Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Năm điều tôi ước mình biết sớm hơn khi vào đại học

27/09/2022 (07:32:55)

Tôi nhận ra mình đã đi chậm hơn người khác rất nhiều. Ước gì, tôi đã lựa chọn bước ra khỏi vùng an toàn gia đình để có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trước khi ra trường.

Thích nghi với cuộc sống đại học có thể là thách thức đối với một số sinh viên. Ảnh: New York Times.

Môi trường đại học và trung học có nhiều khác biệt. Thích nghi với cuộc sống đại học có thể là thách thức đối với một số sinh viên, không ít người mất đà ngay từ những ngày đầu tiên. Tân sinh viên có thể tham khảo những câu chuyện dưới đây để dễ dàng thích nghi với cuộc sống mới, đại học không trở thành “học đại”.

“GPA thực sự quan trọng”

Tấn Vĩ (2002) - sinh viên khoa Luật, ĐH Sài Gòn

Chuyện của tôi

Kỳ học đầu tiên của đại học, tình hình dịch bệnh còn căng thẳng, dù không muốn, tôi vẫn phải học trực tuyến. Tôi mệt mỏi, thất vọng với việc ngày ngày ngồi trước máy tính, mọi trải nghiệm đều bị hạn chế.

Dù có chuẩn bị tâm lý như thế nào, tôi vẫn bị ảnh hưởng, rõ rệt nhất là điểm số. Đặt ra mục tiêu điểm GPA đạt giỏi loại ngay từ năm nhất, nhưng điểm cuối kỳ của tôi chỉ ở hạng khá.

trai nghiem dai hoc anh 1

Tấn Vĩ từng bỏ lỡ cơ hội vì GPA chưa cao.

GPA 3.18 đối với nhiều người là con số rất ổn, nhưng với tôi, nó ảnh hưởng khá nhiều trong hành trình ứng tuyển làm thực tập sinh vào giữa kỳ học thứ hai.

Công ty luật tuyển thực tập sinh không yêu cầu kinh nghiệm, chấp nhận sinh viên năm nhất và ưu tiên GPA loại giỏi.

Nghĩ rằng mình có cơ hội, tôi mạnh dạn ứng tuyển. Và, tôi đã thất bại ngay từ vòng xét hồ sơ. Tôi không ngờ rằng mình rớt. Dù không có kinh nghiệm, tôi cũng có khả năng tiếng Anh, kỹ năng Tin học văn phòng, một chút hoạt động ngoại khóa và GPA suýt soát loại giỏi, cũng đã là một lợi thế.

Ước gì

Nhiều sinh viên cho rằng GPA không hề quan trọng. Nhưng tôi nhận ra, nếu mình chưa có kinh nghiệm, GPA cao là lợi thế lớn nhất để mình vượt qua vòng CV, cho nhà tuyển dụng thấy rằng mình nghiêm túc trong học tập và đã có kiến thức ổn. Sau này, nếu đã có kinh nghiệm thực tế, một bảng điểm đẹp cũng khiến cơ hội của tôi tăng lên.

“Nghiêm túc suy nghĩ về định hướng phát triển trong tương lai”

Anh Thi (1999) - nhân viên quản lý sàn thương mại điện tử

Chuyện của tôi

Tôi từng là sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh. Ngày mới lên đại học, tôi định hướng mình sẽ theo chuyên ngành Sư phạm và nghĩ rằng ra trường, cứ có bằng đại học là xin được việc.

trai nghiem dai hoc anh 2

Anh Thi từng không biết bản thân muốn làm gì.

Nhưng đến năm hai, tôi chuyển hướng hoàn toàn sang chuyên ngành Tiếng Anh thương mại. Nhưng, tôi đã chọn mà không hề tìm hiểu, không rõ trường sẽ dạy những gì.

Trớ trêu, đến khi vào học rồi, tôi vẫn không hiểu mình đang học những gì và với kiến thức này, tôi sẽ làm công việc gì.

Đến khi ra trường, nhìn lại, tôi đã trải qua khá nhiều công việc như kinh doanh online, nhân viên bán hàng, nhân viên pha chế, thực tập sinh marketing, biên tập video, nhưng tôi vẫn không biết mình thích công việc nào.

Tôi mất khá nhiều thời gian định hướng cho bản thân. Mãi đến hiện tại, sau khi ra trường hơn một năm, tôi mới tìm được công việc phù hợp.

Ước gì

Tôi nhận ra việc định hướng nghề nghiệp cho bản thân ngay từ năm đầu đại học thực sự quan trọng. Chỉ khi định hướng được, tôi mới có mục tiêu và phấn đấu để đạt được nó.

