tennis. Người đàn ông này thậm chí chủ động tìm thêm các kỹ thuật đánh khác nhau trên Internet với mục tiêu chơi giỏi hơn.
“Có một khoảng thời gian, tôi cũng không nhớ rõ nguyên nhân chính xác nhưng đa phần vì bận rộn với công việc, gia đình… tâm lý háo hức thời gian đầu cũng không còn nên các thành viên trong nhóm xin nghỉ dần. Bản thân tôi cũng không còn hứng thú như trước”, anh Bình chia sẻ.
Cứ như vậy, nhóm chơi tennis của anh Bình không còn đủ số người chơi cần thiết và cuối cùng dừng hoạt động đến nay. Dù vậy, người đàn ông này cũng bỏ ngỏ ý định quay lại với tennis trong tương lai nếu có thể bố trí thời gian và tập hợp được nhóm chơi.
Tương tự, anh Trần Hồng Quân (32 tuổi, ngụ Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ cũng đã bỏ tennis được khoảng một năm nay. Trước khi đến với tennis, anh Quân cũng thường xuyên đi đá bóng cùng đội của công ty và khu chung cư với tần suất 2 buổi/tuần.
“Tôi vốn là người thích thể thao nên khi được một nhóm bạn thời đại học rủ chơi tennis - bộ môn khá mới mẻ với tôi - tôi cũng rất hào hứng và đồng ý ngay”, anh Quân nhớ lại về cơ duyên với tennis.
Để chuẩn bị cho trải nghiệm mới, người đàn ông này đã tìm tới một cửa hàng chuyên bán phụ kiện của các môn thể thao phối hợp để sắm một lượt các đồ dùng cần thiết gồm vợt, giày, tất, mũ, băng quấn tay…
Dù đều là các món đồ cơ bản, đơn hàng của anh Quân khi đó cũng rơi vào khoảng 8 triệu đồng.
Bắt đầu với sự chuẩn bị kỹ lưỡng là vậy, tuy nhiên, người đàn ông này bắt đầu gặp nhiều khó khăn trong quá trình học và tập luyện tennis. Khác với bóng đá, tennis đòi hỏi nhiều hơn về khả năng phối hợp giữa nhiều bộ phận trên cơ thể. Mặt khác, việc kiểm soát lực tay, độ nảy của trái banh nỉ cũng khiến anh Quân chật vật.
“Khi chưa thử, tôi cũng không nghĩ việc đánh một trái bóng đến đúng vị trí mong muốn lại khó đến vậy. Việc phối hợp vị trí với đồng đội khi đánh đôi cũng không hề dễ dàng”, anh Quân kể.
Theo thời gian, người đàn ông này thừa nhận việc không thể tiến bộ và thường xuyên nằm trong nhóm “trình độ yếu” khiến anh không còn quá thích thú trước mỗi buổi chơi. Bên cạnh đó, lịch trình làm việc ngày càng dày kết hợp việc lập gia đình gần đây cũng khiến anh Quân dừng việc tập tennis hàng tuần.
Chia sẻ với Zing, HLV tennis Nguyễn Văn Sách (tên thường gọi trong cộng đồng tennis là Sách Sport), cho biết trong suốt 20 giảng dạy và huấn luyện đã gặp rất nhiều trường hợp bỏ ngang sau khi vừa đến với bộ môn này.
“Có rất nhiều lý do khác nhau cho những trường hợp này. Một số người phải bỏ do không đủ điều kiện kinh tế, có người không thể thu xếp thời gian. Đáng nói, khá nhiều người quyết định dừng chơi tennis sau một thời gian tập luyện nhưng không tiến bộ”, HLV Sách nói.
Người mới chơi tennis nên tìm các món đồ phù hợp với cơ thể và chỉ thực sự đầu tư khi cảm thấy thích thú. Ảnh minh họa: thisisengineering_raeng. |
Theo đó, những trường hợp này dù đầu tư rất nhiều cho trang phục, dụng cụ cũng như thời gian cho tennis, việc chơi bộ môn này vẫn gây nhiều khó khăn, dẫn đến tâm lý chán nản và cuối cùng là từ bỏ.
