Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Trận bóng đá thời đại học và những ký ức về thầy Nguyễn Ngọc Ký

28/09/2022 (19:28:36)

Nghe tin thầy Nguyễn Ngọc Ký mất, nhiều người bạn viết thơ, viết văn, kể lại những kỷ niệm trong ngày tiễn đưa bạn về nơi an nghỉ.

Nguyễn Ngọc Ký ơi,

Thế là từ hôm nay ngày 28/9/2022 chúng mình phải xa nhau vĩnh viễn trên dương thế nhưng tình nghĩa bạn bè tình đồng hương thì không bao giờ phai mờ.

Ký là người bạn thân thiết, người bạn nối khố, người bạn đồng nghiệp có nhiều cảm thông của nhau...

Đó là lời điếu nhà báo Nguyễn Thanh Bình - đồng hương, bạn thân của thầy Nguyễn Ngọc Ký từ thuở nhỏ - viết trong sổ tang dành cho thầy Nguyễn Ngọc Ký, người qua đời rạng sáng nay tại nhà riêng ở TP.HCM sau những năm dài phải chạy thận.

Cùng với ông Bình, nhiều người bạn và người học trò - dù trên mạng hay có mặt tại đám tang - đã ôn lại kỷ niệm về người bạn, người thầy mà họ miêu tả là tấm gương về một cuộc đời nghị lực.

"Có lần mấy đứa đá bóng dưới dốc 'Tắc thở', Nguyễn Hiếu bảo Ký vào giữ gôn. Ai cũng biết Hiếu đùa, nhưng Ký cười khà khà rồi đứng vào khung thành là giữa hai bụi sim. Quả bóng bay vào, Ký dùng nửa người dưới đỡ bóng rồi lăn đùng ra, ngất", Trần Đức Nuôi, một người bạn cùng lớp và sống chung cùng thời đại học, viết về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký.

"Cả lũ sợ hết vía khiêng sang trạm xá trường ở Vân Yên chữa chạy. Mấy ngày sau Ký về vẫn cười hề hề, chẳng trách móc ai", ông kể về người bạn vừa qua đời vào rạng sáng ngày hôm nay.

Nguyen Ngoc Ky qua doi anh 1

Ông Nguyễn Thanh Bình bồi hồi kể lại những kỷ niệm thời trẻ cùng thầy Nguyễn Ngọc Ký. Ảnh: Thái An.

"Bố đi bất ngờ quá"

2h05 ngày 28/9, thầy Nguyễn Ngọc Ký qua đời sau 29 năm chiến đấu với bệnh suy thận, hưởng thọ 75 tuổi.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, con gái cả của thầy Nguyễn Ngọc Ký, cho biết thầy bắt đầu chạy thận từ năm 2011. Thời gian gần đây, thầy Ký ốm nặng không thể ăn uống được. Đến rạng sáng 28/9 thì thầy trút hơi thở cuối cùng.

“Bố ra đi bất ngờ quá, khi đi cũng chưa trăn trối được gì”, chị Ánh nghẹn ngào nói.

Anh Khương, cháu ngoại của thầy Nguyễn Ngọc Ký, không giấu được xúc động khi kể chuyện về ông. Chia sẻ với Zing, Khương cho biết tuổi thơ của anh luôn có sự hiện diện của ông ngoại.

Từ bé, anh được sống cùng ông, được ông dạy cách viết văn, giải những câu đố chữ thú vị. Dù đã hơn chục năm trôi qua, Khương vẫn luôn nhớ rõ những kỷ niệm êm đềm của thời thơ ấu khi được sống cùng ông ngoại.

Từ 8h ngày 28/9, tang lễ của thầy giáo được tổ chức ở nhà riêng tại thành phố Thủ Đức. Sau đó, linh cữu của thầy sẽ được đưa về Phước Lạc Viên thuộc thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Người thầy, người bạn với "bàn chân kỳ diệu"

Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28/6/1947, quê ở xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Lên 4 tuổi, ông bị bệnh và bị bại liệt cả hai tay.

Không đầu hàng số phận, ông quyết tâm học luyện viết chữ bằng chân. Câu chuyện của ông được nhiều người biết đến và trở thành tấm gương cho nhiều thế hệ trẻ.

