Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Tranh cãi quy định xin visa tự túc đi Nhật

12/10/2022 (21:06:34)

Nhật Bản mở cửa du lịch trở lại là tín hiệu đáng mừng với nhiều du khách Việt. Tuy nhiên, việc nộp hồ sơ xin visa hiện gây tranh cãi.

Nhật Bản đang nới lỏng các chính sách nhập cảnh. Ảnh: Unsplash.

Theo thông tin của Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO), từ 11/10, du khách Việt có thể đến Nhật Bản mà không cần đặt dịch vụ qua các công ty lữ hành. Ngoài ra, các quy định kiểm dịch cũng đơn giản hơn trước.

Tuy nhiên, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM sẽ không tiếp nhận hồ sơ cá nhân, mà đưa ra danh sách 13 công ty được ủy thác tiếp nhận hồ sơ xin visa. Thông tin này khiến một số công ty lữ hành không thuộc danh sách trên bức xúc.

Liệu có bất công?

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, nói mình tôn trọng chính sách visa của Nhật Bản. Việc mở cửa chậm sau nhiều nước châu Á khác cho thấy Nhật Bản đang thực sự thận trọng khi trở lại đường đua đón khách du lịch quốc tế.

Đại diện công ty này cho biết thủ tục xin visa Nhật Bản trước đây luôn thuộc loại dễ. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ họ đặt trách nhiệm vào tay các công ty lữ hành.

"Các công ty lữ hành khi nộp hồ sơ phải có trách nhiệm cao. Dù vô ý hay cố ý để khách trốn lại trên danh nghĩa du lịch, các công ty có thể bị cấm nộp hồ sơ từ ba tháng đến một năm. Trong trường hợp cố tình, công ty còn có thể phải chịu hình phạt nặng hơn", ông Đạt nhấn mạnh.

Do đó, theo ông Đạt, việc Nhật Bản lựa chọn 13 công ty để ủy thác tiếp nhận hồ sơ xin visa là điều dễ hiểu. Trong thời gian đầu, điều này có thể gây khó khăn cho những đơn vị không thuộc danh sách nhưng sẽ không kéo dài lâu.

"Chúng tôi cũng định mở lại tour ngắm lá đỏ Nhật Bản nhưng với tình hình này chắc sẽ cần chờ đợi thêm", đại diện AZA Travel nói.

du lich nhat anh 1

Du khách muốn xin visa Nhật lúc này cần thông qua 13 công ty được ủy thác. Ảnh: Jp Travel.

Trao đổi với Zing, bà P., nhân viên phụ trách mảng du lịch khu vực Đông Bắc Á của một công ty có trụ sở tại Hà Nội, cũng đồng tình với quy định của phía Nhật Bản. Bà P. cho biết các đơn vị được chỉ định đều có đủ uy tín và kinh nghiệm đưa khách tới Nhật Bản trong thời gian dài. Do đó, trong thời gian đầu mở cửa, Nhật Bản chọn 13 đơn vị này hoàn toàn không sai.

Mặt khác, bà P. cũng tiết lộ có không ít đơn vị tiếp tay cho người lao động bất hợp pháp sang Nhật. Họ chỉ nhận số ít hồ sơ nhưng mỗi bộ có thể thu tới 200-300 triệu đồng. Sau khi nộp trót lọt, họ đóng công ty và biến mất. Vấn đề ở chỗ hành động này ảnh hưởng tới uy tín của những công ty du lịch khác.

"Vì thế, khi mới mở cửa trở lại, Nhật Bản cần đảm bảo các đơn vị có đủ uy tín, năng lực để thẩm định hồ sơ. Tình trạng này sẽ không kéo dài lâu. Nếu để nộp bừa bãi, khi xảy ra trường hợp xấu, Nhật Bản có thể đưa ra siết chặt hơn với du khách Việt. Tôi nghĩ khi đó mới thực sự là nỗi khổ với các công ty chân chính", P. nói.

du lich nhat anh 2

Một số công ty không nằm trong nhóm 13 đơn vị được ủy thác cho biết tạm chưa khai thác tour ngắm lá đỏ. Ảnh: Time Out.

Theo tìm hiểu của Zing, các công ty không thuộc danh sách 13 đơn vị được ủy thác vẫn có thể bán tour bình thường. Từ trước đến nay, nhiều công ty nhỏ thường liên kết với các công ty lớn hơn để cùng bán sản phẩm. Đây gọi là liên minh du lịch. Một công ty lớn sẽ đứng ra chịu trách nhiệm thu, lọc và nộp hồ sơ. Điều này giúp giai đoạn xin visa diễn ra nhanh và dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng có cái nhìn lạc quan như thế. Một số gọi việc chọn 13 công ty lữ hành lớn làm đơn vị ủy thác không khác gì "nước chảy chỗ trũng". Những công ty nhỏ, lẻ không có liên kết mạnh mẽ sẽ gặp khó khăn trong việc bán dịch vụ cho khách đi Nhật Bản. Trong khi đó, những công ty lớn đã mạnh nay còn mạnh hơn.

