Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Cầm chứng chỉ IELTS, TOEIC là thành giáo viên tiếng Anh

14/03/2023 (06:06:59)

Nhiều giáo viên tiếng Anh sở hữu chứng chỉ tiếng Anh IELTS, TOEIC nhưng chưa từng được đào tạo qua về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.

Nhiều giáo viên trẻ dạy tiếng Anh khi chưa có chứng chỉ sư phạm. Ảnh: Pexels.

Tuyển giáo viên tiếng Anh fulltime, thu nhập hấp dẫn. Yêu cầu ứng viên như sau:

- Tốt nghiệp đại học, ưu tiên ngành Ngôn ngữ Anh, Sư phạm tiếng Anh.

- Có kinh nghiệm dạy học từ một năm trở lên.

- Ưu tiên ứng viên từng đi du học.

- Có chứng chỉ IELTS 7.5 hoặc TOEIC 900 trở lên...

Khi tìm kiếm thông tin tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, D.Q. (24 tuổi) nhận thấy các trung tâm hầu như chỉ đưa ra yêu cầu xoay quanh yếu tố liên quan tiếng Anh như chứng chỉ tiếng Anh, ngành học hoặc kinh nghiệm học tập, sinh sống ở các nước nói tiếng Anh.

Về phần kinh nghiệm sư phạm, Q. nói rằng cô từng nộp hồ sơ vào 8 trung tâm tiếng Anh, nhưng chỉ một trung tâm yêu cầu ứng viên phải có chứng chỉ, bằng cấp liên quan sư phạm. Thậm chí, một trung tâm không yêu cầu ứng viên có bằng đại học, chỉ cần tốt nghiệp trung cấp là đủ.

"Hầu hết trung tâm tiếng Anh mình ứng tuyển không bắt buộc ứng viên phải có chứng chỉ hay bằng cấp sư phạm. Họ chỉ coi đó là yếu tố ưu tiên hoặc cộng điểm", D.Q. nói với Zing.

Cầm chứng chỉ tiếng Anh là đi dạy

Tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh tại một đại học ở Hà Nội vào năm 2021, D.Q. bắt đầu tìm công việc liên quan ngành học của mình. Sau nhiều lần nộp hồ sơ và tham gia phỏng vấn, thử việc, Q. trở thành giáo viên tiếng Anh tại hai trung tâm ở Hà Nội, một trung tâm dạy online và một trung tâm dạy offline.

chung chi TESOL anh 1

D.Q. có chứng chỉ IELTS 7.5 nên được tuyển làm giáo viên dạy IELTS. Ảnh: NVCC.

Tổng cộng, Q. phụ trách 3 lớp. Lớp online chỉ khoảng 7-8 học sinh, lớp online đông hơn, trung bình 20 học sinh/lớp.

Nhờ có chứng chỉ IELTS 7.5, các lớp của D.Q. hiện nay đều là lớp luyện thi IELTS. Học sinh chủ yếu là học sinh THCS, THPT, một số ít là sinh viên đại học luyện IELTS để tốt nghiệp, thậm chí có học sinh là người đã đi làm, muốn học IELTS để nâng cao cơ hội việc làm.

Các lớp đều được chia thành từng mức độ cụ thể là IELTS 3.0-3.5, IELTS 4.0-4.5 và IELTS 6.0-6.5. Căn cứ vào từng mức độ, mục tiêu của học sinh, D.Q. sẽ áp dụng cách dạy, truyền tải phù hợp.

Hiện nay, hai trung tâm Q. dạy học đều có giáo trình sẵn cho giáo viên nhưng cô đánh giá giáo trình vẫn còn sơ sài, thậm chí không chuẩn. Q. đành phải tự soạn lại giáo án nhưng chính cô cũng không tự tin là giáo án mình soạn sẽ chuẩn 100%.

L.H., giáo viên TOEIC tại một trung tâm ở Đà Nẵng, cũng là một trường hợp được tuyển làm giáo viên nhờ có chứng chỉ tiếng Anh.

Sở hữu chứng chỉ TOEIC 945/990, lại từng là học sinh lớp chuyên Anh hồi cấp 3 và có 2 năm kinh nghiệm làm trợ giảng tiếng Anh, H. được một trung tâm tiếng Anh tư nhân tại Đà Nẵng thuê làm giáo viên dạy TOEIC từ tháng 11/2022. Tuy nhiên, đây chỉ là nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập, không phải công việc chính của H..

