27/01/2023 (08:03:13)
Tết Nguyên đán là dịp để nhiều lớp tổ chức tụ tập, họp lớp nhưng nhiều bạn trẻ không mặn mà với chuyện này vì cảm thấy không thoải mái, ngại bị hỏi chuyện công việc, hôn nhân.
Nhiều người không muốn đi họp lớp vì không thoải mái khi bị hỏi chuyện công việc. Ảnh: Mizzu Cho/Pexels. |
Sáng 30 Tết, Quỳnh Trang (25 tuổi) và những người bạn khác cùng lớp cấp 3 được lớp trưởng thêm vào nhóm họp lớp để bàn chuyện gặp mặt đầu năm. Khi đó, H.N. - bạn cùng bàn của Trang hồi trước - vừa được thêm vào nhóm đã bấm rời nhóm mà không nói lời nào.
N. rời nhóm đột ngột khiến lớp trưởng, Trang và những người khác trong nhóm chat bối rối vì không hiểu nguyên nhân. Trang nhắn tin riêng cho N. để hỏi chuyện, N. chỉ trả lời rằng cô không muốn đi họp lớp vì ghét bị người khác hỏi chuyện đời tư.
“Mình biết N. là người dễ mất năng lượng khi tham gia những bữa tiệc xã giao, nhưng việc N. đột ngột rời nhóm làm mọi người khó xử quá. Đáng lẽ, N. nên báo trước một tiếng rồi rời nhóm, như thế sẽ tốt hơn”, Trang nói với Zing.
H.N. không phải trường hợp duy nhất của lớp Quỳnh Trang từ chối tham gia họp lớp vào ngày Tết. Trang cho biết lớp cô có 40 người, 10 người xin phép rời nhóm họp lớp vì không tham gia. Hôm mùng 4 Tết, cả lớp đến thăm cô chủ nhiệm theo đúng kế hoạch đã bàn hôm 30 Tết nhưng chỉ được 15 người tham gia, số còn lại lấy lý do bận không đến, thậm chí tắt máy, không thể liên lạc được.
“Năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp THPT, lớp mình đi đủ không thiếu một ai. Nhưng các năm sau số người đi họp lớp cứ giảm dần. Năm nay chỉ có 15 người, mình nghĩ năm sau chắc còn 7-10 người”, Trang tâm sự.
Lớp của Tiến Đạt (26 tuổi), cũng rơi vào tình trạng tương tự. Là lớp trưởng, mỗi lần Tết đến, Đạt đều chủ động nhắn tin vào nhóm chat của lớp để lên lịch họp mặt vào mùng 4 hoặc mùng 5.
Giống như các năm trước, một số người xin vắng mặt vì phải đi làm sớm hoặc bận đi du lịch cùng gia đình. Một số người xem tin nhắn nhưng không phản hồi, thậm chí rời nhóm vì cảm thấy bị làm phiền. 8 năm sau khi tốt nghiệp, số thành viên tham gia họp lớp chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhiều người biến buổi họp lớp thành "sàn diễn" cá nhân, nơi khoe khoang tiền bạc và địa vị. Ảnh: Ảnh: Cottonbro studio/Pexels. |
Đạt kể sau khi ra trường, năm đầu lớp tụ tập khá đông đủ nhưng đến năm hai chỉ còn vài người tham gia. Hơn nữa, thời đi học, lớp của Đạt không thân mà chơi theo từng nhóm nhỏ. Do đó, nhiều người chỉ thích họp nhóm, không muốn họp lớp vì không muốn gặp người không thân.
Bích Liên (cựu sinh viên Đại học Hà Nội) cũng không còn hứng thú họp lớp như mọi năm. Với cô, họp lớp là dịp mọi người gặp nhau để hàn huyên, tâm sự. Nhưng kể từ khi đi làm, cuộc sống thay đổi dần, nhiều người không còn nghĩ đến chuyện gặp lại bạn cũ.
Cô nhớ năm ngoái, lớp chỉ có khoảng vài người đi. Thay vì hàn huyên tâm sự, một số người chỉ nói chuyện công việc, khoe tiền lương tiền thưởng. Một người còn dẫn người yêu giàu có đi cùng để "khoe", buổi họp lớp vì thế cũng mất tự nhiên hẳn.
