03/10/2022 (06:40:18)
Mất tiền triệu cho khóa học "từ A đến Z", đảm bảo người bán chốt được nghìn đơn nhưng Mỹ Quyên chỉ nhận được những bài dạy sơ sài, không khác gì tài liệu miễn phí trên mạng.
Các khóa học dạy bán hàng trên TikTok Shop xuất hiện ngày càng nhiều. |
Đầu tháng 9, Mỹ Quyên, người bán mỹ phẩm online ở TP.HCM, đóng 1 triệu đồng để tham gia khóa dạy bán hàng trên TikTok Shop. Cô tình cờ biết đến các khóa học này khi lướt một số hội nhóm và thấy nhiều thành viên chia sẻ việc học hiệu quả, chụp ảnh khoe bán được hàng trăm, hàng nghìn đơn.
Sau khi nhắn tin với nhiều người tự nhận là “thầy giáo”, “chuyên gia” trong mảng kinh doanh online, đặc biệt là trên kênh TikTok Shop, Quyên đã chọn khóa online, một kèm một với mức giá 2 triệu đồng cho 10 buổi học.
Người dạy quảng cáo đây là khóa học “từ A đến Z”, hướng dẫn chi tiết từ cách đăng ký TikTok Shop, liên kết TikTok, đăng sản phẩm đến việc chạy quảng cáo, mở giới hạn, tạo landing page và livestream chốt nghìn đơn mỗi ngày.
“Hai bên thống nhất đóng trước 50% học phí, nếu sau một tháng không có hiệu quả sẽ được hoàn lại toàn bộ số tiền. Tuy nhiên, chỉ sau một tuần theo học, tôi đã cảm thấy rất nghi ngờ về chất lượng giáo trình cũng như thái độ thiếu chuyên nghiệp của người dạy”, Quyên nói với Zing.
Chủ shop mỹ phẩm cho biết theo kế hoạch ban đầu, mỗi tuần sẽ có 2-3 buổi học. Tuy nhiên, người dạy liên tục hoãn lịch sát giờ. Ngoài ra, một số bài học không khác gì tài liệu miễn phí, có thể dễ dàng tìm thấy trên Internet.
Cảm thấy không hài lòng với những gì nhận được, Quyên đề nghị được hoàn tiền sau hai tuần theo học. Tuy nhiên, phía người dạy không chấp nhận và yêu cầu cô trả nốt 50% học phí còn lại.
“Lúc đó, tôi biết đã bị lừa. Nghĩ lại thấy mình quá ngây thơ khi tin vào những bài review, quảng cáo trên mạng”, Quyên chia sẻ.
Giữa tháng 4, TikTok ra mắt tính năng TikTok Shop, cho phép người dùng mua hàng thông qua các gian hàng của người bán trực tiếp trên ứng dụng. Để đăng ký, doanh nghiệp cần có giấy phép kinh doanh, địa chỉ kho hàng, thẻ ngân hàng, số điện thoại di động. Riêng cá nhân cần chuẩn bị CCCD thay cho giấy phép kinh doanh.
Tuy nhiên, với nhiều người kinh doanh, cách thức vận hành và quản lý doanh thu của nền tảng chưa thực sự rõ ràng. Đánh vào tâm lý, nhu cầu muốn tìm hiểu kênh bán hàng mới, các khóa học về TikTok Shop nở rộ trong thời gian gần đây.
Nhiều người chia sẻ doanh thu kèm lời giới thiệu các khóa học bán hàng. |
Nếu tìm kiếm cụm từ “Hướng dẫn bán hàng trên TikTok Shop”, Google trả về gần 2 triệu kết quả trong vòng 0,59 giây, hầu hết đều là quảng cáo về các khóa học bán hàng, livestream trên nền tảng. Tương tự, YouTube cũng có hàng nghìn clip hướng dẫn “từ A đến Z”.
Trên Facebook, hàng trăm hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm chốt nghìn đơn hàng. Phần lớn trong số này được thành lập, điều hành bởi những người tự nhận mình là “thầy giáo”, “chuyên gia” trong lĩnh vực bán hàng, chạy quảng cáo, chốt đơn trên các nền tảng thương mại điện tử.
Những bài đăng phổ biến nhất trong các nhóm là khoe doanh thu, doanh số khủng kèm lời giới thiệu về độ uy tín, hiệu quả của một khóa học nào đó.
