Các công ty game trong nước cho biết sẽ khó cạnh tranh, thậm chí mất khả năng hoạt động, nếu phải chịu các nghĩa vụ tài chính mới trong bối cảnh thị trường hiện nay.
|
Game online bị đề xuất đưa vào diện thu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều chỉnh hành vi người dùng. Ảnh: Hoàng Sơn. |
Trên cơ sở ngành game tạo ra doanh thu, lợi nhuận lớn so với các loại hình kinh doanh khác và thu hút sự tham gia của mọi độ tuổi, tầng lớp, Bộ Tài chính đề xuất đưa dịch vụ trò chơi điện tử trên Internet thành đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), theo tờ trình Đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi do Bộ Tài chính gửi lên Chính phủ.
Theo ước tính từ Newzoo, tổng doanh thu ngành game năm 2022 trên thế giới đạt 184 tỷ USD và dự kiến năm 2023 sẽ đạt 194 tỷ USD. Cũng theo báo cáo này, năm 2022 trên thế giới có khoảng 3,2 tỷ người chơi game.
“Việt Nam cùng với Đông Nam Á được xem là thị trường mới nổi, với lượng người dùng Internet lớn và đang tăng nhanh”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game Việt Nam, cho biết tại buổi góp ý Đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi ngày 7/5.
|
Nhiều tựa game nổi tiếng đang được phát hành không giấy phép ở Việt Nam qua các nền tảng xuyên biên giới. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và doanh nghiệp sản xuất, phát hành game trong nước, việc đưa game online vào diện chịu thuế TTĐB sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến một ngành công nghiệp nội dung số triển vọng của Việt Nam, trong bối cảnh các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn và chịu cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Thế khó của doanh nghiệp game trong nước
Mức tăng trưởng doanh thu ngành game trong khu vực từ 2020-2025 trung bình ước tính là 8,2% mỗi năm, chỉ số này ở Việt Nam là gần 9%. Dù vậy, doanh thu dự kiến toàn từ ngành game ở thị trường Việt Nam 2022 là 0,8 tỷ USD, vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực như Indonesia với 1,8 tỷ USD, Thái Lan 1 tỷ USD, Malaysia 0,9 tỷ USD và Philippines 0,85 tỷ USD.
“Tuy nhiên, với tỉ lệ tăng trưởng trung bình 9%/ năm, cao hơn trung bình khu vực và lượng người dùng lớn, Việt Nam vẫn là một thị trường rất béo bở trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Trọng Nghĩa cho biết.
Đây cũng là lý do doanh nghiệp phát triển game nội địa phải chịu cạnh tranh gay gắt từ các tập đoàn game và công nghệ toàn cầu. Cũng theo thống kê của Newzoo, tại thị trường Việt Nam năm 2022 tổng doanh thu của các doanh nghiệp nội địa chỉ chiếm khoảng 22%, phần còn lại thuộc về doanh nghiệp nước ngoài.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước về thuế và kiểm duyệt nội dung phải cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp nước ngoài không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào, theo đại diện một công ty phát hành game có mặt tại buổi góp ý.
|
Tuyển thủ eSports của Việt Nam thi đấu tại SEA Games 31. Ảnh: Nguyên Khang. |
Theo thống kê của Cục Phát thanh, Truyền Hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong tổng số hơn 200 doanh nghiệp game Việt Nam đã đăng ký, chỉ còn dưới 20 doanh nghiệp còn hoạt động thường xuyên.
Theo quy định, doanh nghiệp chỉ được cung cấp dịch vụ game online khi có Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản do Bộ TTTT cấp, nhưng trên thực tế số trò chơi phát hành không giấy phép trên không gian mạng lên đến hàng trăm nghìn, theo công bố của Cục PTTH&TTĐT tại cuộc họp về game lậu vào tháng 3. Nhiều đại diện của các công ty phát hành game cho rằng nội dung game lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game được phát hành trái phép, không đóng thuế cho nhà nước.
Thuế tiêu thụ đặc biệt khó tạo ra lợi ích như kỳ vọng
“Nếu chồng thêm thuế TTĐB, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà”, ông Xuân Thắng chia sẻ. Khi đó, thị phần sẽ thuộc về các sản phẩm lậu, không phép.
Doanh thu mỗi năm của game không được cấp phép phát hành tại thị trường Việt Nam vốn đã vào khoảng 5.000 tỷ, chiếm 30% tỷ trọng của toàn thị trường phát hành game Việt Nam, theo thống kê của Cục PTTH&TTĐT.
“Nếu áp thuế TTĐB, rất nhiều doanh nghiệp game, trong đó có VTC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, chắc chắn là chết”, ông Trần Phương Huy, Giám đốc VTC Intecom, nói.
|
Nhiều tựa game chưa được cấp phép, nội dung không lành mạnh, phát hành tại Việt Nam mà không chịu các nghĩa vụ về kiểm duyệt nội dung và thuế. Ảnh: HN. |
Trong khi đó, thuế TTĐB cũng không mang lại lợi ích điều chỉnh hành vi người dùng như nêu ra trong tờ trình của Bộ Tài chính, theo các chuyên gia.
“Trong tháng 4, chỉ có 2,4% người chơi game trả phí trên hệ điều hành iOS và 1,7% trên Android. Trong 100.000 game phát hành hiện nay thì Bộ TTTT chỉ cấp phép khoảng 500. Như vậy, chỉ có 2% người chơi trong 1% các game trên các nền tảng bị ảnh hưởng bởi nghĩa vụ tài chính mới”, bà Nguyễn Thùy Dung, Giám đốc SohaGame, cho biết.
“Khi áp thuế TTĐB sẽ ảnh hưởng đến giá thành dịch vụ của doanh nghiệp trong nước và lựa chọn của người tiêu dùng. Một lựa chọn thay thế hiện nay là các nhà cung cấp toàn cầu, xuyên biên giới. Vì vậy chính sách mới có thể làm giảm nguồn thu và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước”, theo ông Đỗ Việt Hùng, Tổng thư ký Hội thể thao điện tử Việt Nam.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.