03/01/2023 (15:10:26)
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình bé Nam, Quân khu 9 sẽ hỗ trợ gia đình một căn nhà, đồng thời đề xuất địa phương tạo công ăn việc làm ổn định cho cha mẹ nạn nhân.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều (bên phải ngoài cùng) đến thăm gia đình bé Hạo Nam. Ảnh: Hoàng Giám. |
Trưa 3/1, thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó tư lệnh Quân khu 9 (Bộ Quốc phòng) đã đến thăm gia đình bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi), nạn nhân lọt xuống ống cọc bê tông sâu 35 m ở công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình).
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, thiếu tướng Nguyễn Minh Triều cho biết Quân khu 9 sẽ hỗ trợ gia đình một căn nhà.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều đến thăm hỏi gia đình anh Thái Văn Tấn Tài trưa 3/1. Ảnh: Hoàng Giám. |
"Sau khi ổn định, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp cùng các cơ quan có liên quan sẽ tiến hành khảo sát, triển khai xây dựng nhà để gia đình sớm có nơi ở ổn định. Đồng thời, đơn vị cũng đề xuất địa phương tạo công ăn việc làm cho hai vợ chồng, sớm ổn định lại cuộc sống", thiếu tướng Nguyễn Minh Triều cho biết.
Về tiến độ cứu nạn, thiếu tướng Nguyễn Minh Triều cho biết các lực lượng phấn đấu trong ngày 3/1 sẽ đưa được bé Nam ra ngoài. Trước đó, hay tin về vụ việc, Quân khu 9 đã yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp sử dụng lực lượng tại chỗ gồm dân quân tự vệ, bộ đội đến hỗ trợ cho lực lượng cứu hộ.
Gia đình bé Hạo Nam còn nhiều khó khăn. Ảnh: Hoàng Giám. |
Căn nhà đang ở của gia đình nạn nhân Thái Lý Hạo Nam thuộc xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), cách hiện trường vụ tai nạn khoảng 500 m. Căn nhà có diện tích khoảng 50 m2, mái lợp tôn cũ kỹ. Vách nhà, sàn nhà được làm bằng cây gỗ địa phương đã xuống cấp nặng. Đặc biệt, phần sàn nhà khá yếu, dễ rung lắc.
11h30 ngày 31/12, Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng ba bạn hàng xóm tới công trình cầu Rọc Sen (xã Phúc Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) để nhặt sắt. Không may, Nam rơi xuống ống cọc bê tông rỗng, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35 m.
Phương án giải cứu bé Nam được đưa ra là dùng xe đóng cọc bê tông khoan nhồi, lay động để làm loãng bùn đất xung quanh cọc. Sau đó, đơn vị thi công đóng ống vách thép có đường kính 1,5 m xuống sâu lòng đất, vây quanh cọc bê tông có em Nam bên trong. Khi đủ điều kiện, đội cứu hộ cứu nạn sẽ tiến hành kéo ống cọc bê tông lên.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp đánh giá đây là trường hợp cứu nạn hy hữu. Phương án giải cứu bé Nam cũng là lần đầu tiên được thực hiện tại địa phương.
Phương án giải cứu bé Nam là làm loãng địa chất xung quanh để tiến hành nhổ ống cọc bê tông. Đồ hoạ: Duy Anh. |
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Vân Trang - Hoàng Giám
Theo: ZINGNEWS.VN |