Trước đây, buổi họp lớp của lớp Liên khá rôm rả vì ai cũng có chuyện để kể, nhưng bây giờ mọi người đều dán mắt vào màn hình điện thoại hoặc chỉ đến chụp ảnh đăng Facebook rồi đi về. Liên nói rằng sự khác biệt về điều kiện sống, địa vị xã hội cũng khiến nhiều người trong lớp xa cách, không còn thân thiết như trước.
Trải qua nhiều buổi họp lớp không mấy vui vẻ, Quỳnh Trang nhận thấy áp lực đồng trang lứa là lý do lớn nhất khiến nhiều người không còn muốn gặp lại bạn học cũ. Ở độ tuổi 20, cuộc sống của Trang và bạn bè đều biến động theo công việc và thu nhập, có người thành đạt sớm, nhưng cũng có người chật vật nhiều năm vẫn chưa thể ổn định.
Với những người thành đạt, họp lớp là dịp tốt để “khoe” về sự thành công của bản thân. Trái lại, buổi họp lớp lại là cơn ác mộng của những người chưa có gì trong tay. Họ ngại bị hỏi chuyện công việc, sợ bị bình phẩm, chê bai.
Hơn nữa, những buổi họp lớp đông đúng sẽ khiến nhiều người thấy chán và dễ mất năng lượng. Nếu chỉ tụ tập nhóm nhỏ, mọi người có thể nói chuyện thoải mái và dễ dàng lắng nghe bạn bè tâm sự. Nhưng khi tổ chức các buổi gặp mặt quy mô 10 người trở lên, mọi người khó tìm tiếng nói chung, dễ gây chán, cụt hứng.
Theo Trang, một nguyên nhân khác khiến nhiều người từ chối họp lớp là vướng bận chồng con. Bản thân Trang còn độc thân nhưng nhiều người bạn khác trong lớp đã kết hôn và có con nhỏ. Mỗi lần nhắc chuyện họp lớp, những người bạn này đều nói không thể đi vì phải ở nhà chăm con.
“Nếu muốn người ta tìm cách, còn không muốn thì họ tìm lý do. Mình nghĩ nếu muốn buổi họp lớp được đông đủ, mọi người phải đồng lòng và đều muốn tham gia. Có thể ngay từ đầu bọn mình đã họp lớp sai cách, theo thời gian mọi chuyện lại càng tệ thêm nên giờ rất khó cứu vãn”, Trang nói.
Buổi họp lớp sẽ vui nếu chuyện công việc, địa vị được gác lại. Ảnh: Cottonbro studio/Pexels. |
Tự hào vì sau 6 năm tốt nghiệp, lớp vẫn tụ tập đông đủ vào dịp Tết, Hà Anh (24 tuổi) nói rằng buổi họp lớp phải tổ chức đúng cách, mọi người mới hứng thú và duy trì hoạt động này lâu dài.
Hiểu rõ áp lực đồng trang lứa sẽ phá hỏng bầu không khí của buổi tụ tập, lớp của Hà Anh đều thống nhất không nói chuyện công việc, tiền bạc mà chỉ dừng ở việc hỏi thăm sức khỏe và ôn lại những kỷ niệm cũ. Nhờ nguyên tắc này, mọi câu chuyện liên quan sự nghiệp, địa vị xã hội được gác lại, mọi người đều khá thoải mái khi gặp gỡ và trò chuyện.
Với những bạn ngại đi họp lớp vì đã có gia đình, con cái, lớp của Hà Anh chủ động mời vợ/chồng và con của bạn tham dự cùng. Nhiều người ngại buổi họp lớp sẽ mất vui vì có người ngoài, nhưng lớp Hà Anh lại vui vì có thêm thành viên mới tham gia.
Hà Anh nói thêm một điều cần lưu ý khi tổ chức họp lớp là phải chủ động lên kế hoạch và thống nhất lịch trình từ sớm, tránh thông báo sát ngày khiến các bạn không có thời gian sắp xếp, chuẩn bị. Cô cho rằng việc tôn trọng thời gian, lịch trình của bạn bè cũng là một yếu tố giúp mọi người cảm thấy thoải mái và luôn sẵn sàng tham dự mọi cuộc vui với lớp.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.
Lan Anh - Thái An
Theo: ZINGNEWS.VN |