Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Phụ huynh 'mê' giáo viên có IELTS cao

17/03/2023 (06:02:44)

Nghe đến giáo viên đạt 7.5-8.5 IELTS, nhiều phụ huynh, học sinh bị thu hút và coi đây là yếu tố quyết định việc theo học. Tuy nhiên, chính giáo viên dạy IELTS lại cảnh báo hệ lụy xấu.

Nếu không đủ hiểu biết về IELTS, nhiều phụ huynh chỉ biết tin tưởng như trung tâm cam kết, không thể tìm hiểu kỹ chứng chỉ, trình độ giáo viên. Ảnh: Pro Docs Express.

Hiện tại, Đàm Giang (học sinh lớp 12) theo học một trung tâm luyện thi IELTS tại quận Long Biên (Hà Nội). Giang cho biết sau khi tham khảo nhiều nơi, em mới quyết định xin bố mẹ chi tiền bởi tin tưởng chất lượng giáo viên ở đây.

“Trước khi vào học, trung tâm cam kết giáo viên giảng dạy sẽ là những người có IELTS 8.0 trở lên. Em vui lắm bởi học phí thấp hơn mặt bằng chung mà trình độ giáo viên lại cao", Giang cho biết.

Tuy nhiên, dù học hơn một năm với 5 giáo viên, đến nay, Giang mới chỉ nhìn thấy chứng chỉ IELTS của 2/5 người thông qua ảnh chụp trên trang Facebook cá nhân của giáo viên thay vì nhìn thấy trực tiếp.

“Hầu hết giáo viên đều không công khai bằng cấp. Em cũng nghĩ chẳng ai yêu cầu điều ấy, hoặc có mà em không biết. Tuy nhiên, em có kết bạn Facebook với cô nên phần nào biết được năng lực của giáo viên", Giang chia sẻ với Zing.

Phụ huynh, học sinh bị thu hút bởi điểm IELTS của giáo viên

Theo lời kể của giáo viên, Giang được biết người đang dạy em hiện tại có 8.5 IELTS. Trong lúc dạy, cô thường kể về quá trình, kinh nghiệm thi khá chi tiết. Vì vậy, nữ sinh tin giáo viên đã trải qua kỳ thi và đủ trình độ giảng dạy.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu có biết về bằng cấp, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm của giáo viên, Giang cho biết em không để ý, thậm chí không nghĩ tới. Lâu nay, em chỉ để ý và ngưỡng mộ giáo viên có IELTS cao.

“Những giáo viên em theo học rất nhiệt tình, thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ học sinh, trình độ của em được cải thiện, đáp ứng yêu cầu em đặt ra trước khi tham gia khóa học. Vì vậy, em tin cô đủ trình độ”, Giang nói.

Trong khi đó, tháng 8/2022, chị Trần Oanh (Hà Nội) cũng mất gần nửa tháng để chốt được một trung tâm luyện thi IELTS cho con theo học. Khi tìm trung tâm, chị yêu cầu chi phí phù hợp, trung tâm uy tín, giáo viên có trình độ cao, thể hiện qua mức điểm IELTS họ đạt được.

Ngoài ra, thấy trung tâm có nhiều cơ sở trên cả nước, chị mặc định đây là nơi uy tín. Đặc biệt, về giáo viên, trung tâm cam kết với chị người giảng dạy đều đạt IELTS 8.0 trở lên.

“Điều đó khiến tôi yên tâm gửi con. Cùng mức học phí đó, một số trung tâm khác tôi tìm hiểu chỉ cam kết giáo viên 7.5 trở lên”, chị Oanh nói.

Tuy nhiên, sau nửa năm con theo học với 2 giáo viên phụ trách, chị Oanh vẫn chưa rõ điểm IELTS của họ có đúng như trung tâm cam kết không bởi chị chưa nhìn thấy bằng cấp của họ.

Dù vậy, chị Oanh cũng chưa hỏi lại trung tâm. Theo chị, chủ yếu bố mẹ đều dựa trên cảm nhận của con có phù hợp với giáo viên hay không. Còn lại, nếu không đủ hiểu biết về IELTS như chị, phụ huynh thường không tìm hiểu kỹ chứng chỉ, trình độ giáo viên, chỉ biết tin vào cam kết của trung tâm.

Tương tự, chị Hoài An (TP.HCM) cũng đang cho con gái học lớp 8 học IELTS tại một trung tâm tại quận 3. Khi được hỏi về bằng cấp sư phạm của giáo viên, chị An quan niệm những giáo viên có bằng cấp sư phạm sẽ giảng dạy ở các trường học thay vì trung tâm. Do đó, khi trao đổi với trung tâm, chị chỉ quan tâm điểm IELTS của giáo viên.

“Chất lượng của trung tâm tôi đã kiểm chứng thông qua con đồng nghiệp cũng học tại đây. Trung tâm cũng đảm bảo giáo viên đều có IELTS từ 7.5 nên tôi cũng khá tin tưởng”, chị cho biết.

Điểm IELTS là bề nổi, phụ huynh dễ chú trọng

Anh P.Q. (giáo viên dạy IELTS, đồng thời là chủ một trung tâm tiếng Anh tại Hà Giang) cho biết khi tìm hiểu trung tâm tiếng Anh, đa phần phụ huynh thường quan tâm chi phí, chất lượng đào tạo và cam kết đầu ra.

