01/01/2023 (09:10:13)
Sau khoảnh khắc đón năm mới, các tài xế liên tục tắt ứng dụng, không nhận cuốc xe công nghệ. Điều này khiến nhiều người dù chờ đến 2h sáng vẫn không thể đặt được xe về nhà.
Sau khoảnh khắc đón năm mới tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, người dân đợi đến 2h sáng vẫn liên tục bị huỷ chuyến, không đặt được xe. Ảnh: Anh Nhàn. |
Tới 2h ngày 1/1, chị Thanh Thảo (28 tuổi, TP Thủ Đức) vẫn chưa đón được xe công nghệ về nhà sau khi xem chương trình chào năm mới và bắn pháo hoa tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM).
Cô gái này đặt chuyến xe taxi, xe máy ở cả 3 ứng dụng đặt xe công nghệ phổ biến nhất hiện nay nhưng không ứng dụng nào nhận khách, dù giá cước báo tăng gấp 3 so với ngày thường. Không còn cách nào khác, cô gái phải gọi điện "cầu cứu" người thân tới đón về.
"Mọi khi về nhà tôi chỉ tốn 40.000 đồng, nay đã tăng lên 120.000 đồng đối với xe máy, xe 4 chỗ thì hết 400.000 đồng nhưng không có tài xế nào nhận xe. Năm ngoái vật vã gửi xe nên năm nay tôi quyết định đi xe công nghệ cho đỡ vất vả, nhưng không ngờ tới 3h mới có thể về tới nhà”, chị Thảo bày tỏ.
Giống như Thảo, rất nhiều khách đều không đặt được xe về nhà, phải vật vã ngồi chờ ở các tuyến đường quanh phố đi bộ. Họ đi bộ ra các con đường lớn để mong nhanh bắt được xe công nghệ. Người nào may mắn cũng phải mất hơn 2 giờ mới đón được xe. Trong khi đó, nhiều tài xế các hãng công nghệ không mở ứng dụng, họ đón khách trực tiếp tại đây để không bị trừ tiền phí.
Hành khách ngồi đợi xe quanh các tuyến đường Hồ Tùng Mậu, Hàm Nghi, Huỳnh Thúc Kháng trong ngày đầu năm. Ảnh: Anh Nhàn. |
Ghi nhận của Zing đến 2h30 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhiều bạn trẻ vẫn phải mòn mỏi đợi tài xế nhận cuốc xe, kể cả khi đường phố đã thông thoáng hơn. Tuy nhiên, khi di chuyển ra đầu đường Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng... các tài xế của hãng xe công nghệ đợi sẵn, mời gọi khách đi như xe ôm truyền thống.
"Tôi tới phố đi bộ từ 3h chiều của năm cũ, tới 3h sáng của năm mới thì mới có thể trở về nhà. Thật là một trải nghiệm nhớ đời", Hoàng Anh (22 tuổi, quận Tân Phú) chia sẻ.
Hoàng Anh kể cô và nhóm bạn đón taxi từ Tân Phú tới phố đi bộ từ sớm nên chỉ kịp ăn bánh ngọt, nước suối. Đến khi chương trình tổ chức xong, cả nhóm tranh thủ ghé quán phở trên đường Hải Triều ăn lót dạ, một phần cũng đợi dòng người thưa thớt để dễ bắt xe hơn.
Trái với suy nghĩ của cô gái này, hơn 2 giờ trôi qua, nhóm bạn của Hoàng Anh thay nhau đặt xe nhưng không được, xung quanh đây cũng không có nhiều taxi như mọi khi.
Trao đổi với phóng viên, một tài xế công nghệ cho biết rất khó để người dân đặt được cuốc xe trong thời điểm lễ Tết. Người tài xế lý giải vào những ngày này, người dân ra đường đông nghẹt, nhu cầu đặt xe tăng cao nên họ "tranh thủ" tắt ứng dụng, hoạt động bên ngoài để tránh phải trả phần trăm phí cho đơn vị quản lý. Đây là một mẹo được xe taxi và xe ôm công nghệ thường sử dụng.
Nam tài xế cho biết chỉ trong một số ngày lễ mới xuất hiện tình cảnh trên. Người này không dám mở điện thoại để tránh việc xuất hiện định vị trên ứng dụng. Do vậy với những đoạn đường cần tra bản đồ, anh sẽ phải hỏi lại khách đường đi.
"Tất nhiên chúng tôi lấy giá cao hơn ngày thường. Ví dụ với quãng đường khoảng 3 km, ngày thường hết 33.000 đồng thì trong ngày lễ, chúng tôi lấy 60.000-70.000 đồng. Số tiền này còn không phải trả phí cho đơn vị xe công nghệ", nam tài xế chia sẻ.
Tối 31/12, TP.HCM tổ chức chương trình chào đón năm mới trên phố đi bộ Nguyễn Huệ từ 17h30 đến qua thời khắc năm mới. Chương trình có sự tham dự của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn nghệ thuật nên đã thu hút rất đông người dân đổ về theo dõi.
Sách hay về đô thị
Bốn thành phố biến mất - nhà báo nổi tiếng về mảng khoa học Annalee Newitz đưa độc giả bước vào một cuộc phiêu lưu đầy thú vị và rất cuốn hút khi tìm hiểu lịch sử của cuộc sống đô thị. Tác giả khám phá sự ra đời, phát triển, rồi sụp đổ của bốn thành phố cổ đại, trong đó, mỗi thành phố là trung tâm của một nền văn minh phát triển rực rỡ.
Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương như những thước phim ký ức quay chậm đưa độc giả về lại với một Sài Gòn của những địa danh Hồ Con Rùa, chợ Bến Thành... và một Gia Định xa xưa của thời lưu dân mở cõi hơn 300 năm trước.
Hà Nội một thuở phố và người ghi dấu những nét văn hóa riêng, đặc trưng của Hà Nội và người Hà Nội qua từng thời kỳ dưới góc nhìn của một con người Hà Nội, đã gắn bó với mảnh đất thủ đô. Tác phẩm như tiếp lửa cho những con người yêu Hà Nội thêm hiểu và gắn bó với mảnh đất này.
Vân Trang - Anh Nhàn
Theo: ZINGNEWS.VN |