03/07/2023 (07:46:57)
Mọi tương tác quan tâm hoặc không quan tâm của người dùng đều ảnh hưởng đến xếp hạng bài viết trên Instagram, Facebook.
Sắp tới, người dùng có thể chọn nội dung mình yêu thích và muốn hiển thị nhiều hơn. Ảnh: Cnet. |
Khi AI ngày càng phổ biến, yêu cầu các công ty công nghệ minh bạch về cách thức hoạt động của công nghệ này ngày càng cao. Trong bài đăng hôm 29/6, Nick Clegg - Chủ tịch các vấn đề toàn cầu của Meta - đã công khai những thuật toán đứng sau những nội dung được đề xuất trên news feed Facebook hay story Instagram, cho thấy ảnh hưởng của AI đến các nền tảng.
Ông khẳng định việc công khai những thuật toán này chính là một phần của quy tắc cởi mở, minh bạch, đáng tin cậy của Facebook và Instagram để người dùng tự do quản lý những nội dung tiếp cận trên mạng xã hội.
Bộ công cụ thuật toán bao gồm 22 phần, được gọi là các “thẻ hệ thống” quy định những nội dung người dùng tiêu thụ, những kết quả tìm kiếm được đề xuất và cách hoạt động của mục thông báo trên các nền tảng mạng xã hội của Meta.
Mỗi thẻ sẽ có đầy đủ thông tin về hệ thống AI đằng sau khả năng xếp hạng và đề xuất nội dung. Đơn cử như thẻ Instagram Explore bao gồm quy trình 3 bước nhằm hiển thị ảnh và video Reels từ những tài khoản lạ.
Trước tiên, hệ thống sẽ tổng hợp những bức ảnh, video Reels công khai trên Instagram. Sau đó, AI sẽ cân nhắc đến cách người dùng tương tác với những nội dung tương tự, được gọi là “dấu hiệu đầu vào”.
Cuối cùng, hệ thống sẽ xếp hạng nội dung đã gom được từ ban đầu. Trong đó, những nội dung có vị trí cao hơn là những nội dung AI dự đoán sẽ dễ thu hút sự quan tâm của người dùng trong tab Khám phá.
Lý thuyết là vậy nhưng Instagram có thể tác động đến quá trình này bằng cách ưu tiên một số nội dung hoặc đánh dấu chúng là “người dùng không hứng thú” để hệ thống tự loại bỏ chúng sau này.
Meta công khai thuật toán đề xuất nội dung. Ảnh: CNN. |
Tương tự, trên Facebook, các bài đăng cũng sẽ được xếp hạng dựa trên 3 tiêu chuẩn chính: bài viết đó có bị các bên fact-check bên ngoài gắn cờ chưa, mức độ thu hút của các bài viết khác thuộc tài khoản đó và lịch sử tương tác của người dùng với tài khoản.
Với thẻ hệ thống cho tính năng tìm kiếm, ứng dụng sẽ tập hợp tất cả kết quả trả lời cho truy vấn của người dùng, chấm điểm dựa trên các tương tác trước đây. Sau đó, hệ thống tiếp tục áp dụng các “bộ lọc bổ sung” và “tiến trình hợp nhất” để chắt lọc và hiển thị kết quả tìm kiếm cuối cùng cho người dùng.
Ngoài 12 “thẻ hệ thống”, bài đăng của Nick Clegg còn đề cập đến tính năng “Tại sao tôi lại thấy bài viết này?” sắp sửa ra mắt trong vài tuần tới. Người dùng có thể nhấn vào mục này tại các bài đăng, video Reels bất kỳ.
Tại đây, một hộp thoại thông báo sẽ hiện ra, liệt kê những tương tác trước đó được lưu trữ trong hệ thống, giúp AI đề xuất nội dung này đến họ. Instagram cũng đang thử nghiệm tính năng Reels cho phép người dùng đánh dấu “Quan tâm” để news feed xuất hiện nhiều nội dung tương tự hơn. Họ có thể cá nhân hóa trang chủ của mình bằng cách tương tác quan tâm/không quan tâm với từng bài vết một.
Ngoài ra, Meta cũng hỗ trợ các nhà nghiên cứu tìm hiểu về nền tảng thông qua thư viện nội dung và giao diện lập trình ứng dụng (API) công khai, chứa rất nhiều tài nguyên từ Facebook và Instagram.
Theo CNN, Meta đã công khai các hệ thống thuật toán giữa bối cảnh người dùng ngày càng lo ngại những rủi ro đến từ trí tuệ nhân tạo từ lan truyền tin giả đến lừa đảo, tống tiền…
“Với những cải tiến công nghệ như AI tạo sinh, mọi người vừa hào hứng với những cơ hội mà nó mang lại, vừa lo lắng về mối nguy từ nó. Do đó, chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để đối mặt với những lo ngại này là minh bạch và công khai hơn”, Chủ tịch Nick Clegg viết.
Nhân loại sẽ đối đầu với trí tuệ nhân tạo như thế nào
Trong cuốn sách "Framers - Nhân loại đối đầu nhân tạo", các tác giả nhận định con người vẫn có lợi thế trong thời đại công nghệ.
Thúy Liên
Theo: ZINGNEWS.VN |