10/03/2023 (06:04:32)
Chị Đ.T.N. lên cơn đau tim, suy sụp sau khi bị lừa mất 100 triệu đồng. Con chị cũng buồn và sợ đi học vì lo mẹ sẽ bị lừa thêm lần nữa.
Phụ huynh bị lừa cả trăm triệu đồng khi nghe tin con cấp cứu trong bệnh viện. Ảnh: Medium. |
Đầu tháng 3, hàng loạt phụ huynh ở TP.HCM trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa chuyển tiền cho con cấp cứu tại bệnh viện. Trong lúc bối rối, phụ huynh bị nhóm lừa đảo dụ chuyển hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Đến khi chuyển tiền xong, họ mới phát hiện mình bị lừa.
Vụ việc khiến các phụ huynh lao đao vì mất một khoản tiền lớn. Trẻ biết cha mẹ bị lừa nên tâm lý cũng bị ảnh hưởng theo.
Kể lại câu chuyện chị gái bị lừa mất 100 triệu đồng vì kịch bản "con cấp cứu ở bệnh viện", anh V.T. (sống tại TP.HCM) không khỏi đau lòng vì cả chị gái lẫn cháu đều bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng.
Anh T. cho biết sau khi biết bản thân bị lừa tiền, chị gái anh lên cơn đau tim, suy sụp đến mức phải xin nghỉ làm một ngày. Cháu anh rất buồn khi biết chuyện mẹ bị lừa. Bé cũng sợ tới lớp vì lo mẹ sẽ bị lừa thêm lần nữa.
Chị gái anh T. chuyển tiền ngay khi nghe tin con nhập viện. Ảnh: NVCC. |
Trao đổi với Zing, anh T. cho biết vào khoảng 8h ngày 6/3, chị N. - chị gái của anh - nhận được cuộc gọi từ một phụ nữ, tự xưng là giáo viên chủ nhiệm của bé ở hệ thống trường Pathway Tuệ Đức (quận Tân Bình). Người này gấp gáp nói với chị N. rằng con chị bị ngã đập đầu ở trường, chấn thương sọ não nên đã được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu.
Chưa dừng lại ở đó, người phụ nữ này tiếp tục chuyển máy cho một người đàn ông, tự xưng là bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy. "Bác sĩ" nói bé bị tụ máu não, cần phẫu thuật gấp. Để khiến chị N. lo lắng hơn, người này nói bé rất nguy kịch, thời gian cứu chữa giờ chỉ tính bằng phút.
Khi nhận điện thoại báo tin, chị N. rối trí, mất bình tĩnh. Nghe cô giáo mạo danh nói cần chuyển tiền gấp cho cháu nhập viện mổ, chị N. ngay lập tức chuyển 50 triệu đồng vào số tài khoản người phụ nữ cung cấp. Do không đủ tiền, chị N. nhờ một người bạn chuyển thêm 50 triệu đồng để con được cấp cứu kịp thời.
Lúc đó, anh T. cùng chị gái chạy đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Trên đường đi, chị N. gọi vào số điện thoại của cô chủ nhiệm được lưu trong danh bạ nhưng không nhận được phản hồi.
Gần đến bệnh viện, người phụ nữ kia vẫn "diễn tròn vai", liên tục gọi điện giục chị N. khẩn trương lên bệnh viện. 8h30, lúc chạy đến khoa Hồi sức cấp cứu, chị N. mới bàng hoàng phát hiện mình bị lừa.
"Gia đình tôi chưa có ai nhập viện nên không nắm được quy trình của những ca mổ gấp. Bạn của chị tôi cũng không rõ đầu đuôi câu chuyện, chỉ chuyển tiền theo yêu cầu của chị tôi. Kết quả là bị lừa mất 100 triệu đồng", anh T. kể lại.
Giống với trường hợp của chị N., vợ của anh V.Đ. cũng chỉ nhận ra mình bị lừa sau khi đã chuyển tiền cho kẻ lừa đảo.
Anh Đ. kể rằng vào trưa 3/3, vợ anh nhận cuộc gọi 4 cuộc gọi từ một người đàn ông. Anh Đ. đánh giá cách hành sự của kẻ lừa đảo giống như "thao túng tâm lý" vì hắn liên tục gọi rồi tắt máy, mỗi lần gọi chỉ nói rất ít thông tin nhằm khiến phụ huynh lo lắng, mất bình tĩnh.
Trong cuộc gọi đầu tiên, người đàn ông tự xưng là giáo viên thể dục của bé ở trường, đồng thời đọc đúng tên của bé và tên mẹ. Cuộc gọi thứ hai, người này thông tin bé bị ngã, phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Anh Đ. cho biết hắn chỉ nói ngắn gọn rồi tắt máy.
Vài phút sau, thầy giáo giả mạo tiếp tục gọi cho vợ anh Đ., nói rằng bé đang được đưa đến bệnh viện cấp cứu và cần mổ gấp.