Thời đại học, ông Bình học khoa Anh Văn tại Đại học Ngoại ngữ - Ngoại giao, thầy Ký học khoa Văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Dù học khác trường, họ vẫn ở cùng một khu nhà gần quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông Bình kể rằng trong thời gian ở trọ, thầy Nguyễn Ngọc Ký được bạn bè giúp đỡ trong những hoạt động thường ngày như tắm rửa, vệ sinh cá nhân…

Ông Nguyễn Thanh Bình nói rằng thầy Nguyễn Ngọc Ký là một người rất văn thơ và giàu nghị lực vượt khó. Không chỉ viết văn, thầy Nguyễn Ngọc Ký còn là chuyên viên tư vấn tâm lý, tình yêu, hôn nhân và gia đình. Nhiều người gặp trường hợp liên quan vấn đề hôn nhân gia đình, mối quan hệ cha mẹ - con cái đều tìm đến thầy Ký để được hỗ trợ, tư vấn kỹ càng.

Bản thân cũng là nhà báo, làm công việc liên quan viết lách, nhưng ông Bình luôn ngưỡng mộ khả năng viết văn, làm thơ của bạn thân. Ông nói thêm có những ngày ông không thể viết nổi bài báo nào, nhưng riêng thầy Ký lại khác. Trong một buổi tối, ông có thể sáng tác 2-3 bài thơ, văn.

“Thơ văn của Ký không phải xuất chúng nhất, nhưng sáng tác bằng chân như Ký là một điều tuyệt vời”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

"Ký đi nhưng Ký không chết. Triết lý văn hóa phương Đông có câu 'Người ta chỉ thật sự đã chết khi không còn ai thương nhớ nữa'. Ký sẽ sống mãi trong tình cảm gia đình cùng con cháu, sống mãi trong tình bạn và tình đồng hương", ông Bình viết trong sổ tang.

Bà Nguyễn Anh Trang, bạn cùng lớp Ngữ văn khóa 11 (1966-1970) tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, cho biết khi nghe tin thầy Ký mất, nhóm chat của lớp ngập tràn tin nhắn tiếc thương. Nhiều người bạn viết thơ, viết văn gửi vào nhóm để đưa tiễn người bạn về nơi an nghỉ cuối cùng.

Nguyen Ngoc Ky qua doi anh 2

Bà Nguyễn Anh Trang bật khóc khi tiễn đưa bạn cùng lớp. Ảnh: Thái An.

Ông Trần Đức Nuôi, cũng là một người bạn thời đại học, kể tiếp câu chuyện thầy Ký có thể nhặt kim khâu bằng chân.

“Có lần tôi khâu áo bị kim rơi xuống kẽ chiếu không sao lấy được. Ký nhìn hồi lâu rồi cười khà khà: 'Để tớ'. Ký đặt ngón chân xuống kẽ chiếu lấy kim đưa cho tôi. Chân của Ký khéo hơn tay của tôi, phục sát đất", ông viết. "Nhớ nhiều chuyện lắm Ký ơi, nhưng bạn đã đi xa thật rồi. Bạn để lại trong lòng mọi người nghị lực và nụ cười tin mến. Thương nhớ bạn”.

Cô Hiền Vượng, hội cựu giáo chức quận Gò Vấp, cho biết ngày trước cô chỉ nghe đến thầy Nguyễn Ngọc Ký thông qua tin tức, báo đài. Sau này, khi về làm việc cùng đơn vị với thầy, cô mới được tận mắt chứng kiến nghị lực lớn lao của người thầy viết chữ bằng chân. Nhờ thầy Ký, cô Vượng có thêm động lực để phấn đấu trở thành một giáo viên tốt.

“Hồi còn làm hiệu trưởng, tôi hay mời thầy về nói chuyện với học sinh. Tôi với thầy cũng thân thiết, gắn bó với nhau từ thời đang làm việc ở Phòng GD&ĐT Gò Vấp. Thầy mất rồi, tôi thương nhớ thầy lắm”, cô Vượng chia sẻ.

Một học trò của thầy Nguyễn Ngọc Ký đã có mặt ở tang lễ từ sớm. Sau khi thắp hương, thăm hỏi gia đình, người này lặng lẽ để lại lời nhắn cho thầy giáo:

"Thầy ơi, em chỉ một lần duy nhất được gặp thầy, nhưng em luôn nghĩ mãi về những lời thầy dặn, những tâm tư về nghề nghiệp của thầy. Nghị lực sống của thầy có thể nói là sự động viên, dẫn lối cho rất nhiều thế hệ. Chào người thầy 'bàn chân kỳ diệu'".

Thái An - Linh Thùy

Theo: ZINGNEWS.VN


Giáo dục (Tin trước)