23/09/2022 (10:33:32)
Theo các nghiên cứu mới, uống đều đặn 4 tách trà xanh, đen hay ô long trở lên mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 đến hơn 17%.
Uống 4 cốc trà trở lên mỗi ngày giúp giảm nguy cơ bệnh tiểu đường. Ảnh: Getty Images. |
Medical News Today trích dẫn một nghiên cứu mới được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh tiểu đường châu Âu ở Stockholm (Thụy Điển) cho thấy uống ít nhất 4 tách trà các loại như trà đen, xanh hoặc ô long mỗi ngày có thể làm giảm 17% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 trong khoảng thời gian trung bình 10 năm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới hiện có khoảng 422 triệu người đang sống chung với bệnh tiểu đường. Loại phổ biến nhất là tiểu đường type 2, xảy ra khi cơ thể không thể tạo đủ insulin hoặc trở nên đề kháng với insulin và không thể dễ dàng hấp thụ insulin từ máu.
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học của tổ chức Khảo sát sức khỏe và dinh dưỡng Trung Quốc (CHNS) đã phân tích dữ liệu từ 5.199 người trưởng thành không có tiền sử mắc bệnh tiểu đường đã tham gia khảo sát từ năm 1997 đến năm 2009. Khi bắt đầu nghiên cứu, những người tham gia cung cấp thông tin về các yếu tố lối sống như thói quen ăn uống, tập thể dục, hút thuốc và uống rượu.
Bốn tách trà mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 đến 17% so với những người không uống trà. Ảnh: Getty Images. |
Ban đầu, các nhà nghiên cứu phát hiện những người uống trà và không uống trà trong nghiên cứu của họ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tương tự nhau.
Nhưng khi các nhà nghiên cứu quyết định xem liệu số lượng tiêu thụ giữa những người uống trà có tạo ra sự khác biệt hay không bằng cách thực hiện đánh giá có hệ thống 19 nghiên cứu thuần tập liên quan đến hơn một triệu người trưởng thành từ 8 quốc gia, kết quả đã khác. Họ phát hiện những người uống 1-3 tách trà mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 thấp hơn 4% so với những người không uống. Tuy nhiên, những người uống ít nhất 4 tách trà mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 thấp hơn 17% so với những người không uống trà.
Các tác giả cảnh báo nghiên cứu của họ không chứng minh uống trà làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, nhưng cho thấy uống trà có khả năng đóng góp một phần. Điều này cho thấy lợi ích của trà đối với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường có thể liên quan đến lượng tiêu thụ.
Họ cũng lưu ý họ dựa trên đánh giá của chính những người tham gia về việc tiêu thụ trà và không thể loại trừ khả năng lối sống, các yếu tố sinh lý không được đo lường có thể ảnh hưởng đến kết quả.
Các chuyên gia không tham gia vào nghiên cứu đồng ý với thừa nhận của nhóm tác giả về những thiếu sót của nghiên cứu hiện tại.
Tiến sỹ Kashif M. Munir, phó giáo sư Y khoa tại Trung tâm Tiểu đường và Nội tiết, Đại học Maryland (Mỹ), cho hay việc uống trà có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 vì trong trà có chứa polyphenol - chất được tìm thấy trong nhiều loại thực vật và tạo màu sắc cho một số loại hoa, trái cây, rau.
Polyphenol có đặc tính chống oxy hóa, có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn tổn thương tế bào trong cơ thể. EGCG trong trà làm giảm kháng insulin và giảm nồng độ glucose trong máu bằng cách ức chế hoạt động của α-glucosidase và/hoặc ức chế hoạt động của các enzym khác, cải thiện chức năng nội mô để điều chỉnh phản ứng miễn dịch, đông máu và giãn hoặc co thắt mạch máu.
EGCG trong trà làm giảm kháng insulin và giảm nồng độ glucose trong máu. Ảnh: Getty Images. |
Những tác động này có thể có tác dụng hữu ích trong việc cân bằng glucose và cải thiện nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Các nghiên cứu khác đã phát hiện trà xanh có thể làm giảm lượng đường trong máu bằng cách tăng sản xuất insulin ở chuột. Trong khi đó, trà đen được biết có hàm lượng chất theaflavins cao, có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, ức chế béo phì - yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường - bằng cách thúc đẩy quá trình chuyển đổi nguồn chất béo trắng thành chất béo nâu, do đó hỗ trợ giảm cân, điều chỉnh lượng đường trong máu và chuyển hóa chất béo. Các nhà nghiên cứu kết luận uống trà hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Khi được hỏi về những hạn chế của nghiên cứu, giáo sư Peter Clifton, trợ giảng khoa Khoa học sức khỏe và lâm sàng tại ĐH South Australia (Australia), đã trả lời trên Medical News Today nghiên cứu này mang tính chất dịch tễ học, kết quả chỉ có thể làm nổi bật các liên kết có thể.
Ông thừa nhận chưa rõ liệu thực phẩm là nguyên nhân hay chỉ là có mối liên quan với bệnh tiểu đường. Ngoài ra, các thành kiến có thể gây trở ngại cho nghiên cứu. Giáo sư Clifton nói thêm các thử nghiệm đối chứng cần theo dõi trong vài năm để mang lại kết quả chính xác hơn.
Giáo sư Naveed Sattar, Đại học Glasgow (Scotland), suy đoán: “Có thể, những người uống nhiều trà đã tránh uống đồ uống có hại khác hoặc họ có những hành vi sức khỏe khác khiến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 thấp hơn”.
Việc đề nghị một người uống trà hoặc uống cà phê như biện pháp can thiệp vào lối sống sẽ không hiệu quả vì mọi người không đột ngột thay đổi thói quen không uống trà đã ăn sâu của họ. Vì vậy, nếu không có nhiều bằng chứng khoa học đưa ra, khó thuyết phục người có nguy cơ mắc tiểu đường từ bỏ thói quen cũ của họ.
Những nghiên cứu cụ thể và sâu hơn về tác động của trà và liều lượng đối với người bệnh tiểu đường có thể cung cấp chiến lược chăm sóc phòng ngừa bệnh tiểu đường trong tương lai.
Đây không phải là lần đầu tiên mối quan hệ giữa uống trà và lợi ích sức khỏe được đề cập tới. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Preventive Cardiology cho rằng những người uống trà từ 3 lần một tuần trở lên có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ.
Ngoài ra, việc uống trà ấm thường xuyên, tập thể dục đều đặn, ăn đủ trái cây, rau, ngũ cốc và sử dụng các chất tạo ngọt thay thế cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 hoặc kiểm soát bệnh tốt hơn.
Hiền Thu
Theo: ZINGNEWS.VN |