Tuy nhiên, anh Q. thừa nhận điểm IELTS của giáo viên cao là yếu tố thu hút học viên và phụ huynh. Theo đó, phụ huynh cho con theo học tại trung tâm của anh thường không quá quan tâm đến bằng cấp, chứng chỉ sư phạm của giáo viên. Hầu hết, họ chỉ quan tâm giáo viên có IELTS cao và đã dạy lâu năm thay vì những thứ khác.

Vì vậy, khi đăng ký học IELTS, họ thường yêu cầu chính Q. hoặc một giáo viên khác cũng đạt 8.0 IELTS là người dạy.

phu huynh chon giao vien anh 1

Q. cho biết khi tìm hiểu trung tâm, nhiều phụ huynh chú ý đến chứng chỉ IELTS 8.0 của anh. Ảnh: NVCC.

“Tại nơi tôi mở trung tâm, nhiều người không hiểu bản chất của IELTS. Vì vậy, họ thường nhìn vào mức điểm, danh tiếng, sự uy tín của trung tâm và người dạy", anh Q. cho biết.

Theo anh Q., phụ huynh có tâm lý thích và tin tưởng giáo viên có IELTS cao là bình thường, bởi ai cũng muốn con theo học người giỏi chuyên môn. IELTS cao là bề nổi nên phụ huynh dễ chú trọng nhất.

Tuy nhiên, nếu phụ huynh chỉ chú tâm vào IELTS, anh nhận định không ít các vấn đề tiêu cực sẽ xuất hiện như các trung tâm mở ra tràn lan, người dạy chỉ có IELTS mà không có nghiệp vụ sư phạm, thậm chí có trung tâm làm giả điểm cho giáo viên và lấy điểm đó để quảng cáo.

“Để đảm bảo chất lượng, mọi giáo viên ở trung tâm tiếng Anh cần đạt yêu cầu về trình độ sư phạm, nếu là giáo viên dạy IELTS phải có IELTS 7.5 trở lên. Bằng cấp của giáo viên nên để công khai cho phụ huynh thấy. Khi tìm hiểu trung tâm, phụ huynh cũng nên chú trọng thêm các yếu tố trên", Q. nói.

Cũng giống như anh Q., anh L.D. (giáo viên dạy IELTS tại Hà Nội) từng có gần 10 năm học tập tại Mỹ. Vì vậy, khi về Việt Nam dạy học, với chứng chỉ IELTS 7.5 - một số điểm khá cao ở thời điểm 5 năm trước - anh được phụ huynh tin tưởng gửi gắm.

D. cho hay thực tế, nhiều phụ huynh không hiểu bản chất của IELTS. Họ chỉ biết IELTS là một bài thi đo lường khả năng sử dụng tiếng Anh, cho rằng người có điểm IELTS càng cao, tiếng Anh sẽ càng giỏi. Vì vậy, họ coi điểm số của giáo viên là yếu tố quyết định cho con theo học.

Tuy nhiên, anh D. nhận định IELTS cao không phải là tất cả. Thầy giáo này cho rằng người dạy IELTS tốt phải đảm bảo cả kiến thức đa lĩnh vực và khả năng sư phạm để truyền đạt, chuyển hóa kiến thức cho học viên.

Nếu phụ huynh chỉ “chăm chăm” vào điểm IELTS của giáo viên, hệ lụy xấu dễ xảy đến.

“Một số người không có kiến thức nền mà chỉ học mẹo để lấy điểm IELTS cao, thậm chí, có nhiều trường hợp làm giả bảng điểm IELTS để thu hút học sinh, cung cấp các khóa học không đảm bảo chất lượng nhằm lấy tiền phụ huynh”, anh nhắc lại một số trường hợp trước đây giáo viên làm giả bảng điểm, nổi tiếng là vụ Trung tâm IELTS Tuấn Quỳnh ở TP.HCM.

Năm 2019, nữ giáo viên Q. thuộc trung tâm này bị phát hiện khai khống điểm IELTS của mình từ 6.5 lên 8.0 để thu hút học viên. Thực tế, khi tra bảng điểm, cộng đồng mạng đã phát hiện giáo viên này thi cả 7 lần trong năm 2019 chỉ đạt mức 6.5-7.0.

Đặc biệt, cô Q. đã chỉnh sửa hình bảng điểm thi ngày 26/10/2019 lên ngưỡng 7.5 Writing và 8.0 Speaking, dù điểm thi thực tế ngày hôm đó chỉ ở ngưỡng 6.5.

Qua sự việc trên, anh D. nhấn mạnh tư tưởng chọn giáo viên chỉ chú trọng điểm IELTS sẽ tác động xấu tới chính người học. Học viên, nhất là những bạn trẻ, dễ bị tiêm nhiễm kiểu học đối phó, học “mẹo”. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kiến thức mà còn dễ khiến các em tư duy lệch lạc về việc học IELTS.

Vì vậy, anh D. khuyên phụ huynh nên hạn chế việc coi điểm IELTS là tiêu chí chọn giáo viên/trung tâm. Điều này có thể gây tác động ngược lại chất lượng học tập của chính con em họ.

Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn

Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.

Ngọc Bích - Linh Thùy

Theo: ZINGNEWS.VN


Giáo dục (Tin trước)