Vì sao chỉ có 13 công ty được ủy thác?

"Trên phương diện là công ty được chính phủ Nhật ủy thác tiếp nhận hồ sơ xin visa, chính sách này phần nào giúp công ty nâng cao được uy tín, tạo dựng thương hiệu. Bởi, không phải công ty nào cũng được tin tưởng lựa chọn", bà Phạm Phương Anh, Phó tổng giám đốc công ty Du lịch Việt - một trong 13 đơn vị được chọn - cho biết.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc ban tiếp thị Vietravel, cho biết khi Nhật Bản mở cửa du lịch trở lại, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản và Đại sứ quán Nhật Bản đã dựa trên tình hình hoạt động của các công ty lữ hành để cân nhắc và ủy thác việc tiếp nhận hồ sơ xin visa.

du lich nhat anh 3

Nhiều bộ hồ sơ xin visa đã được gửi tới công ty Du lịch Việt. Ảnh: Anh Tú.

Mặt khác, việc Nhật Bản cho phép du lịch tự túc nhưng vẫn yêu cầu khách nộp hồ sơ xin visa qua các công ty du lịch được ủy thác phần nào nhằm giảm thiểu gánh nặng cho ngành du lịch chưa ổn định hoàn toàn ở giai đoạn đầu mở cửa.

"Nhật Bản mới mở cửa lại một thời gian ngắn, ngành du lịch chưa thể hoạt động hết công suất như trước dịch. Hơn nữa, nhân sự du lịch chưa đủ để đáp ứng một lượng khách lớn, nhập cảnh ồ ạt như trước dịch. Cách làm này của họ nhằm kiểm soát lượng du khách và chất lượng dịch vụ", bà Phương Anh nhận định.

Ngoài ra, chính sách khắt khe này cũng nhằm giảm thiếu tối đa các trường hợp khách du lịch đi tự túc sau đó ở lại bất hợp pháp. Các hồ sơ visa qua công ty du lịch thẩm duyệt thường được kiểm tra gắt gao.

Theo đại diện một số công ty lữ hành được ủy thác, quy định này có khả năng chỉ kéo dài hết năm nay. Chính phủ Nhật sẽ nới lỏng quy định với khách tự túc như trước dịch khi nguồn nhân lực được cải thiện.

Phần lớn các công ty lữ hành đều đánh giá việc xin visa du lịch tự túc Nhật Bản trước dịch dễ dàng hơn rất nhiều so với hiện tại. Nhìn chung, khách lẻ chỉ cần chứng minh tài chính là đạt tỷ lệ đậu visa cao.

"Chính sách hiện tại phần nào gây phiền phức cho khách lẻ. Quy định của nước bạn vậy nên đành tuân thủ. Tuy nhiên, việc nộp hồ sơ visa qua công ty du lịch không quá rắc rối so với nộp trực tiếp tại Lãnh sự hay Đại sứ quán", bà Phương Anh bày tỏ.

Theo ông Đỗ Trần Hoàng An, Phó Giám đốc Trung tâm du lịch khách lẻ BenThanh Tourist, các công ty được ủy thác sẽ làm cầu nối giữa Tổng lãnh sự quán Nhật Bản và khách du lịch xin visa.

Công ty sẽ tiếp nhận hồ sơ của khách, sau đó sẽ nộp lên Tổng lãnh sự quán, Đại sứ quán Nhật Bản. Các công ty du lịch cũng thu tiền tương đương khoản phí làm visa tại các cơ quan lãnh sự. Du khách không phải nộp thêm bất kỳ khoản phí nào hay bị yêu cầu mua thêm dịch vụ.

Ngoài visa phải thông qua công ty lữ hành, khách tự túc được tự do mua vé máy bay, đặt phòng, mua dịch vụ qua bất kỳ kênh nào.

Đại diện BenThanh Tourist cho biết trước và sau dịch, nhu cầu đi Nhật của khách Việt luôn ở mức cao. Trong tháng 10, công ty này đã có đoàn khách đi Nhật ngay khi nước này gỡ bỏ thêm các giới hạn nhập cảnh. Tương tự, đại diện công ty Du lịch Việt cũng cho biết mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20-30 bộ hồ sơ xin visa Nhật Bản, gồm cả khách đoàn và khách lẻ. Con số này chứng minh thị trường Nhật Bản có sức hút rất lớn với khách Việt

Anh Tú - Bích Phương

Theo: ZINGNEWS.VN


Du lịch (Tin trước)


Cryptocurrency USDT-BTC on BITTREX

Last
Bid
Ask
High
Low
Vol. BTC
Vol. USDT
Open Buy
Open Sell
Du lịch (Tin mới)
Du lịch (Tin trước)
Call +84.99.6656.999 for ADS 05