17/04/2023 (18:07:35)
An toàn của các chính trị gia cấp cao Nhật Bản trong các buổi vận động bầu cử vẫn khó được đảm bảo khi họ có văn hóa tiếp xúc gần với cử tri.
Nghi phạm ném bom khói vào Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 15/4 bị khống chế tại thành phố Wakayama. Ảnh: AP. |
Chỉ vài tháng sau khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị bắn chết, Thủ tướng Fumio Kishida bị tấn công trong bối cảnh tương tự khi đang diễn thuyết trên đường phố Wakayama trước hàng trăm người.
Dù công tác an ninh cho các buổi diễn thuyết đường phố của Thủ tướng Kishida đã được thắt chặt hơn kể từ sau vụ việc của ông Abe, Japan Times hôm 16/4 cho rằng nguy cơ với các chính trị gia cấp cao của Nhật Bản khó có thể thay đổi nhanh chóng do văn hóa vận động chính trị.
Khi quả bom khói tự chế lao về phía Thủ tướng Kishida và phát nổ hôm 15/4, nó chỉ cách ông một mét lúc ông đang chuẩn bị diễn thuyết trước khoảng 200 người - một cảnh tượng thường thấy tại Nhật Bản trong các buổi vận động chính trị tại đất nước.
So nhiều nước khác, khán giả tại các buổi vận động chính trị ở Nhật Bản thường được phép tiếp cận khá gần với người phát biểu. Tại sự kiện của ông Kishida, khán giả ở hàng ghế đầu gần như có thể chạm vào vị thủ tướng Nhật.
Theo Japan Times, chính trị gia và ứng cử viên trong các buổi vận động bầu cử thường tiếp xúc đám đông sau khi phát biểu. Nguyên nhân là số người bắt tay thường được cho là ảnh hưởng trực tiếp đến số phiếu bầu thu được. Và do đó, điều này khó có thể thay đổi lớn trong một sớm một chiều.
Tuy nhiên, vẫn nhiều câu hỏi được đặt ra về công tác tổ chức an ninh cho các buổi vận động như vậy, theo AP.
Tsutomu Konishi, một cư dân địa phương có mặt tại hiện trường vụ tấn công ông Kishida, mô tả một nhân viên an ninh đã chắn vật thể lạ bay tới bằng chiếc cặp chống đạn. Một số người dân xung quanh ùa vào vây bắt kẻ tấn công giúp cảnh sát.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ một tội ác như thế này lại xảy ra ở quê hương tôi, một khu vực đánh cá khá nhỏ”, ông Konishi, 41 tuổi, nói hôm 16/4. “Tôi vẫn còn sốc và choáng váng.”
“Vào thời điểm thủ tướng đến thăm, có lẽ chúng tôi cần một máy dò kim loại”, ông nói thêm.
Isao Itabashi, một chuyên gia về an toàn công cộng, nói trên đài truyền hình NHK rằng vụ tấn công đã đặt ra câu hỏi về cách quản lý an ninh cho các chiến dịch tranh cử.
Ông nói việc bảo vệ các chính trị gia hàng đầu trong các buổi vận động chính trị còn gặp khó khăn về mặt hậu cần, và việc cân bằng giữa an ninh chặt chẽ với tranh cử tự do cũng là việc khó.
Người dân tập trung nghe Thủ tướng Kishida phát biểu. Ảnh: Kyodo. |
Phản ứng nhanh chóng của những người cận vệ cho Thủ tướng Kishida thể hiện giới làm công tác an ninh đã ý thức được hơn về mối đe dọa đối với các VIP như thủ tướng.
Tuy nhiên, Japan Times cho rằng công tác bảo vệ các VIP trước những "con sói đơn độc" - những kẻ tấn công hành động đơn lẻ - sẽ vẫn là việc khó khăn.
"Việc nắm bắt kế hoạch khủng bố sẽ dễ dàng hơn, như kế hoạch của các tổ chức nước ngoài có niềm tin chính trị hoặc tín ngưỡng tôn giáo", Japan Times dẫn lời Yu Inamura - chuyên gia phản gián thuộc viện Công nghệ Thám tử Nhật Bản, một viện nghiên cứu và tư vấn - nói.
"Những con sói đơn độc sống tách biệt với xã hội rồi dần dần chất chứa lòng thù hận", Inamura nói. Để ngăn chặn các cuộc tấn công như vậy, chúng ta cần cố tạo ra một xã hội không có "sói đơn độc", không phải tập trung vào việc phát hiện nguy cơ trước, ông nhận định.
Trong khi khẳng định rằng các biện pháp đầy đủ đã được thực hiện ở Wakayama, một phát ngôn viên của chính phủ gần đây đã bày tỏ lo ngại về khả năng gia tăng các cuộc tấn công của "sói đơn độc".
“Việc những kẻ phạm tội đơn độc có hành động nhắm vào các cơ sở chính phủ hoặc VIP ở Nhật Bản và nước ngoài là vấn đề đáng lo ngại", Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết trong một cuộc họp báo.
“Để ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp như vậy, chính phủ sẽ tăng cường hoạt động tình báo. Tất cả cơ quan liên quan sẽ làm việc cùng nhau để thực hiện mọi biện pháp có thể nhằm đảm bảo cảnh giác và an ninh", ông Hirokazu nói.
Những cuốn sách để hiểu thêm về Nhật Bản
Zing giới thiệu tới độc giả những cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về đất nước Nhật Bản - một cường quốc hàng đầu châu Á và được mệnh danh là xứ sở hoa anh đào.
Độc giả có thể đọc thêm tại đây.
Hồng Ngọc
Theo: ZINGNEWS.VN |