Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Phụ huynh mất nửa năm chọn trường cho con

01/04/2023 (06:15:16)

Đối với nhiều phụ huynh, tiêu chuẩn chọn trường không dừng lại ở vấn đề học phí, chất lượng dạy học mà còn phải đáp ứng các nhu cầu liên quan vệ sinh, an ninh trường học.

Chị Trinh mất nửa năm để chọn trường mẫu giáo phù hợp cho con. Ảnh: Trinh Pham.

Trước khi con trai đi học mẫu giáo, chị Trinh Phạm (vlogger tại Hà Nội) đã dành gần nửa năm để tìm và chọn trường cho con. Đối với người mẹ trẻ, việc chọn trường phù hợp cho con trai khó hơn rất nhiều so với tưởng tượng.

Chia sẻ với Zing, việc đầu tiên chị Trinh làm khi tìm trường cho con là mở Google Maps để tìm các trường xung quanh khu vực đang sống. Sau đó, chị chọn ra một số trường theo tiêu chí bản thân đặt ra rồi tìm kiếm các bài viết về trường trên Facebook.

Đối với chị, các bài viết review trên mạng xã hội có một số ưu điểm như phụ huynh có thể hỏi ý kiến lẫn nhau để có được cái nhìn chân thật nhất về trường. Sau khi tham khảo và chọn lọc thông tin từ các hội nhóm, chị sẽ đến tận trường để có cái nhìn bao quát hơn về cơ sở vật chất cũng như chất lượng dạy và học.

“Trường con mình theo học hiện tại vẫn còn một số điều nhỏ mình còn băn khoăn, nhưng thực sự không trường nào hoàn hảo 100%. Vì thế, mình vẫn dựa vào những yếu tố mình cho là quan trọng để cảm thấy yên tâm khi cho con theo học”, chị Trinh nói thêm.

Học phí cho con không quá 1/3 thu nhập của cha mẹ

Là một người kỹ tính, nhất là trong việc lựa chọn môi trường giáo dục cho con, ngay từ ban đầu, chị Trinh đã tự vạch ra một số tiêu chí tìm trường học, trong đó có vấn đề học phí.

chon truong cho con anh 1

Chị Trinh ưu tiên chọn trường gần nhà để tiện đưa đón con đi học. Ảnh: Trinh Pham.

Theo chị Trinh, chi phí cho con học tập không nên quá 1/3 thu nhập của cha mẹ. Chị hiểu rõ tâm lý của nhiều phụ huynh là muốn con được tiếp cận môi trường học tập tốt, nhưng việc lựa chọn trường có mức học phí vừa phải sẽ giúp kinh tế gia đình ổn định hơn. Hơn nữa, việc học của con là cả một quá trình dài nên cha mẹ cũng cần tính toán kỹ để đảm bảo việc học của con không bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần cân nhắc lịch nghỉ của trường vì nhiều trường tư thục, trường quốc tế có kỳ nghỉ hè, nghỉ đông và một số ngày nghỉ khác lịch nghỉ của cha mẹ. Phụ huynh cần hỏi kỹ vấn đề này để tránh trường hợp con được nghỉ nhưng cha mẹ vẫn đi làm, lại không biết gửi con cho ai chăm.

Một vấn đề khác chị Trinh quan tâm là trường phải gần nhà. Chị ưu tiên những trường ở khoảng cách gần, có thể đi bộ hoặc chỉ mất 5-10 phút đi xe và tránh được các trục đường thường xuyên kẹt xe.

Chị Trinh khuyên rằng nếu không thể chọn các trường gần nhà, phụ huynh có thể chọn các trường trên đường đi làm hoặc gần chỗ làm. Như vậy, cha mẹ có thể tiện đưa đón con đi học mỗi ngày.

Bàn về chất lượng và chương trình học, chị Trinh Phạm ưu tiên chọn các trường có chương trình song ngữ Anh - Việt vì con trai chị thích học và tiếp thu tiếng Anh khá tốt. Ngoài ra, phụ huynh có thể chọn trường có phương pháp dạy học phù hợp với tính cách của con và quan điểm nuôi dạy của cha mẹ.

Để đánh giá chất lượng dạy học của giáo viên, chị Trinh sẽ ghé thăm trường vào giờ học, như thế phụ huynh sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về cách dạy học, hướng dẫn, chăm sóc của giáo viên. Nếu cảm thấy cách dạy của giáo viên chưa ổn, phụ huynh cần cân nhắc kỹ hơn trước khi cho con theo học.

Không đặt nặng việc thi tuyển đầu vào

Ngoài vấn đề học phí và chất lượng đào tạo, các phụ huynh mong muốn tìm cho con môi trường học tập thoải mái và không đặt nặng việc thi tuyển đầu vào. Chia sẻ với Zing, chị Nguyễn Thị Trang (31 tuổi, Thanh Hóa) cho biết chị chọn trường tư thục cho con vì mong muốn trẻ sẽ học được nhiều kỹ năng sống, thay vì chỉ học kiến thức của các môn học thông thường.

