17/04/2023 (06:18:51)
Đụng độ quân sự Sudan - bùng phát từ hôm 15/4 và đã khiến ít nhất 56 người thiệt mạng - có nguồn gốc từ mâu thuẫn giữa các phe phái cầm quyền tại quốc gia Bắc Phi này.
Cột khói lớn bốc lên tại thủ đô Khartoum giữa đụng độ quân sự giữa các phe phái. Ảnh: Reuters. |
Từ các đồng minh cùng tham gia đảo chính giành chính quyền vào năm 2019, quân đội Sudan và tổ chức bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) tại Sudan giờ đây lại nổ súng vào nhau để tranh giành ảnh hưởng.
Một số quốc gia đã bày tỏ mong muốn làm trung gian hòa giải, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy xung đột sẽ sớm chấm dứt. Sự việc lần này được dự báo sẽ khiến bức tranh chính trị tại Sudan - vốn thường xuyên bất ổn, đặc biệt sau cuộc đảo chính năm 2019 - lại càng thêm rối rắm.
Cho tới nay, thông tin về những gì đang xảy ra trên thực địa tại Sudan vẫn tương đối mù mờ. Vẫn chưa rõ đất nước đang nằm dưới quyền kiểm soát của phe phái nào. Đêm 15/7, RSF tuyên bố đã kiểm soát đa số căn cứ quân sự tại Sudan. Tuy nhiên, New York Times nhận định các tuyên bố như này rất khó xác minh.
Về phần mình, quân đội Sudan bác bỏ thông tin của RSF. Cả hai bên cũng đều tuyên bố kiểm soát sân bay Khartoum và các địa điểm quan trọng khác trong thành phố.
Khởi đầu từ một căn cứ quân sự tại Khartoum, các cuộc giao tranh đã nhanh chóng lan ra khắp thủ đô và cả những thành phố khác tại Sudan.
Giữa lúc các máy bay chiến đấu quần thảo trên bầu trời, người dân Khartoum phải cố thủ trong nhà, trong khi các đại sứ quán cũng khuyến cáo công dân nước mình không ra ngoài đường vào lúc này.
Các đoạn video được ghi lại từ sân bay quốc tế Khartoum cho thấy một máy bay dân sự bị bốc cháy, trong khi hành khách phải nằm bò dưới sàn nhà để che chắn. Hãng hàng không quốc gia Saudi Arabia cho biết một máy bay của họ bị trúng đạn khi chuẩn bị cất cánh.
Các cuộc đấu súng diễn ra ngay trong các khu dân cư nơi hai phe đặt văn phòng hay căn cứ, khiến cuộc sống của người dân thêm nguy hiểm.
Theo các số liệu được truyền thông quốc tế công bố, hàng chục người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương kể từ khi xung đột nổ ra. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Trong số những người thiệt mạng có ba nhân viên của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đang làm nhiệm vụ tại vùng Bắc Darfur. WFP đã tạm đình chỉ mọi hoạt động tại Sudan sau vụ việc.
Hiệp hội bác sĩ Sudan đã kêu gọi các nhân viên y tế tới bệnh viện gần nhất. Cơ quan này cho biết đang có nhiều người trong tình trạng nguy kịch.
“Chúng tôi rất sợ hãi. Chúng tôi đã không ngủ trong 24 giờ vì tiếng ồn và nhà bị rung lắc. Chúng tôi lo sẽ hết thức ăn, nước uống và thuốc men cho người cha bị tiểu đường của tôi”, Huda, cư dân Khartoum, nói với Reuters.
Nguồn gốc cuộc xung đột hiện nay đến từ mâu thuẫn giữa hai phe phái: Quân đội Sudan trung thành với tướng Abdel Fattah al-Burhan và lực lượng RSF do tướng Mohamed Hamdan (thường được gọi là Hemetti) lãnh đạo.
Tuy nhiên, hai phe hoàn toàn không phải kẻ thù “truyền kiếp” mà từng hợp tác với nhau trong quá khứ. Năm 2019, lực lượng vũ trang Sudan đã chung tay thực hiện đảo chính lật đổ cựu Tổng thống Omar al-Bashir, theo Al Jazeera.
Trong chính quyền quân sự được thành lập sau đảo chính, tướng Al-Burhan giữ vai trò lãnh đạo, trong khi tướng Hemetti giữ vai trò phó lãnh đạo.
Tuy vậy, mâu thuẫn giữa hai bên đã nổi lên trong thời gian qua liên quan tới kế hoạch sáp nhập RSF vào quân đội chính quy. RSF muốn quá trình kéo dài 10 năm, trong khi quân đội cho rằng điều này nên được thực hiện trong vòng hai năm.
Lực lượng RSF được thành lập năm 2003 dưới thời cựu Tổng thống Al-Bashir, với tiền thân là một số lực lượng dân quân. Tới năm 2017, ông Al-Bashir đặt RSF dưới quyền quản lý của quân đội, nhưng vẫn cho phép lực lượng này giữ quyền tự chủ với hệ thống chỉ huy riêng.
Việc sáp nhập RSF vào quân đội là một phần của thỏa thuận đưa Sudan trở lại sự kiểm soát của chính phủ dân sự, vốn được Saudi Arabia, UAE, Liên Hợp Quốc và Mỹ bảo trợ cuối năm 2022.
Hàng loạt quốc gia và tổ chức quốc tế - như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh hay Liên minh châu Âu (EU) - đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây tại Sudan, cũng như kêu gọi các bên lập tức ngừng bắn.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã trao đổi với cả tướng Al-Burhan và tướng Hemetti để kêu gọi chấm dứt bạo lực và đối thoại. Ông Guterres cũng điện đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki để thảo luận cách thức tránh leo thang căng thẳng.
Sau khi ba nhân viên WFP thiệt mạng, hôm 17/4, ông Volker Perthes, lãnh đạo phái bộ chính trị của Liên Hợp Quốc tại Sudan (UNITAMS) đã lên án vụ việc.
“Tôi rất kinh hoàng trước báo cáo về việc đạn pháo rơi trúng và tình cướp bóc tại các cơ sở của Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo khác ở nhiều địa điểm tại Darfur”, ông Perthes, người cũng là đặc phái viên của tổng thư ký Liên Hợp Quốc tại Sudan, nói thêm.
Trong khi đó, Ai Cập và Nam Sudan đã đề nghị đóng vai trò trung gian hòa giải giữa các phe phái tại Sudan, theo thông cáo của Phủ Tổng thống Ai Cập. Hội đồng Hòa bình và An ninh của Liên minh châu Phi (AU) cũng đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp hôm 16/4 để thảo luận về tình hình tại Sudan, Reuters cho biết.
Vấn đề Trung Đông - châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.
Việt Hà
Theo: ZINGNEWS.VN |