Từ kinh nghiệm bản thân, Mỹ Quyên cho rằng hầu hết bài đăng này đều không đáng tin cậy. “Nhiều lúc đó chỉ là ‘chiêu trò’ của những người quảng cáo khóa học. Họ thậm chí tự đóng vai chủ shop quần áo, mỹ phẩm rồi đăng bài hỏi nơi nào dạy người mới bắt đầu, sau đó dùng một nick khác tự trả lời, quảng cáo khóa học của mình”.
Theo tìm hiểu của phóng viên Zing, những khóa học này có nhiều mức giá khác nhau từ 500.000 đồng cho đến 5-6 triệu đồng. Một số nơi giới thiệu “hoàn toàn miễn phí”, nhưng sau đó thường yêu cầu người học đóng tiền từ vài trăm cho đến 1 triệu đồng để mua các loại tài liệu hoặc được nghe giảng từ các "chuyên gia uy tín".
Hầu hết khóa học này đều online để đáp ứng nhu cầu học mọi lúc mọi nơi của học viên, đa số là những người làm hai công việc cùng lúc.
Nhiều nơi hứa hẹn trả lại tiền nếu người học cảm thấy không hiệu quả hay không bán được hàng trên nền tảng. Tuy vậy, vì chỉ là cam kết bằng miệng, học viên hiếm khi đòi lại được khoản tiền đã đóng.
Một số người mất tiền vì các khóa dạy bán hàng kém chất lượng. |
Đỗ Quỳnh Châu, chủ shop quần áo online, bắt đầu nghĩ đến chuyện bán hàng trên TikTok Shop hồi giữa tháng 8, sau khi nghe nhiều người quảng cáo có thể chốt cả trăm đơn hàng mỗi ngày.
Lúc đầu, cô thử tìm tòi thông qua các clip hướng dẫn trên mạng, nhưng nhanh chóng bỏ cuộc vì cảm giác như bị lạc vào ma trận đầy hỗn loạn. “Đây là kênh bán hàng còn khá mới nên tôi nghĩ tốt nhất mình nên tìm đến những khóa học bài bản hơn”.
Thông qua các bài review trên mạng xã hội, Châu đăng ký học một lớp online được giới thiệu dành cho người mới bắt đầu. Toàn bộ khóa học gồm 8 buổi có giá 1,5 triệu đồng, được quảng cáo do các “chuyên gia marketing và bán hàng online hàng đầu” trực tiếp đứng lớp.
Tuy nhiên, sau khi đóng 500.000 đồng, Châu chỉ nhận được một bộ tài liệu khá sơ sài, cung cấp vài thông tin cơ bản như cách mở gian hàng, đăng sản phẩm, quy trình bán hàng trên TikTok Shop. Người mở khóa học yêu cầu cô phải đóng toàn bộ số tiền 1,5 triệu đồng nếu muốn học trực tiếp với “chuyên gia”.
Quảng cáo tài liệu hướng dẫn bán hàng trên TikTok Shop đầy rẫy trên các hội nhóm. |
“Trong khi trước đó, họ nói rằng chỉ cần đóng trước 500.000 đồng. Sau khi hoàn thành khóa học và học viên bán được 100 đơn hàng đầu tiên trên nền tảng mới thu số tiền còn lại. Nhận thấy dấu hiệu lừa đảo nên tôi quyết định bỏ luôn, chấp nhận mất 500.000 đồng”, Châu cho hay.
Bên cạnh những trò lừa đảo về khóa học, một số người còn bị mắc bẫy bởi chiêu dụ mua tài liệu tổng hợp giáo trình của các chuyên gia.
Sau khi đăng bài hỏi về các khóa học bán hàng trên TikTok Shop, Trương Nhi, người bán mỹ phẩm online, nhận được nhiều bình luận, inbox giới thiệu về “bộ giáo trình tổng hợp” từ chương trình dạy của các “chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu, marketing, kinh doanh online”.
“Vì các khóa học hầu hết đều tốn tiền triệu và sợ mình không có thời gian theo được cả tháng nên tôi quyết định mua thử một bộ tài liệu với giá 250.000 đồng. Tuy nhiên sau khi tôi chuyển tiền, người bán cứ khất lần không chịu gửi. Cuối cùng, tôi phải dọa sẽ đăng bài bóc phốt lên các hội nhóm thì người này mới chịu gửi lại tài liệu”, Trương Nhi kể.
Khi được hỏi về chất lượng của “bộ giáo trình tổng hợp”, Nhi phàn nàn rằng nó không hề đáng tiền. “Không khác gì những thứ tôi có thể tìm miễn phí trên mạng, một số clip hướng dẫn thậm chí còn trực quan hơn”, cô cho biết.
Lê Vy
Ảnh: iStock
Theo: ZINGNEWS.VN |