Hiện tại, cả 2 con của chị Trang đều học ở trường tư thục. Bé lớn năm nay học lớp 1, bé út học lớp mầm. Trước khi học trường tiểu học ngoài công lập, bé lớn của chị Trang đã học trường mầm non ngoài công lập từ năm 2020.

Trải qua một khoảng thời gian dài con gái học tập ở trường tư thục, chị Trang nhận thấy chất lượng đào tạo ở trường tương xứng với mức học phí 84 triệu đồng/năm mà trường quy định. Vì vậy, chị đã cho bé thứ 2 theo học trường của chị cả.

Chị Trang cho biết thời gian đầu, chị muốn con học ở trường tư là để con được học tập trong môi trường theo chuẩn quốc tế, bé sẽ không phải “quay cuồng” với việc học thêm để chuẩn bị vào lớp 1.

chon truong cho con anh 2

Chị Trang cho con học trường tư thục để con không bị áp lực học tập. Ảnh: NVCC.

Ở trường, ngoài việc học chữ và các phép toán đơn giản, con gái của chị Trang còn được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, hoạt động nhóm và học các kỹ năng mềm để cải thiện những điểm yếu của mình. Về nhà, bé chỉ cần làm một số bài tập và vui chơi cùng gia đình, không phải học thêm.

Đặc biệt, theo chị Trang, phương pháp học tôn trọng ý kiến của trẻ ở trường tư thục giúp con chị tư duy tốt hơn. Con có thể tự tin đưa ra ý kiến của bản thân và tăng khả năng giao tiếp, thay vì chỉ học theo phương pháp “chép” lại những gì giáo viên chia sẻ trên lớp.

“Mức học phí nơi con tôi đang theo học không chênh lệch nhiều so với các trường học khác. Tôi cho con học trường tư vì muốn con có được môi trường học tập tốt nhất, giúp con tự tin hơn khi giao tiếp. Học ở trường tư, con cũng không phải gặp áp lực thi tuyển đầu cấp”, chị Trang nói.

Nhà vệ sinh sạch, trường có camera

Một điểm khác khiến chị Trang cảm thấy hài lòng khi cho con học trường tư thục là cơ sở vật chất tốt. Người mẹ không muốn con gặp tình trạng nhà vệ sinh bẩn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi tham quan các trường tư, chị luôn xem xét kỹ nhà vệ sinh và khu bếp ăn của bé. Chị Trang yên tâm cho con học ở trường hiện tại vì nhà vệ sinh sạch sẽ, bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, đồ ăn đa dạng cho con.

Chung quan điểm với chị Trang, chị Trinh cũng cân nhắc chọn trường đáp ứng đủ tiêu chí chị đặt ra như: Lớp học rộng, thoáng mát; sân chơi rộng để con thoải mái vận động; thiết bị học tập đảm bảo; khu bếp ăn và khu vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo an toàn…

Ngoài ra, chị Trinh sẽ ưu tiên chọn các trường có camera. Nhiều phụ huynh muốn chọn trường có camera để biết con đang làm gì, ăn, ngủ thế nào, con có bị bắt nạt hay không… Tuy nhiên, nhiều trường lắp camera nhưng không cung cấp dữ liệu để cha mẹ theo dõi tại nhà. Vì thế, phụ huynh cần hỏi kỹ vấn đề này để đảm bảo trường đáp ứng được nhu cầu mình muốn.

Giống như chị Trinh Phạm, chị Hồ Ngọc Minh Tâm (27 tuổi, TP.HCM) cũng muốn chọn trường tư thục cho con vì trường có lắp camera và sĩ số lớp không quá đông.

Người mẹ cho biết con của chị đã đi học từ 15 tháng tuổi, đến nay bé đã 2 tuổi. Vì bé còn nhỏ, chị Tâm muốn trường có camera để yên tâm hơn, đồng thời có thể quan sát con đang làm gì, hoạt động trên lớp như thế nào, cô quan tâm con ra sao.

Với tiêu chí muốn con được chăm sóc tốt nhất khi đi học, chị Tâm cũng thích trường tư vì sĩ số các lớp học của trường sẽ ít hơn ở trường công. Theo chị Tâm, lớp ít học sinh, cô giáo mới bớt căng thẳng và ít gặp khó khăn trong việc chăm sóc trẻ.

“Tôi không muốn bé chỉ học chữ, học kiến thức ở trường, tôi muốn con được quan tâm nhiều và có nhiều kỹ năng sống nên quyết định chọn trường tư cho con”, chị Tâm nói.

Mỗi tháng chị Tâm đều chi mức học phí là 4,5 triệu đồng cho con. Chị Tâm đánh giá học phí này vừa ổn với chất lượng ở trường tư con chị đang theo học. Người mẹ không thấy chi phí này quá đắt vì con được chăm sóc đầy đủ.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên

Thái An - Minh Uyên

Theo: ZINGNEWS.VN


Giáo dục (Tin trước)