“Nếu có thể, hãy đi thực tập từ sớm”

Khánh Tùng (1999) - lập trình viên

Chuyện của tôi

Trong suốt thời gian học đại học, tôi không ở trọ mà đi đi về về hàng ngày (nhà tôi cách trường 30 km). Có thể nói, tôi đã có 4 năm sinh viên khá nhàn nhã. Tôi không tham gia hoạt động ngoại khóa, không đi làm thêm, cũng không thực tập từ sớm.

Nhưng, điều đó đồng nghĩa với việc tôi có ít trải nghiệm hơn người khác, nhất là trong công việc. Chỉ đến kỳ thực tập ra trường vào cuối năm tư và bắt đầu ứng tuyển đi làm, tôi mới nhận ra mình đã bỏ phí quá nhiều thời gian.

Tôi đã đuối hơn những bạn khác, cả về trình độ lẫn kỹ năng. Nhiều bạn bè của tôi khi tốt nghiệp đã có trong tay bản CV 1-2 năm kinh nghiệm, tôi vẫn ở vị trí thực tập sinh tới 6 tháng sau khi ra trường. Lúc họ đã là thành viên chủ chốt của một dự án, tôi vẫn ở vị trí học việc. Chắc chắn, số tiền tôi kiếm được cũng ít hơn người khác.

Ước gì

Tôi nhận ra mình đã đi chậm hơn người khác rất nhiều. Ước gì, tôi đã lựa chọn bước ra khỏi vùng an toàn gia đình, sẵn sàng đi làm thêm, đi thực tập từ sớm để có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng sống trước khi ra trường.

“Ngoại ngữ là ưu tiên”

Xuân Vũ (2000) - hướng dẫn viên du lịch

Chuyện của tôi

trai nghiem dai hoc anh 3

Xuân Vũ (2000) hối hận vì không học ngoại ngữ sớm.

Tôi vốn là dân khối C, lại sinh sống ở vùng cao Tây Bắc, vì vậy, việc học ngoại ngữ còn hạn chế. Dù đỗ đại học tốp đầu, trình độ tiếng Anh của tôi chỉ dừng ở mức cơ bản. Nhưng cả năm nhất, mải khám phá cuộc sống mới và tham gia các hoạt động ngoại khóa, tôi khá lười biếng trong việc học ngoại ngữ.

Sang năm hai, bắt đầu đi thực tập thực tế (tôi học ngành Quản trị du lịch và Lữ hành), có nhiều công việc cần sử dụng tiếng Anh như lên chương trình, dịch chương trình tour, đón khách nước ngoài, tôi đều gặp khó khăn vì ngoại ngữ.

Tôi nhận ra không giỏi ngoại ngữ là một yếu điểm lớn nhất của bất kỳ ai làm hướng dẫn viên du lịch. Tôi bắt đầu lao vào học tiếng Anh, rồi học thêm cả tiếng Trung, tạo thêm cơ hội cho chính mình.

Ước gì

Tôi ước mình có vốn tiếng Anh sớm hơn, ngay từ cấp 3 chẳng hạn. Như vậy, lên đại học, tôi có nhiều thời gian hơn để học thêm ngoại ngữ khác.

“Chọn lọc, thiết lập các mối quan hệ tích cực”

Quang Duy (1999) - kinh doanh

Chuyện của tôi

trai nghiem dai hoc anh 4

Quang Duy ước bản thân đã xây dựng được nhiều mối quan hệ tích cực thời sinh viên.

Thời sinh viên, tôi khá năng nổ tham gia các hoạt động Đoàn - Hội, vì vậy, tôi có cho mình kha khá mối quan hệ từ các hoạt động này. Tích cực cũng nhiều mà tiêu cực cũng không ít.

Tuy nhiên, các mối quan hệ tích cực (anh chị đi trước, giảng viên trong trường) lại cho tôi năng lượng tốt và giúp tôi học hỏi nhiều thứ. Chúng tôi quen biết nhau ở trường, có chung sở thích thể thao, cùng kết nối và xây dựng kinh doanh từ sở thích này.

Tôi học được khá nhiều kinh nghiệm liên quan đến hoạt động sản xuất sản phẩm và kinh doanh từ mọi người. Cùng những kinh nghiệm thực tế, sau này, khi ra trường, tôi cũng đã có thêm một mảng kinh doanh riêng, song song với hoạt động kinh doanh cùng mọi người.

Ước gì

Nếu có thể, tôi muốn mình xây dựng được nhiều mối quan hệ tích cực, dựa trên việc cùng học hỏi và phát triển. Còn những điều tiêu cực, tôi cũng có cho mình những bài học riêng về cách nhìn nhận con người.

Ngọc Bích (Ảnh: NVCC)

Theo: ZINGNEWS.VN


Giáo dục (Tin trước)


Cryptocurrency USDT-BTC on BITTREX

Last
Bid
Ask
High
Low
Vol. BTC
Vol. USDT
Open Buy
Open Sell
Giáo dục (Tin mới)
Giáo dục (Tin trước)
Call +84.99.6656.999 for ADS 05