HLV Sách đưa lời khuyên: “Khi đến với tennis, người chơi cần có niềm yêu thích và đam mê với bộ môn này. Đây là yếu tố đầu tiên để gắn bó với nó. Ngoài ra, sự kiên trì cũng rất cần thiết, dù với bất cứ môn thể thao hay phương pháp tập luyện nào”.
Vị chuyên gia cũng lưu ý người mới chơi tennis nên chịu khó tập các động tác cơ bản không bóng trong thời gian đầu trước. Sau đó, khi có tiến bộ, sự hứng thú và đam mê với tennis cũng sẽ dễ tăng lên.
“Nếu cứ tập nhưng lại tụt lùi về trình độ so với chính bạn chơi của mình, chúng ta sẽ sẽ có cảm giác chán và bỏ dở. Đây là điều rất đáng tiếc”, HLV Sách chia sẻ.
Từ đây, vị chuyên gia này cũng gợi ý người có ý định chơi hoặc mới chơi tennis nên chuẩn bị sẵn một số yếu tố cơ bản như sức khỏe, đồ tập bao gồm vợt, giày, balo hoặc túi đựng và trang phục.
HLV tennis Nguyễn Văn Sách trên sân tập. Ảnh: NVCC. |
Với đồ tập, HLV Sách cho biết người chơi tennis hoàn toàn có thể lựa chọn các sản phẩm phù hợp với điều kiện thể chất và tài chính của cá nhân. Nếu có điều kiện, vị chuyên gia cũng cho rằng người chơi nên lựa chọn các sản phẩm có chất lượng tốt từ những thương hiệu uy tín trên thị trường.
Trong khi đó, yếu tố sức khỏe cũng cần được chú trọng. Với những người có thể trạng kém, việc chăm chỉ rèn luyện, bổ sung các bài tập thể lực song song với kỹ thuật tennis sẽ bổ trợ quá trình tập và chơi bộ môn này.
Mặt khác, để tiến bộ nhanh chóng hơn khi chơi tennis, HLV Nguyễn Văn Sách khuyên những người mới nên tập chậm, rèn luyện kỹ thuật đúng và chắc chắn thay vì vội vàng vào sân chơi ngay.
“Tư tưởng của phần lớn người mới làm quen với tennis là thích nhanh chóng được ra sân, chơi với bạn bè. Tuy nhiên, tennis là bộ môn khá khó khi so sánh với cầu lông hay bóng bàn. Điều này khiến nhiều người mới ban đầu chủ động ra sân chơi nhưng sau đó lại phải học và tập kỹ thuật từ đầu”, HLV Sách chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, với bóng bàn hay cầu lông, trọng lượng của chiếc vợt khá nhẹ, độ di chuyển khi chơi cũng nhanh hơn. Trong khi đó, bóng và vợt của tennis đều có độ nảy, trọng lượng khá cao. Từ đây, nếu không có quá trình học cũng như rèn luyện phù hợp, người chơi rất dễ gặp chấn thương hay sai sót về mặt kỹ thuật.
“Bản thân việc sai kỹ thuật cũng gây rất nhiều cản trở trong sự tiến bộ sau này của người chơi”, HLV Sách khẳng định.
Vị chuyên gia khuyên những người mới chơi tennis nên tập các động tác không bóng nhiều trước, dành khoảng 5-10 phút mỗi ngày để thực hành một số động tác cơ bản cho thầy giáo, HLV đề ra.
Sau khi đã thành thục những động tác này, khi ra sân, người chơi có thể dành thời gian cho việc quan sát bóng, kiểm soát vợt, từ đó điều khiển đường bóng tốt, chuẩn hơn.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.
Quốc Toàn
Theo: ZINGNEWS.VN |