Hiện, L.H. chỉ dạy 3 lớp, quy mô không quá 20 học sinh/lớp. Phần lớn học sinh của H. là sinh viên đại học có nhu cầu lấy chứng chỉ TOEIC để xét tốt nghiệp. Bản thân H. đi dạy cũng không cần soạn giáo án vì đã có giáo án sẵn của trung tâm, cô chỉ cần lên kế hoạch bài giảng và sắp xếp cách truyền đạt kiến thức phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Khó khăn vì thiếu chuyên môn sư phạm

“Rất khó khăn” là những gì D.Q. nói về việc trở thành giáo viên tiếng Anh khi chưa học qua nghiệp vụ sư phạm. Dù kỹ năng tiếng Anh tốt, lại từng làm trợ giảng, Q. vẫn lúng túng và mất tự tin khi đứng trên bục giảng. Cô cũng tự đánh giá bản thân quản lớp chưa “cứng” nên đôi lúc học sinh không nghe lời.

Q. nói với Zing rằng dù sở hữu IELTS 7.5, cô vẫn không hoàn toàn tự tin rằng bản thân sẽ truyền đạt kiến thức đúng và dễ hiểu.

Với những học sinh đã có sẵn nền tảng, quá trình dạy học của Q. sẽ bớt chật vật hơn một chút. Nhưng khi dạy cho những học sinh “chưa biết gì” hoặc không có tư duy ngôn ngữ, Q. lại đau đầu vì không biết dạy từ đâu và dạy thế nào cho học sinh dễ hiểu, nhớ lâu.

Tương tự, từng làm trợ giảng tại một trung tâm tiếng Anh, tiếng Anh ở mức khá giỏi, nhưng việc dạy học của H. trong thời gian đầu không hoàn toàn suôn sẻ. Do chưa được đào tạo qua về kỹ năng sư phạm, H. khá lúng túng khi tương tác và truyền đạt kiến thức cho học sinh.

K.T., giáo viên tiếng Anh ở Cần Thơ, cũng từng chật vật khi đi dạy mà thiếu kỹ năng sư phạm. Ban đầu, K.T. chỉ là trợ giảng tại một trung tâm tiếng Anh, sau đó được xét duyệt dựa trên kinh nghiệm và năng lực tiếng Anh để trở thành giáo viên.

Cũng có kinh nghiệm làm trợ giảng giống D.Q. và L.H., nhưng những ngày đầu đứng lớp với vai trò giáo viên, T. vẫn chưa biết cách quản lý lớp và sửa lỗi cho học sinh.

Được biết, khi chưa có chứng chỉ sư phạm, chỉ có chứng chỉ tiếng Anh, T. chỉ được giao phụ đạo cho vài học sinh nhỏ tuổi. Đến khi học và có chứng chỉ TESOL (chứng chỉ dạy tiếng Anh dành cho người nói ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh), T. mới được trung tâm xếp các lớp quy mô lớn hơn (mỗi lớp khoảng 20 người) và cả lớp IELTS.

chung chi TESOL anh 2

L.H. cho biết phụ huynh, học sinh không quá quan tâm việc giáo viên dạy tiếng Anh có chứng chỉ sư phạm hay không. Ảnh minh họa: Pexels.

Có IELTS, TOEIC là đủ?

Nói về việc đi dạy khi chưa có chứng chỉ sư phạm, L.H. cho biết thực tế trung tâm của cô không bắt buộc điều này. Một người bạn của cô cũng đi dạy tiếng Anh tại một trung tâm ở Hà Nội mà không có chứng chỉ sư phạm, chỉ cần có kinh nghiệm giảng dạy và chứng chỉ IELTS 8.0 là được trung tâm tuyển dụng.

Ở trung tâm của L.H., tiêu chí để một giáo viên được tuyển dụng là có trình độ tiếng Anh nhất định, cụ thể là chứng chỉ IELTS (đối với giáo viên dạy IELTS) hoặc chứng chỉ TOEIC (đối với giáo viên dạy TOEIC). Phía trung tâm cũng ưu tiên những giáo viên có nhiều kinh nghiệm dạy học hoặc từng làm trợ giảng.

Trung tâm không bắt buộc phải có chứng chỉ sư phạm nên L.H. cũng chưa nghĩ đến chuyện học và thi lấy chứng chỉ. Cô nói rằng hiện tại dạy học chỉ là nghề tay trái, nếu sau này xác định dạy học là nghề chính, cô mới tính đến chuyện học và thi.

Khác với L.H., D.Q. lại chọn đăng ký học thạc sĩ chuyên ngành Phương pháp giảng dạy tiếng Anh sau khi nhận thấy sự bất ổn của bản thân khi đứng lớp dạy học.

Q. nói rằng sau khi tham gia chương trình thạc sĩ, cô mới biết thêm nhiều điều mà nếu không học sẽ không bao giờ biết được, hoặc những điều cô sẽ phải mất rất nhiều năm để tự rút ra. Vì thế, cô hối hận vì đã không đi học thạc sĩ sớm hơn, lại vội vàng đi dạy rồi tự đẩy mình vào thế khó khi đứng trên bục giảng.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Thái An

Theo: ZINGNEWS.VN


Giáo dục (Tin trước)