Vợ anh Đ. gửi tiền hai lần cho kẻ lừa đảo thông qua số tài khoản được gửi qua tin nhắn điện thoại. Ảnh: NVCC. |
Kết thúc cuộc gọi thứ 3, kẻ lừa đảo không gọi tiếp mà cố tình để cho vợ anh Đ. hoảng loạn, chủ động gọi trước. Lúc sau, hắn mới gọi lại, nói bé đang ở phòng cấp cứu, phụ huynh cần đóng viện phí tạm ứng để bệnh viện tiến hành phẫu thuật.
Tổng cộng, vợ anh Đ. gửi cho kẻ lừa đảo 50 triệu đồng, lần một là 20 triệu đồng và lần hai là 30 triệu đồng. Khi chuẩn bị gửi thêm tiền, anh Đ. - lúc đó đang đi công tác - gọi điện cho bạn là trưởng khoa Hồi sức cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy để xác minh thông tin. Bác sĩ nói với anh Đ. rằng lúc đó không có ca cấp cứu nào như vậy.
Anh Đ. tiếp tục gọi cho kẻ lừa đảo để hỏi con trai anh cấp cứu ở đâu nhưng gã chỉ quanh co, không nói cụ thể. Đến lúc đó, anh Đ. khẳng định con trai anh không bị tai nạn, tất cả chỉ là màn kịch do kẻ lừa đảo dựng lên để lừa tiền.
Ngay khi nhận ra gia đình bị lừa tiền, anh V.T. đăng bài vào nhóm phụ huynh của trường để nhắc nhở các phụ huynh khác cảnh giác với chiêu thức lừa đảo tinh vi này.
Nhà trường gửi tin nhắn cảnh báo ngay khi nhận tin nhiều phụ huynh bị lừa. Ảnh: PHCC. |
Đến 17h cùng ngày, nhà trường nơi cháu anh T. theo học gửi tin nhắn đến tất cả phụ huynh, nhắc phụ huynh khi nhận được thông tin từ số máy lạ thì cần gọi lại cho trường để được xác minh thông tin.
Lúc ở Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ cũng nói với anh T. rằng nhiều ngày qua, bệnh viện tiếp nhận không ít trường hợp tương tự nhưng chưa được báo chí đưa tin nhiều. Ngay trong chiều tối hôm 6/3, các báo bắt đầu đưa tin vụ việc.
Anh T. thông tin thêm đến nay, tình hình sức khỏe của chị N. đã ổn định, chị cũng đi làm lại. Tuy nhiên, bản thân chị N. vẫn cảm thấy buồn và tự trách vì mất bình tĩnh, để kẻ gian lừa mất một khoản tiền lớn.
"Gia đình tôi rất phẫn nộ vì nhóm lừa đảo lợi dụng tâm lý của người làm mẹ để chiếm đoạt tài sản. Hiện, tôi và chị gái đang chuẩn bị làm đơn trình báo lên công an, hy vọng công an sớm tìm ra kẻ lừa đảo và xử lý đúng pháp luật", anh T. nói.
Nói về vụ lừa tiền gia đình vừa gặp phải, anh V.Đ. nói rằng gia đình anh cũng sơ suất vì không kiểm tra kỹ trước khi chuyển tiền. Anh nhận thấy nhóm lừa đảo rất tinh vi khi cố tình gọi vào giờ học, lợi dụng một "lỗ hổng" là giáo viên không được dùng điện thoại trong lúc dạy. Nếu muốn xác minh lại, phụ huynh cũng gặp khó khăn vì không thể gọi được cho giáo viên ở trường.
Không riêng gia đình anh Đ., ngay trong sáng 3/3, 4 phụ huynh lớp con anh Đ. cũng nhận được cuộc điện thoại lừa đảo tương tự. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, nhà trường lập tức gửi tin nhắn cảnh báo, nhắc nhở phụ huynh đề phòng, nâng cao tinh thần cảnh giác.
Ngoài ra, anh Đ. đặt câu hỏi vì sao những kẻ lừa đảo lại có được thông tin của phụ huynh và các bé, thậm chí biết rất rõ về trường, lớp các bé đang theo học. Vị phụ huynh lo lắng thông tin của phụ huynh, học sinh có thể đã bị rò rỉ.
Chiều 9/3, tại họp báo cung cấp thông tin tình hình kinh tế - xã hội, trước câu hỏi về nguy cơ lộ thông tin của phụ huynh, học sinh, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết dữ liệu của ngành giáo dục được quản lý bằng quy chế. Sở phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể từng đơn vị, đăng nhập bằng tài khoản, có dấu vết trên hệ thống.
Do đó, ông cho rằng không có chuyện các vụ lừa chuyển tiền với kịch bản con đang cấp cứu ở bệnh viện vừa qua liên quan đến việc sử dụng dữ liệu từ ngành, đồng thời nhấn mạnh một thực tế là sở quản lý dữ liệu rất chặt.
Về việc nhiều phụ huynh nhận cuộc gọi lừa chuyển tiền với kịch bản con đang cấp cứu, thời gian tới, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ phối hợp chặt chẽ với Công an TP.HCM, cung cấp các thông tin sở đã làm việc với nhà trường, phụ huynh, chuyển giao qua công an để giải quyết triệt để, ngăn chặn kịp thời hiện tượng lừa đảo này.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.
Thái An
Theo: ZINGNEWS.VN |